Một nghiên cứu được đăng trên United European Gastroenterology Week cho thấy, trong một cuộc khảo sát trên 50.000 tham gia người trên toàn thế giới, có khoảng 13% nữ giới và 9% nam giới cho biết họ thường xuyên bị đau bụng trong bữa ăn.
"Những người bị đau bụng trong bữa ăn thường xuyên gặp các triệu chứng tiêu hóa khác và các triệu chứng về rối loạn chức năng đường ruột, bao gồm các tình trạng phổ biến như hội chứng ruột kích thích (IBS), đầy hơi, chướng bụng", Esther Colomier - nhà nghiên cứu tiến sĩ tại Đại học Gothenburg, Thụy Điển cho biết.
Nghiên cứu lấy dữ liệu từ 54.127 người sống trên 26 quốc gia trên toàn thế giới. Những người tham gia khảo sát được hỏi được hỏi liệu họ có bị đau bụng không và cảm giác khó chịu đó có liên quan đến bữa ăn hay không.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có đến 30% những người cho biết họ bị đau bụng trong bữa ăn cũng có các triệu chứng tiêu hóa nhẹ khác, chẳng hạn tiêu chảy và táo bón.
Những người thường xuyên bị đau bụng trong bữa ăn thường bị đầy hơi và căng trướng bụng mỗi tuần một lần. Còn đối với người chỉ thỉnh thoảng bị đau bụng trong bữa ăn, tình trạng đầy hơi và chướng bụng chỉ dừng ở mức 2-3 ngày một tháng.
Tiến sĩ Walter Park, phó giáo sư y khoa về tiêu hóa tại Đại học Stanford ở California, cho biết những phát hiện của nghiên cứu không có gì đáng ngạc nhiên.
"Là một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, phàn nàn phổ biến nhất mà chúng tôi nghe bệnh nhân của mình nói chính là đau bụng. Câu hỏi phổ biến nhất mà chúng tôi thường hỏi bệnh nhân để có thể hiểu rõ hơn về bản chất của cơn đau là sự liên quan của nó với bữa ăn như thế nào. Điều đó có thể giúp chẩn đoán tình trạng chính xác hơn", tiến sĩ Park nói.
Tiến sĩ Florence M. Hosseini-Aslinia, bác sĩ tiêu hóa tại Trung tâm Y tế Đại học Kansas, cho biết: "Đầy hơi thông thường và đầy hơi do vi khuẩn đường ruột phát triển quá mức và không dung nạp thức ăn có thể gây đau. Hơn nữa, mẫn cảm quá mức với tình trạng chướng hơi thông thường của đường tiêu hóa thường gặp ở người bị rối loạn chức năng tiêu hóa và hội chứng ruột kích thích, nó cũng có thể gây đau bụng trong bữa ăn".
"Mọi chỉ định điều trị phù hợp với tình trạng bệnh luôn được xem xét, chúng có thể bao gồm chứng liệt dạ dày, viêm ruột, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, sẹo liên quan đến bệnh viêm ruột hoặc ung thư đường tiêu hóa", tiến sĩ Florence M. Hosseini-Aslinia nói thêm.
Cô cũng cho biết, điều quan trọng là những người bị đau bụng khi ăn phải gặp bác sĩ thăm khám để loại trừ các nguyên nhân gây đau nghiêm trọng như viêm ruột, xoắn ruột, hẹp đường tiêu hóa do sẹo hoặc do khối u gây nên.
Tiến sĩ Hosseini-Aslinia nói: "Bị đau bụng trong bữa ăn hoặc ngay sau khi ăn chắc chắn là bất thường cần được thăm khám cụ thể. Tuy nhiên, tin tốt là đa số những người trẻ bị đau bụng sau khi ăn đều được chẩn đoán mắc các bệnh lành tính như hội chứng ruột kích thích, rối loạn tiêu hóa do chức năng hoặc không dung nạp thức ăn".
Hầu hết các trường hợp kể trên đều có thể điều trị bằng việc điều chỉnh chế độ ăn uống và dùng thuốc không kê đơn, chẳng hạn như bạc hà và simethicone.
Trong nghiên cứu về cơn đau bụng khi ăn, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hơn 1/3 số người thường xuyên bị đau trong bữa ăn cũng cho biết tỷ lệ lo lắng và trầm cảm của họ cao hơn so với những người chỉ bị đau thỉnh thoảng hoặc không bị đau.
Do đó, cùng với việc giải quyết các vấn đề đường tiêu hóa, các chuyên gia cho rằng việc điều trị các tình trạng sức khỏe tâm thần có thể góp phần gây ra các triệu chứng cũng vô cùng quan trọng.
"Một khi cơn đau bụng do các tình trạng nghiêm trọng đã được loại trừ, mọi người hãy ăn uống lành mạnh nhất có thể và điều trị các tình trạng tiêu hóa hoặc tâm lý tiềm ẩn nếu có. Tập thể dục và giảm căng thẳng là rất quan trọng nếu người bệnh nghi ngờ tình trạng như IBS", tiến sĩ Craig Gluckman, chuyên gia tiêu hóa tại Đại học California ở Los Angeles cho biết.
Ngoài ra, ghi nhật ký về các loại thực phẩm có thể giúp ích trong việc xác định loại thực phẩm nào gây ra tình trạng đau bụng trong bữa ăn.
Tiến sĩ Hosseini-Aslinia cho biết, không nên bỏ qua các tác động của cơn đau bụng trong bữa ăn bởi nó có thể làm cho chất lượng cuộc sống của người bệnh bị giảm sút nghiêm trọng.
Cô giải thích: "Ăn uống không chỉ là cách chính và tốt nhất để cơ thể nhận được chất dinh dưỡng mà còn là một thú vui của cuộc sống; là một cách để giao lưu với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Tình trạng đau bụng trong bữa ăn có tác động rất lớn đến các hoạt động hàng ngày, đôi khi khiến người bệnh chỉ được ăn những loại thực phẩm đảm bảo không gây đau bụng".
"Tình trạng này sẽ khiến việc đi lại và thưởng thức đồ ăn ở bên ngoài gặp khó khăn. Đôi khi, những người bị đau bụng trong bữa ăn không muốn dùng bữa bên ngoài và nhịn đói cho đến khi về nhà, điều này có thể dẫn đến sự cô lập dần dần với xã hội", cô nói thêm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn