Liên quan đến việc thiếu vật tư y tế tại các cơ sở y tế, mới đây trong các ngày 3/3 và 4/3, Chính phủ đã ban hành 2 văn bản là Nghị định 07 và Nghị quyết 30 nhằm tháo gỡ những "nút thắt" cho ngành Y tế.
GS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho rằng Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ vừa ban hành đã cơ bản giải quyết được những vấn đề mà nhiều bệnh viện đang gặp phải về mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế.
Theo GS. Trần Bình Giang, những ngày qua, hàng trăm bệnh nhân phải hoãn mổ do thiếu vật tư y tế. Ngay sau Nghị định 07 và khi NQ 30 ban hành, Bệnh viện đã liên hệ với các đơn vị cung ứng để có được vật tư hóa chất trong thời gian sớm nhất phục vụ người bệnh. Trong đó, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng vật tư hóa chất.
"Nhà cung cấp hứa là sẽ có đầy đủ vật tư cung cấp cho bệnh viện. Vì vậy, dự kiến trong vòng 1 tuần nữa, Bệnh viện sẽ hoạt động bình thường trở lại. Các ca mổ phiên sẽ tiếp tục được thực hiện theo kế hoạch", ông Giang nói.
Trước đó, từ ngày 1/3, Bệnh viện Việt Đức đã phải tạm dừng mổ phiên (mổ theo kế hoạch), chỉ mổ cấp cứu và cho những trường hợp nặng, do đơn vị hết vật tư y tế. Vì thế, đã có hàng trăm bệnh nhân phải hoãn mổ phiên, nhưng chưa biết đến bao giờ mới mổ trở lại.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế như: Sau dịch bệnh, nguồn cung một số hàng hóa, trang thiết bị y tế khan hiếm, giá cả biến động; nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân tăng.
Ngoài ra, một số hợp đồng cung ứng trước đây đã ký liên quan đến hóa chất, vật tư hết hạn. Trong khi đó, tình trạng gia hạn, cấp giấy phép bị quá tải; nhiều gói thầu không tìm được nhà thầu cung ứng; nhân lực phục vụ đấu thầu không đáp ứng theo yêu cầu.
Ngoài ra còn có nguyên nhân nữa là tâm lý lo lắng trong việc mua sắm những loại hàng hóa, trang thiết bị, vật tư...
Để tháo gỡ những khó khăn trên, thời gian qua, Bộ Y tế đã rất tích cực cùng với các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ có nhiều giải pháp, đặc biệt liên quan đến vật tư, trang thiết bị y tế. Cụ thể: Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ báo cáo với Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80, cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc đã hết hạn. Tính đến ngày 1/3, Bộ Y tế đã gia hạn hơn 9.000 giấy phép lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế. Các thuốc đã được gia hạn và cấp số đăng ký ở những lần trước vẫn tiếp tục được lưu hành.
Ngày 2/3, Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 98 về quản lý trang thiết bị.
Ngoài ra, Chính phủ và Bộ Y tế cùng các cơ quan chức năng đã tìm cách tháo gỡ các bất cập liên quan đến mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc và thanh toán BHYT, trong đó tập trung giải quyết vướng mắc về giá. "Trước đây, yêu cầu phải có 3 báo giá, nhưng có những mặt hàng không đủ 3 báo giá là hàng độc quyền nên chúng tôi đề nghị sửa theo hướng chấp nhận có những trường hợp chỉ có 1 hoặc 2 báo giá để lựa chọn", Thứ trưởng Lê Đức Luận thông tin.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn