Kho vàng khủng ở châu Á

12:57 | 19/09/2015;
Tại nhiều nước châu Á, người ta quan niệm tích vàng là một cách để duy trì sự giàu có.
Singapore - Kho vàng lớn nhất châu Á
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến nhiều khách hàng tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn cho các tài sản như vàng và một số kim loại quý khác. Lâu nay, các trung tâm giao dịch vàng quốc tế là New York (Mỹ), Zurich (Thụy Sĩ) và London (Anh). Tuy nhiên, theo nhận định của Hội đồng vàng Thế giới (WGC), xu hướng giàu có trên thế giới đang dịch chuyển từ châu Âu và Mỹ sang châu Á. Vàng cũng đang có xu hướng "chảy" về châu lục này khi hàng loạt ngân hàng lớn mở kho dự trữ vàng nhưng "cầu" không đủ "cung".
Sau khi nổi lên lên là một trong số những trung tâm của các ngân hàng tư nhân cho giới giàu có trên thế giới, Singapore lại đang nuôi tham vọng trở thành một trong số những nền kinh tế châu Á đặt mục tiêu phát triển mạnh thị trường vàng. Từ tháng 10/2012, Chính phủ Singapore đã đưa vàng, bạc và bạch kim hạng đầu tư ra khỏi danh sách bị đánh thuế hàng hóa và dịch vụ. Mục tiêu của Singapore là nâng tỷ trọng của nước này trong giao dịch vàng toàn cầu từ mức 2% lên 15% trong vòng 5-10 năm tới. Vì lẽ đó, Singapore đang nỗ lực phô trương hình ảnh như một nơi trú ẩn ổn định cho các nhà đầu tư và tham vọng trở thành kho chứa kim loại quý lớn nhất châu Á.

Thiết bị quan sát kho vàng tại Singapore

Nhiều năm trở lại đây, hàng loạt các ngân hàng lớn như tập đoàn Ngân hàng Australia và New Zealand (ANZ), ngân hàng Deutsche Bank AG (Đức), UBS AG (Thụy Sĩ) đã khai trương các kho chứa vàng tại châu Á. Ngân hàng đầu tiên mở kho dự trữ vàng ở Singapore là JPMorgan Chase từ năm 2010. Sau đó 3 năm, khi giá vàng đột ngột lao dốc mạnh, do đánh giá cao nhu cầu vàng vật chất châu Á, 3 ngân hàng lớn khác liên tiếp đầu tư vào dịch vụ lưu trữ vàng tại Singapore.
Ngày 9/6/2013, Deutsche Bank cho biết xây dựng kho dự trữ vàng mới tại Singapore với sức chứa 200 tấn vàng. Ngày 2/7/2013, UBS AG thông báo mở kho vàng tại Singapore, cũng là kho vàng đầu tiên tại châu Á của ngân hàng này. UBS AG đánh giá cao sức hấp dẫn của vàng vật chất đối với các nhà đầu tư khu vực châu Á. Tháng 8/2013, ANZ thông báo mở kho dự trữ 50 tấn vàng ở đảo quốc sư tử. Đây là kho vàng thứ 2 tại châu Á của ngân hàng này và là kho vàng thứ 4 trên thế giới, sau Hồng Kông (Trung Quốc), Perth (Australia) và Zurich. Kho vàng này có khả năng giữ 50 tấn vàng, tương đương giá trị 2,13 tỷ USD. Các ngân hàng thuê lại một phần của kho dự trữ vàng Singapore FreePort, đặt tại khu vực miễn thuế gần sân bay quốc tế Changi. Singapore FreePort là một kho an ninh nghiêm ngặt được thiết kế để chứa các tài sản có giá trị, bao gồm kim loại quý, tranh nghệ thuật, rượu quý. Kho này được mở vào năm 2010 và được nâng gấp đôi diện tích lên 50.000m2.
Trung Quốc "xuất chiêu"
Sức mua vàng của Trung Quốc ngày càng tăng đã khiến các nhà hoạch định chính sách tin rằng, đất nước này có thể sẽ nắm quyền định giá vàng toàn cầu bằng cách tăng thời gian giao dịch vàng và cho phép các ngân hàng thương mại tiến hành giao dịch kim loại quý này. Tháng 1/2014, Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) đã mua lại cổ phần 60% trong ngân hàng Standard Bank PLC có trụ sở ở London từ ngân hàng Standard Bank Group của Nam Phi. Một số nguồn tin thân cận cho hay, Standard Bank đang là ứng cử đầu bảng trong cuộc chạy đua mua lại 1 ghế trong nhóm 5 ngân hàng thiết lập giá vàng hàng ngày tại London, gồm Barclays, Deutsche Bank, HSBC, Bank of Nova Scotia và Societe Generale do Deutsche Bank muốn rút lui.

"Cơn sốt" mua vàng ở Trung Quốc

Thông tin về việc Trung Quốc muốn có quyền thiết lập giá vàng diễn ra trong bối cảnh nhu cầu vàng của khu vực châu Á, nhất là Trung Quốc, tăng nhanh chóng. Báo cáo mới nhất từ WGC cho thấy, nhu cầu vàng của Trung Quốc đại lục trong năm 2013 tăng 32%, đạt mức 1.065,8 tấn. Nhu cầu cực lớn về vàng trang sức tăng 43% lên 716,5 tấn so với cùng kỳ năm trước. Mức tiêu thụ vàng thỏi tăng 57% lên 375,7 tấn. Theo giới phân tích, chính phủ Trung Quốc đã tận dụng đà giảm của giá vàng trong thời gian qua để tăng nguồn dự trữ kim loại quý. Động thái tăng nhập khẩu vàng là nhằm hướng đến việc sử dụng vàng trong kế hoạch quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. 

Một kho vàng ở TP Thượng Hải

Mong muốn kiếm được lợi nhuận lớn nhờ nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế lớn nhất châu Á này, tháng 11/2013, Công ty Malca-Amit Global Ltd. có trụ sở tại Hồng Kông đã chọn Thượng Hải làm nơi xây dựng căn hầm khổng lồ với sức chứa lên tới 2.000 tấn. Ngoài vàng, căn hầm này còn được dùng để chứa kim cương, trang sức, các tác phẩm nghệ thuật, đá quý. Tổng lượng vàng mà căn hầm có thể chứa được có giá trị lên tới 82,7 tỉ USD. Cơ sở này là một lá phiếu tín nhiệm lớn đối với thị trường vàng Trung Quốc. Ngoài ra, Malca-Amit Global còn sở hữu 2 kho chứa vàng ở Hồng Kông, 2 kho ở Singapore. Công ty này đặt mục tiêu sẽ xây dựng ít nhất 10 hầm vàng khắp thế giới trong vòng vài năm tới.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn