Lai Châu 2
Nằm cheo leo trên đỉnh những sườn núi cao của dãy Hoàng Liên Sơn, với khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, những năm gần đây, nhiều thôn bản ở các huyện Tam Đường, Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) đã khai thác những thế mạnh này để phát triển du lịch cộng đồng, thu hút du khách trải nghiệm các phong tục, tập quán đặc trưng.
Bên cạnh những mô hình du lịch đã rất thành công thì hiện nay, đã có nhiều nơi trên địa bàn tỉnh học tập, phát triển du lịch cộng cồng. Tiêu biểu như tại bản Sì Thâu Chải của đồng bào dân tộc Dao.
Xung quanh đường bản là những vườn trái cây ôn đới, chủ yếu là đào và lê rừng, được người dân trong bản cùng nhau góp công, góp sức, vun vén trồng, chăm - vừa để bảo vệ môi trường, gìn giữ cảnh quan, vừa để duy trì sinh kế, tăng thêm thu nhập. Lấp ló dưới những vườn cây, là các dãy ngôi nhà homestay được thiết kế bằng gỗ, với cách bài trí thông thoáng.
Anh Lý Á Ngôn - Bí thư Chi bộ bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) cho biết, để có được diện mạo hôm nay của bản, cán bộ các cấp phải vận động bà con trong bản trong cả một thời gian dài. "Vốn bà con chỉ quen làm nông, nay nói đến làm du lịch không ai dám nghĩ dám làm. Chúng tôi phải đến từng nhà dọn dẹp nhà cửa, xây từ chuồng lợn, nhà vệ sinh, rồi bày cho bà con biết cách bố trí sắp xếp gọn gàng, đảm bảo vệ sinh. Từ đó thấy sạch rồi, đẹp rồi, mọi người lại tự bảo nhau giữ gìn" - anh Lý Á Ngôn cho hay.
Tất cả những điểm nhấn kể trên đã tạo nên một bản người Dao phát triển du lịch cộng đồng, đã và đang vươn mình đổi mới với hy vọng trở thành "hình mẫu" cho rất nhiều những bản phát triển du lịch homestay ở trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Mặc dù cảnh quan hùng vĩ, lại được cán bộ tỉnh quan tâm hướng dẫn để phát triển, nhưng trên hành trình để người dân tiếp cận gần hơn với thoát nghèo bền vững thông qua làm du lịch thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo anh Lý Á Ngôn, bản thân anh cũng là một trong những người tiên phong làm du lịch tại bản, anh tự nhận thấy hiện nay tại Sì Thầu Chải, các dịch vụ tiện ích đáp ứng các nhu cầu giải trí, nghỉ dưỡng cho du khách vẫn còn khá hạn chế. Hơn nữa, tính liên kết giữa các địa điểm vui chơi vẫn chưa cao, du khách hầu hết mới chỉ đến dạo chơi, chụp ảnh chứ chưa nghỉ lại nhiều. "Các dịch vụ ăn uống, giải trí ở đây gần như chưa có nhiều. Mặc dù xã cũng cử người đi học các lớp tập huấn về làm du lịch nhưng nhìn chung bà con vẫn còn rụt rè, chưa mạnh dạn. Nhất là khâu quảng cáo, tôi thấy còn nhiều người chưa biết tận dụng mạng xã hội để tuyên truyền - anh Lý Á Ngôn chia sẻ. Vì vậy, thu nhập từ du lịch của bà con ở đây vẫn còn rất hạn chế so với những nơi khác trong tỉnh như Sin Suối Hồ.
Đây cũng là một trong những hạn chế mà nhiều khách du lịch cảm thấy còn phải cân nhắc khi đến du lịch. Anh Trần Việt Anh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết bản thân anh rất thích không khí, cảnh quan tại Sì Thâu Chải. "Nếu tôi chỉ đi "phượt" 1 mình thì cảm thấy nơi này rất ổn, nhưng nếu cho cả gia đình có trẻ nhỏ đi thì Sì Thâu Chải lại chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm, vui chơi đa dạng để giữ chân được lũ trẻ. Hy vọng trong thời gian tới du lịch tại đây sẽ khởi sắc hơn" - anh Việt Anh nhận định
Có thể nói, bằng sự nỗ lực của các cấp các ngành trong việc quan tâm nâng cao chất lượng đời sống của người dân, bản Sì Thâu Chải đang đổi mới từng ngày để phù hợp hơn với nhu cầu du lịch ngày một lớn. Đến nay, những nét đặc trưng cùng mô hình phát triển du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc Dao nơi đây đã và đang góp phần nâng cao đời sống, diện mạo của người dân. Tuy nhiên để tiến gần mục tiêu lấy du lịch làm mũi nhọn phát triển, chính quyền và nhân dân xã Hồ Thầu nói riêng và lãnh đạo các cấp tại tỉnh Lai Châu cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, định hình mục tiêu phát triển để có định hướng đào tạo, dẫn dắt người dân làm du lịch chuyên nghiệp, quy mô hơn, song vẫn không mất đi bản sắc truyền thống.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn