Khoảng cách giữa trầm cảm và tự tử rất mong manh

09:41 | 07/01/2018;
Gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ nữ sinh tự tử để lại những hệ lụy đau lòng cho người thân, gia đình và xã hội. Dưới góc độ tâm lý, TS Nguyễn Thị Kim Quý đã phân tích về vấn đề này…
TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý: "Thường những em có ý định tự tử có thần kinh yếu, nhân cách hướng nội, khí chất ưu tư, đa sầu, nhạy cảm. Nhìn chung, những trường hợp tự tử vì tình hầu như do khủng hoảng về tâm lý và tinh thần không được giải tỏa kịp thời nên dẫn đến sự bế tắc trong suy nghĩ và hành động. Điều duy nhất họ nghĩ tới là cái chết".

- Bà có nghĩ rằng, tự tử là cách những cô cậu học trò này muốn thể hiện mình?

Khi người trẻ không tìm thấy sự đồng cảm trong gia đình thì bạn bè, tình yêu rất quan trọng. Các em có suy nghĩ đơn giản, không lường hết được hậu quả mà bố mẹ, người thân phải chịu lụy. Ở tuổi vị thành niên, các em có lòng tự trọng, tự ái cao, luôn muốn khẳng định mình.

Khi không biết trả lời câu hỏi “Mình là ai, mình làm được gì?”; muốn được coi là người lớn, muốn khẳng định cái tôi nên bố mẹ không có thời gian gần gũi quan tâm thì trẻ sẽ tự tìm bạn xấu hoặc có những hành động tiêu cực. Rất nhiều trường hợp tôi tư vấn là nữ sinh, từng cắt cổ tay 3 lần do tự ái vì không được bố mẹ quan tâm, em cảm thấy càng giẫy càng bị quấn chặt lại, tự mình không thoát ra được nên đã giải thoát bằng cách xâm kích cơ thể mà đỉnh cao là tự tử.

- Làm sao để các phụ huynh có thể nhận biết con mình đang rơi vào tình trạng bế tắc, cùng quẫn, thưa bà?

Trước khi tự tử bao giờ trẻ cũng có sự biến đổi bất thường trong suy nghĩ, sinh hoạt hàng ngày. Ví dụ: Nếu là con gái, cháu sẽ tâm sự với bạn thân hoặc để lại lời nhắn trên blog, facebook một cách vu vơ (nhưng thực ra là có chủ đích) “Tôi không thích sống, chán sống”/“Tôi sắp đi xa”/“Tôi sắp rời xa các bạn”... Nếu cha mẹ, những người xung quanh không quan tâm, để ý, thậm chí coi là chuyện vớ vẩn, ngớ ngẩn thì đó là sai lầm rất lớn.

 

- Có là nghịch lý không khi phụ huynh say mê kiếm tiền, mang tới cho con cuộc sống vật chất đủ đầy nhưng lại không lấp được khoảng trống trong tâm hồn trẻ?

Bố mẹ mải làm ăn với quan niệm “kiếm tiền cũng chỉ vì con cái” để đáp ứng nhu cầu vật chất mà trẻ mong muốn nhưng quên rằng ở tuổi này trẻ cần sự quan tâm về đời sống tinh thần; thời gian chia sẻ trò chuyện tháo gỡ những vướng mắc hơn là cuộc sống xa xỉ mà lạnh lẽo trong ngôi nhà của chính mình.

Khi người lớn “bàng hoàng” trước cái chết đau lòng của trẻ, có nghĩa người lớn chưa hiểu trẻ. Cha mẹ, thầy cô không hiểu con, không biết nhu cầu mong muốn của con mình là gì. Trẻ thích mốt tóc Hàn Quốc, Nhật Bản, lẽ ra nên định hướng để con hiểu thì có trường hợp bà mẹ can thiệp thô bạo bằng cách cắt xoẹt đi mái tóc của con khiến trẻ có hành động đập phá, gọi bà xưng tôi với mẹ.

Trước đây bố mẹ dạy con theo lễ giáo và trẻ được quản lý chặt. Ngược lại ngày nay trẻ biết chúng có quyền lợi, trách nhiệm gì và chúng thông minh biết tận dụng hết những điều có lợi cho mình. Giới trẻ từ nghĩa vụ chuyển hẳn sang thái cực tự do. Phương pháp dạy con cổ điển như mắng mỏ, so sánh, lên lớp không phù hợp sẽ khiến trẻ phản ứng không nói lại mà im lặng, lầm lì, chống đối.

- Phải làm sao để ngăn chặn tình trạng trẻ tự tử bởi nhiều lý do “lãng xẹt”, thưa bà?

Cần có những trung tâm tư vấn, đường dây miễn phí rộng rãi hơn để các em được chia sẻ, như vậy tâm lý sẽ ổn định hơn và các em từ bỏ được ý định tự tử.

Trước đây, có trường hợp một bé gái lớp 7 ở Thanh Hóa bị bạn bè tẩy chay, bố mẹ áp đặt phải sống thế này, thế khác, ấm ức bị tích tụ lâu ngày đã khiến em tự tử. Một bé gái khác mới học lớp 4 nhưng là người hướng nội, dễ ưu tư nhạy cảm nên đã tự tử để kéo sự quan tâm của bố mẹ. Thậm chí có trẻ lớp 5 còn mua sẵn bát hương dặn dò mọi người thắp hương cho mình….

Ở Việt Nam, việc “dạy” cha mẹ biết cách nuôi dạy con hầu như chưa có, việc dạy con được làm theo kiểu “nhìn người đi trước” trong khi đó tâm lý trẻ em biến đổi theo thời gian, mỗi thời mỗi khác.

Điều tôi muốn nói với các phụ huynh là hãy hỏi ý kiến con cái, lắng nghe con trong mọi chuyện; nên khuyến khích, động viên thay vì áp đặt. Có như vậy mới tránh được những trường hợp đáng tiếc.

Cha mẹ không nên gây áp lực lớn với con. Động viên con học trong khả năng, thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với con như những người bạn... Giáo viên cũng không nên dạy theo kiểu gò ép, nhồi nhét, bởi nếu học nhiều các em dễ bị trầm cảm, trong khi khoảng cách giữa trầm cảm và tự tử rất mong manh.

- Xin cảm ơn bà!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn