Khô mắt mùa lạnh: Khi nào cần tới gặp bác sĩ?

09:33 | 02/11/2022;
Thời tiết khô lạnh, máy sưởi và độ ẩm thấp có thể khiến nhiều người gặp tình trạng khô mắt mùa lạnh. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà sẽ có các biện pháp đối phó khác nhau.

Khô mắt nói chung và khô mắt mùa lạnh nói riêng là tình trạng phổ biến có thể ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng cuộc sống của một người. Mặc dù phần lớn các trường hợp bị khô mắt mùa lạnh có thể khắc phục bằng các biện pháp điều trị tại nhà, nhưng đôi khi cũng cần phải tới các cơ sở y tế để được can thiệp.

1. Nguyên nhân gây khô mắt mùa lạnh

Khô mắt có nhiều nguyên nhân gây ra bởi màng phim nước mắt bị tổn thương. Màng nước mắt của bạn có ba lớp: Dầu béo, dịch nước và chất nhầy. Sự kết hợp này thường giữ cho bề mặt mắt của bạn được bôi trơn, mịn và tầm nhìn rõ ràng.

Có nhiều lý do khiến một người có thể bị khô mắt trong suốt cả năm. Lý do gây ra tình trạng rối loạn chức năng màng nước mắt có rất nhiều, bao gồm thay đổi hormone, bệnh tự miễn, tuyến mí mắt bị viêm hoặc bệnh mắt dị ứng. Đối với một số người, nguyên nhân gây khô mắt là do giảm tiết nước mắt hoặc tăng bốc hơi nước mắt.

Các nguyên nhân chung gây giảm sản xuất nước mắt phổ biến thường gặp là:

- Lão hóa

- Một số tình trạng y tế bao gồm hội chứng Sjogren, bệnh mắt dị ứng, viêm khớp dạng thấp, lupus, xơ cứng bì, bệnh sarcoidosis, rối loạn tuyến giáp hoặc thiếu vitamin A

- Một số loại thuốc, bao gồm thuốc kháng histamine, thuốc thông mũi, liệu pháp thay thế hormone, thuốc chống trầm cảm và thuốc điều trị huyết áp cao, mụn trứng cá, ngừa thai và bệnh Parkinson

- Giảm nhạy cảm dây thần kinh giác mạc do sử dụng kính áp tròng, tổn thương dây thần kinh hoặc phẫu thuật mắt bằng laser, mặc dù các triệu chứng khô mắt liên quan đến thủ thuật này thường là tạm thời.

Các nguyên nhân chung gây tăng bốc hơi nước mắt phổ biến thường gặp là:

- Viêm bờ mi sau (rối loạn chức năng tuyến meibomian)

- Chớp mắt ít thường xuyên hơn, có xu hướng xảy ra với một số bệnh lý, chẳng hạn như bệnh Parkinson; hoặc khi bạn đang tập trung trong các hoạt động nhất định, chẳng hạn như khi đọc sách, lái xe hoặc làm việc trên máy tính

- Các vấn đề về mí mắt, chẳng hạn như mi quay ra ngoài (ectropion) và mi quay vào trong (quặm)

- Dị ứng mắt

- Chất bảo quản trong thuốc nhỏ mắt tại chỗ

- Gió, khói hoặc không khí khô lạnh

- Thiếu vitamin A.

Một số triệu chứng khi bị khô mắt có thể gặp như:

+ Mắt ngứa ngáy, đau, rát, mắt đỏ, nhạy cảm hơn với ánh sáng

+ Tầm nhìn giảm, chảy nước mắt nhiều hơn bình thường,...

2. Đối phó với chứng khô mắt mùa lạnh

Để đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn có thể phải kết hợp nhiều phương pháp điều trị:

2.1. Nước mắt nhân tạo

Nước mắt nhân tạo là biện pháp cải thiện độ ẩm cho mắt tự nhiên phổ biến và được bán không cần kê đơn ở hầu hết các hiệu thuốc.

Khi sử dụng nước mắt nhân tạo, cần đảm bảo không sử dụng quá 6 lần/ngày, đọc kỹ nhãn thuốc nhỏ mắt bởi nếu thuốc nhỏ mắt chứa chất bảo quản có thể khiến mắt bị kích ứng nếu bạn sử dụng liên tục.

Trong trường hợp sử dụng tối đa 6 lần/ngày nhưng mắt bạn vẫn cần thêm độ ẩm, bạn cần nói chuyện với bác sĩ khoa mắt để được tư vấn thêm các biện pháp tăng độ ẩm cho mắt khác.

Khô mắt mùa lạnh: Khi nào cần tới gặp bác sĩ? - Ảnh 2.

Nước mắt nhân tạo là biện pháp cải thiện độ ẩm cho mắt tự nhiên phổ biến và được bán không cần kê đơn ở hầu hết các hiệu thuốc (Ảnh: Internet)

2.2. Thuốc mỡ tra mắt

Thuốc mỡ tra mắt không kê đơn cũng có thể là một lựa chọn đối phó với khô mắt mùa lạnh. Loại này "đặc" hơn thuốc nhỏ mắt và có thể gây mờ mắt trong một số trường hợp nên thường được sử dụng vào ban đêm.

2.3. Máy tạo độ ẩm

Máy tạo độ ẩm là một vật dụng cần thiết đối với nhiều người bị khô mũi, khô mắt hay có đường thở dễ kích ứng trong mùa khô hanh. Hơn nữa, khi dùng các thiết bị sưởi, không khí sẽ trở nên khô hơn nên máy bù ẩm là lựa chọn ưu tiên để mắt bạn ít bị khô hơn.

Vì độ ẩm mà máy tạo ra cũng dễ dàng thu hút nấm mốc và vi khuẩn nên vô hình chung có thể biến máy tạo ẩm trở thành nơi "phát triển" bệnh tật. Bởi vậy mà khi sử dụng máy tạo ẩm bạn cần đảm bảo chúng được vệ sinh sạch sẽ và để xa tầm với của trẻ nhỏ.

2.4. Chườm ấm

Sử dụng một miếng gạc ấm để đắp lên mắt trong trường hợp mắt khô mỏi khó chịu cũng giúp giảm được tình trạng vằn đỏ. Bạn nên chườm khoảng 10 phút để mắt được nghỉ ngơi và đem lại hiệu quả.

3. Phòng ngừa khô mắt mùa lạnh

Để giảm và ngăn ngừa khô mắt mùa lạnh bạn có thể áp dụng một số cách sau:

- Hạn chế sử dụng máy sấy tóc, đặc biệt là để luồng gió phả trực tiếp vào mắt; thay vào đó thấm khô tóc bằng khăn bông mềm

- Giữ cho nhà cửa mát mẻ nhất để giảm thời gian sử dụng máy sưởi

- Cân nhắc tới việc bổ sung axit béo omega-3 vào chế độ ăn uống giúp giảm khô mắt, nếu bạn muốn sử dụng thực phẩm chức năng thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ

- Đeo kính khi ra ngoài, đặc biệt vào những ngày có gió khô lạnh để bảo vệ mắt

- Nghỉ ngơi điều độ nếu công việc của bạn đòi hỏi thời gian làm việc tập trung kéo dài hoặc thư giãn cho mắt bằng các bài tập chớp mắt trong vài giây

- Ngừng hút thuốc và tránh những nơi có khói thuốc

- Chú ý dùng nước mắt nhân tạo đều đặn trong trường hợp bạn bị khô mắt mãn tính

- Uống nhiều nước để giúp cơ thể giữ nước và ngăn ngừa mắt khô.

Khô mắt mùa lạnh: Khi nào cần tới gặp bác sĩ? - Ảnh 3.

Nghỉ ngơi điều độ nếu công việc của bạn đòi hỏi thời gian làm việc tập trung kéo dài hoặc thư giãn cho mắt bằng các bài tập chớp mắt trong vài giây (Ảnh: Internet)

4. Khi nào cần liên hệ với bác sĩ?

Các triệu chứng khô mắt thỉnh thoảng xuất hiện do thời tiết thường không đáng lo ngại. Thông thường bạn sẽ thấy triệu chứng khô mắt trở nên tồi tệ hơn khi bạn ra ngoài trời tiếp xúc với gió và không khí khô hanh hay ở trong một không gian quá nóng.

Tuy nhiên, nếu các biện pháp đối phó kể trên không giúp tình trạng khô mắt của bạn cải thiện thì bạn nên cân nhắc tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán kĩ lưỡng hơn bởi khô mắt có thể do một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn gây ra chẳng hạn như hội chứng Sjogren, rối loạn chức năng tuyến meibomian, thiếu vitamin A, nhiễm trùng mắt,...

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn