Chưa tìm ra cách thuyết phục
Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Tám (SN 1963) ở Q.Cầu Giấy, Hà Nội tại buổi Lễ hiến tạng tập thể vừa diễn ra (ngày 25/11) tại chùa Pháp Vân, Hà Nội. Chị Nguyễn Thị Tám cho biết gia đình chị vẫn còn chưa hiểu nhiều, sợ hãi, hoài nghi về việc hiến mô tạng cứu người và hiến xác cho y học. Bản thân chị Tám muốn đăng ký hiến nhưng chưa biết làm thế nào để thuyết phục được mọi người trong gia đình và chưa biết khi nào sẽ nhận được sự đồng ý của họ.
Tương tự, với chị Lê Thị Oanh (Hà Nội), hiện cũng đã đăng ký nếu không may gặp rủi ro bị chết, chết não (do tai nạn giao thông, do bệnh lý…) thì tự nguyện đăng ký hiến các mô, bộ phận cơ thể người (tạng) như giác mạc, thận… Tuy nhiên, đó là chị tự đăng ký chứ chưa được sự đồng ý của người thân. Chị sợ nếu sau này chị qua đời, nếu người thân không đồng ý, không chủ động gọi điện cho bệnh viện để họ thực hiện các biện pháp liên quan đến hiến mô, tạng thì việc “tự nguyện đăng ký” này cũng không có kết quả.
Nói về những khó khăn, rào cản, Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngọc Anh, Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu, Học viện Quân y, cho biết: “Đã có những trường hợp, khi cá nhân một người đồng ý hiến mô, tạng, xác cho y học nhưng sau khi người ấy qua đời, người thân trong gia đình đã không đồng ý để cho bác sĩ tiến hành. Đã có những ca, bản thân tôi đã phải gọi đi gọi lại đến 37 cuộc điện thoại mới có thể có được sự thỏa hiệp của gia đình. Cũng có những trường hợp hiến xác, sau khi bộ phận kỹ thuật đã tiến hành đầy đủ các trình tự để bảo quản thì người nhà lại đến đòi về nên bệnh viện đành phải trả lại”.
Tương tự, theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người: “Người dân hiện vẫn chưa hiểu nhiều về vấn đề hiến mô tạng và xác… Có trường hợp, dù bệnh nhân đã chuẩn bị lên bàn chờ ghép, ekip làm việc vất vả, tốn kém, thế nhưng chỉ một người thân vào bảo: “Tôi không đồng ý” là mọi việc khép lại. Chúng tôi đành ngậm ngùi, buồn tiếc thôi. Phải làm sao để gia đình người hiến tạng hiểu, đồng ý thì vẫn là chuyện khó”.
Tính đến ngày 12/9/2018, theo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, tại Việt Nam hiện có 18.010 người đăng ký hiến mô tạng với Bộ Y tế, trong số đó có khoảng 2.000 người đăng ký hiến tại chùa Giác Ngộ theo lời kêu gọi của Quỹ Đạo Phật ngày nay. Dù đáng được trân trọng nhưng đó là con số quá khiêm tốn so với khoảng 93 triệu dân của Việt Nam. Nguồn mô tạng được hiến còn quá giới hạn, trong khi nhu cầu thay thế cao: Vẫn còn khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép thận, 1.500 bệnh nhân suy gan cần được ghép gan thay thế, hơn 300 ngàn người bị bệnh lý giác mạc cần thay thế giác mạc… |
Thuyết phục theo kiểu "mưa dầm thấm lâu"
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ: “Nền văn hóa tâm linh Việt Nam có cái nhìn cấm kỵ về việc xâm phạm vào thi hài của người quá cố. Hiện nay, sự mê tín này đang làm trở ngại sự hảo tâm. Người mê tín dị đoan cho rằng hiến mô tạng sau khi chết thì kiếp sau khi tái sinh, người hiến tặng mô tạng sẽ có cơ thể không toàn vẹn, sẽ bị tàn tật…
Ngoài ra, còn những người không dám hiến mô tạng vì cho rằng sau khi chết, tâm thức chưa rời khỏi cơ thể, tồn tại trong thi thể khoảng 8 tiếng đồng hồ; bất kỳ ai đụng vào thi thể sẽ tạo ra cảm giác đau nhức tiếc nuối sự sống, khởi lên tâm sân hận, vì vậy mà bị tái sinh vào những cảnh giới xấu. Đây là quan niệm mê tín 100%, thiếu khoa học và trái hoàn toàn với những lời dạy của Đức Phật trong Kinh điển Nguyên thủy và Đại thừa. Thực ra, không có kinh nào dạy như thế, tại sao chúng ta phải tin theo.
Là Phật tử, thì chúng ta phải biết rằng thế giới này bị chi phối bởi luật nhân quả. Gieo nhân cao quý thì sẽ hưởng được quả cao quý. Hiến mô tạng là tạo ra sự sống lần thứ 2 ngay trong cuộc sống hiện tại này, trung bình từ 6-12 bệnh nhân được cứu sống. Hiến mô tạng như thế, các bạn đã gieo nhân phúc về sự sống cho người khác. Do vậy theo luật nhân quả, không có lý do gì kiếp sau thân thể của người hiến mô tạng không được vẹn toàn. Chẳng những được vẹn toàn thân thể, người hiến mô tạng còn có thân tướng hảo".
Ngoài ra, cũng theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, có người đã hỏi thầy: “Con đã đăng ký hiến tạng nhưng chưa dám ghi tên hiến xác vì sợ bất hiếu và gây ra nỗi đau cho cha mẹ, người thân”, thầy Thích Nhật Từ đã có giải đáp rằng: “Đây là quan niệm báo hiếu cực đoan. Theo Luật pháp Việt Nam và các nước trên thế giới, người 18 tuổi đủ tư cách quyết định việc hiến mô tạng và hiến xác thì có hay không sự đồng ý của cha mẹ và người giám hộ. Hiến mô tạng và hiến thi thể không nên xem là hành động bất hiếu, mà là việc làm nghĩa thiện, có giá trị mang lại sự sống cho nhiều người và phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy, mổ xẻ trong y học…”.
Không có sự hợp tác của người thân thì thi thể người chết không thể được chuyển giao cho bệnh viện hoặc trung tâm y khoa có chức năng ghép mô tạng và nhận thi thể được, do đó theo gợi ý của Thượng tọa Thích Nhật Từ, PGS Trần Ngọc Anh, GS.TS Trịnh Hồng Sơn…, trong trường hợp gia đình, cha mẹ không tán đồng thì người tự nguyện hiến phải chịu khó giải thích và thuyết phục bằng nhiều cách:
- Bản thân người ấy phải được tư vấn kỹ, có hiểu biết, có kiến thức và khẳng định được với gia đình đây không phải việc phạm tội bất hiếu mà còn giúp ích, làm điều thiện, lành;
- Nên thuyết phục theo kiểu mưa dầm thấm lâu;
- Có thể tìm kiếm những bài giảng của Phật pháp chia sẻ về việc hiến là gieo điều lành;
- Tìm kiếm những thông tin, gương thực tế về người hiến tạng (như trường hợp bé gái Hải An ở Hà Nội là một ví dụ…) trên báo chí, Internet để dần dần thuyết phục gia đình, người thân…