Khó khăn lớn nhất của nữ sỹ quan tham gia gìn giữ hoà bình là gia đình và con cái

22:17 | 20/09/2023;
Đây là chia sẻ của trung tá Lương Thị Trà Vinh, nữ sỹ quan công an nhân dân Việt Nam đầu tiên tham gia Phái bộ Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS), trong kỳ nghỉ phép ngắn ngủi về Việt Nam vừa qua của chị.

Ăn lều, ngủ trại cũng là nhiệm vụ đòi hỏi phụ nữ phải vượt qua

Trong bộ quân phục sỹ quan Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc, trung tá Lương Thị Trà Vinh vẫn hiện lên nụ cười tươi tắn và gương mặt rắn giỏi sau 11 tháng tham gia nhiệm vụ Gìn giữ hoà bình tại Nam Sudan. 

Chị bảo: "Khó khăn lớn nhất là từ bản thân mỗi sỹ quan Gìn giữ hoà bình (GGHB), đặc biệt là phụ nữ chính là vấn đề gia đình và con cái. Nữ sỹ quan dù có mạnh mẽ, bản lĩnh đến mấy thì gia đình, con cái luôn là nơi mà cảm xúc trở nên mềm yếu nhất. Đây cũng là thử thách lớn nhất họ phải đối mặt và vượt qua khi sẵn sàng nhận nhiệm vụ GGHB Liên hợp quốc".

Khó khăn lớn nhất của nữ sỹ quan tham gia gìn giữ hoà bình là gia đình và con cái - Ảnh 1.

Trung tá Lương Thị Trà Vinh may mắn được gia đình cảm thông, tự hào cho ước mơ được tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình cùng đồng đội

"Thật may mắn, tôi được gia đình thông cảm cho ước mơ của tôi. Các con tôi cũng tự hào về người mẹ của mình. Chính điều đó là động lực cho các cháu nỗ lực vươn lên trong học tập, cũng như có trách nhiệm hơn với bản thân hơn" - trung tá Trà Vinh bộc bạch.

Nam Sudan là một địa bàn khó khăn, phức tạp về tình hình chính trị-xã hội, nhiều rủi ro về bệnh tật, khí hậu khắc nghiệt. Bên cạnh đó, để tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc, mỗi sỹ quan cảnh sát đều phải vượt qua kỳ thi tiêu chuẩn SAAT/AMS với những điều kiện rất khắt khe.

Theo trung tá Trà Vinh, trong môi trường làm việc thực tế, các sỹ quan phải đối mặt với những thách thức trong công việc như: Lái xe trong điều kiện giao thông đông đúc, cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế hoặc địa hình phức tạp, lụt lội, nhiều rủi ro về an toàn giao thông… Hay khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra dài ngày, ăn lều, ngủ trại cũng là nhiệm vụ đòi hỏi phụ nữ phải vượt qua nhiều bất tiện, khắc phục những khó khăn về giới để nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.

Khó khăn lớn nhất của nữ sỹ quan tham gia gìn giữ hoà bình là gia đình và con cái - Ảnh 2.

Luôn sẵn sàng chia sẻ với những người phụ nữ ở nước bạn

Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp) cũng là một rào cản. Phái bộ UNMISS sử dụng tiếng Anh và để hiểu/truyền đạt thông tin trong môi trường làm việc LHQ cũng có những trở ngại nhất định, nhất là thời gian đầu khi chưa quen với ngữ âm tiếng Anh của nhiều nước khác nhau.

Phái bộ khuyến khích sự tham gia của nữ sỹ quan vào tất cả các vị trí

Hiện nay, vấn đề giới trong GGHB và tại Phái bộ, phụ nữ được khuyến khích tham gia vào tất cả các vị trí công việc. Đây là cơ hội rộng mở cho toàn thể phụ nữ được thể hiện năng lực bản thân; nhưng cũng là thách thức do tính chất công việc đòi hỏi trách nhiệm rất cao, phải đối mặt với rất nhiều thử thách và phụ nữ cần phải có bản lĩnh vững vàng để có thể vượt qua.

Khó khăn lớn nhất của nữ sỹ quan tham gia gìn giữ hoà bình là gia đình và con cái - Ảnh 3.

Phụ nữ được khuyến khích tham gia vào tất cả các vị trí công việc ở Phái bộ

Sự hiện diện của nữ sỹ quan công an nhân dân trong lực lượng GGHB LHQ là sự bảo đảm cam kết của Chính phủ Việt Nam trong công tác bình đẳng giới và trao quyền cho nữ giới. Đây là cơ hội rộng mở cho phụ nữ tham gia hoạt động GGHB, đã được Hội đồng Bảo an thông qua.

Thực tế, trên cơ sở chiến lược mở rộng về bình đẳng giới của Tổng Thư ký LHQ, Cục Hoạt động hòa bình LHQ đã phát triển Chiến lược bình đẳng giới đối với Cảnh sát GGHB: Đến năm 2025, có ít nhất 25% sỹ quan cảnh sát cá nhân là nữ. Đến năm 2028, tỉ lệ nữ là 30%. Những mục tiêu này cũng được nêu cụ thể trong Quy trình tiêu chuẩn đánh giá, tuyển chọn sỹ quan cảnh sát cá nhân tham gia GGHB LHQ (AMS SOP 2019).

Khó khăn lớn nhất của nữ sỹ quan tham gia gìn giữ hoà bình là gia đình và con cái - Ảnh 4.

Trung tá Trà Vinh luôn phát huy vai trò của nữ giới trong việc lồng ghép công tác bình đẳng giới với các mặt của công tác Cảnh sát tại Nam Sudan

Với những nỗ lực tích cực của Phái bộ UNMISS, tính đến tháng 9/2023, tỉ lệ nữ sỹ quan cảnh sát cá nhân là 36,1%. Ngay cả các đội hình đơn vị tại Phái bộ UNMISS hiện nay, tỉ lệ nữ sỹ quan cũng đã đạt 28,06%. Phái bộ luôn khuyến khích sự tham gia của nữ sỹ quan vào tất cả các vị trí việc làm trong hệ thống biên chế.

"Với những nữ sỹ quan công an, đây là cơ hội để thể hiện khả năng, sức mạnh mềm của phụ nữ, cũng như phát huy vai trò của nữ giới trong việc lồng ghép công tác bình đẳng giới với các mặt của công tác Cảnh sát. Đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ phụ nữ, trẻ em và những người yếu thế tại những nơi đang có xung đột hoặc bất ổn chính trị" - trung tá Trà Vinh chia sẻ. 

Khó khăn lớn nhất của nữ sỹ quan tham gia gìn giữ hoà bình là gia đình và con cái - Ảnh 5.

Trung tá Trà Vinh (áo dài đỏ) giao lưu, truyền cảm hứng cho phụ nữ Nam Sudan vượt lên khó khăn

 "Là nữ sỹ quan Công an nhân dân Việt Nam, tôi cũng tích cực tham gia vào nhiều hoạt động của Mạng lưới Phụ nữ cảnh sát Phái bộ UNMISS. Ở đây, tôi được giao lưu, học hỏi và cả đóng góp ý tưởng của mình vào hoạt động dân vận của phụ nữ phái bộ với phụ nữ Nam Sudan; góp phần truyền cảm hứng cho phụ nữ Nam Sudan vượt lên khó khăn để khẳng định bản thân trong cuộc sống" - trung tá Trà Vinh tự hào cho biết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn