Khó đổi mới giáo dục phổ thông nếu giáo viên lười, thiếu tận tâm

17:57 | 22/09/2017;
Hội thảo về chương trình GD phổ thông tổng thể diễn ra sáng 22/9 đặt ra nhiều vấn đề băn khoăn về chất lượng chương trình mà cốt lõi là chất lượng GV. Đa số ý kiến cho rằng, mọi đổi mới sẽ không thành công nếu không có những GV có tâm.

Lo giáo viên lười, ngại đổi mới

Hội thảo về chương trình GD phổ thông tổng thể do Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội tổ chức diễn ra sáng 22/9 thu hút sự tham gia của đông đảo nhà quản lý, diễn giả, các thầy cô giáo.

Bên cạnh những vấn đề mang tính học thuật, vĩ mô, ý kiến của một nữ GV Lịch sử đến từ TP.HCM nhận được nhiều chia sẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo- nữ GV trẻ dạy ở THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) khi đem câu chuyện của mình trao đổi với báo chí, cô muốn gửi gắm trăn trở về tâm thế của rất nhiều GV như mình trước thách thức đổi mới.

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo chia sẻ về thách thức của giáo viên trước yêu cầu đổi mới. Ảnh: D.H 

“Tôi không nói đâu xa xôi, chỉ bàn về mô hình trường học mới (VNEN). Mô hình này rất tiên tiến nhưng vì sao PH và cả GV đều phản đối? Bởi đơn giản muốn đạt được đúng bản chất của phương thức dạy học này, nó đòi hỏi ở GV rất nhiều!”- nữ GV trải lòng.

Từng có thời gian trải nghiệm với VNEN, cô Thảo cho biết, sở dĩ nhiều đồng nghiệp không đồng tình vì đòi hỏi lớn ở họ kiến thức rộng, sự trải nghiệm, sáng tạo, tận tâm yêu nghề và phải nắm bắt rất rõ từng HS. Chỉ có vậy mới định hướng, phát huy điểm mạnh và khắc phục được điểm yếu của các em.

“Đòi hỏi thì nhiều nhưng rất nhiều GV không làm nổi bởi lương thì thấp và cũng không ai quá rảnh rỗi đến mức ngồi đọc, khoanh vùng, hoạch định vấn đề, học sinh… Đó là lý do khiến GV phản đối mô hình này, nhiều người chưa sẵn sàng để tự đổi mới mình!”- cô Huyền Thảo thẳng thắn.

Theo nữ GV, chỉ đổi mới được nếu GV cảm thấy nỗ lực và đủ đam mê, yêu nghề, tìm tòi sáng tạo mới làm được. Ngành GD cần những người có tâm và có khát vọng đổi mới, còn nếu cứ lên lớp đều, giảng theo chương trình, theo sách giáo khoa thì mọi thứ vẫn sẽ cứ thế.

Lùi thời hạn, triển khai theo đơn vị trường

Về đội ngũ GV, theo ông Tạ Quang Sum (nguyên Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa), GV là mấu chốt, nhưng thực tế cho thấy nhiều thầy cô ngại thay đổi, sợ đụng chạm lợi ích cá nhân.

Theo ông, cho đến nay phương pháp dạy và học trong các nhà trường đã rất lạc hậu, nhưng khó thay đổi vì chưa có những giải pháp khả thi nhằm thay đổi cả một hệ thống tập quán bị nhân danh là truyền thống. Cả người dạy lẫn người học đang hợp tác chặt chẽ tạo ra sức ì ngăn cản đổi mới, vì đích đến của họ chỉ là kết quả các kỳ thi.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo giáo viên, nhà quản lý, chuyên gia GD 

“GV trong quá trình dạy học hầu như phải và chỉ cần nói lại đầy đủ những gì đã được viết trong sách giáo khoa, phải tuân thủ trình tự lên lớp. Tính sáng tạo và nghệ thuật dạy học chưa trở nên cấp thiết. Những tiết thao giảng, dự giờ diễn ra chưa thực chất, khó phản ánh được chất lượng của GV và học sinh. Cả cán bộ quản lý lẫn GV đều không dễ dàng từ bỏ nhiều cách làm cố hữu bởi quan điểm dạy học chỉ nhằm hoàn thành nhiệm vụ năm học mà không có điều tiếng gì”- ông Sum nêu thực trạng.

Ông Phạm Văn Hùng- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đồng tình khi cho rằng, điều kiện để đổi mới GDPT phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ GV, nhưng đội ngũ này còn nhiều yếu kém do một bộ phận GV ngại chuyển đổi từ cách dạy cũ sang cách dạy mới, GV còn thừa - thiếu cục bộ nhiều nơi. Trong khi đó cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nếu tổ chức dạy học tự chọn thì thiếu rất nhiều phòng học...

Ông Hùng kiến nghị dừng đào tạo GV tiểu học, THCS hệ cao đẳng sư phạm và khẩn trương đào tạo GV còn thiếu. “Bồi dưỡng phải đi sâu vào từng loại GV. Bộ GD&ĐT cũng cần có quy định cụ thể về dạy học 2 buổi/ngày. Đặc biệt, muốn đổi mới GDPT thành công thì phải quy định về sĩ số lớp theo hướng giảm xuống”- ông Hùng nhấn mạnh.

Trước những bất cập, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị, lùi thời gian thực hiện chương trình GDPT, sách giáo khoa đại trà từ năm học 2019-2020 để đủ thời gian chuẩn bị.

“Lộ trình thực hiện phải tính theo trường. Trường nào đủ điều kiện thì triển khai từ năm học 2019-2020, nơi nào chưa đủ thì chậm hơn. Song song đó cần rà soát lại toàn bộ đội ngũ GV”, ông Hùng nói.


* Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT tổng thể: Tháng 10 sẽ đưa chương trình bộ môn lên cổng điện tử của Bộ GD&ĐT và các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến của người dân. Tinh thần của ban soạn thảo là vẫn quyết tâm làm đúng hạn (tức triển khai từ năm học 2018-2019). Hiện Bộ GD&ĐT chưa có ý kiến gì về việc lùi thời hạn hay không, nhưng với ý kiến của người dân, của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đông của Quốc hội, của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý nên lùi thì lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ có ý kiến trình lên Chính phủ để Chính phủ báo cáo Quốc hội.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn