Khoảng trống pháp luật trong xử lý xâm hại trẻ em

16:32 | 28/06/2019;
“Xâm hại tình dục (XHTD) là vấn đề còn khoảng trống pháp lý lớn. XHTD trong trường học càng khó xử lý. Để bảo vệ nạn nhân trong môi trường giáo dục hiện nay, mới chỉ nêu vấn đề, chưa có cơ chế thực hiện” - Luật sư Nguyễn Văn Tú, Công ty luật Fanci, chia sẻ tại Tọa đàm “Xâm hại trong học đường” do Báo PNVN phối hợp với CSAGA tổ chức sáng 28/6 ở Hà Nội.

Khoảng trống "mênh mông"

Trước những bất cập trong xử phạt các vụ dâm ô trẻ em mới đây, TAND Tối cao vừa đưa ra một dự thảo về việc hướng dẫn áp dụng một số  điều trong nhóm tội xâm hại tình dục của Bộ luật Hình sự 2015. Tại dự thảo này, các hành vi sờ, hôn... vào bộ phận sinh dục, ngực, mặt, đầu, đùi, mông... của trẻ em có thể bị kết tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi".

 

1.jpg
Tọa đàm "Xâm hại trong học đường" do Báo PNVN phối hợp với CSAGA tổ chức sáng 28/6/2019 thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả, phụ huynh và các nhà báo

 

Nói về vấn đề này khi tham gia Tọa đàm “Xâm hại trong học đường”, Luật sư Nguyễn Văn Tú cho rằng, trong Bộ luật Hình sự 2015 có một số hành vi được coi là nghiêm trọng nhất là hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, giao cấu,… Trong khi thực tế đời sống tình dục có trăm ngàn hành vi khác nhau. Tấn công tình dục nghiêm trọng mới đưa vào luật nhưng ngay cả đưa vào luật rồi cũng không có định nghĩa, khái niệm như thế nào là dâm ô, hiếp dâm. “Không có khái niệm dẫn đến vướng cho tất cả các cơ quan và những người thực thi không thể kết tội”.

Luật sư Tú dẫn chứng vụ việc đang được dư luận quan tâm thời gian này là vụ Nguyễn Hữu Linh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP Đà Nẵng, do không có định nghĩa về các hành vi dâm ô nên cơ quan xét xử không quan tâm đến mặt chủ quan của tội phạm, chỉ quan tâm xem ông ta đang làm gì. Cơ quan xét xử đã làm khó cơ quan điều tra khi không thể xác định được cái tay của ông này đang làm gì (trong camera tay bị cơ thể che khuất). “Thực tế, nếu từ hành vi đó mà ông ta thỏa mãn là đủ kết tội có quấy rối tình dục, đây cũng là một dạng xâm hại. Bản dự thảo đang lấy ý kiến cũng đi theo hướng mô tả hành vi, không đề cập đến mong muốn, nhu cầu của kẻ xâm hại do đó theo tôi vẫn là sự quan tâm không đúng hướng”.

Nghị định... "trên giấy"

Theo Luật sự Tú, Điều 75, Luật Giáo dục (Sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp vừa qua có quy định một số hành vi nghiêm cấm với thầy cô, nghiêm cấm xâm hại thân thể học sinh. Trước đó, trong Nghị định 80 năm 2017 Chính phủ ban hành quy định về bạo lực học đường nhưng trong văn bản này không nhắc gì đến bạo lực tình dục.

 

dsc_0371.JPG
Luật sư Nguyễn Văn Tú: Nghị định 80 năm 2017 Chính phủ ban hành quy định về bạo lực học đường nhưng không nhắc gì đến bạo lực tình dục.

 

Có thể nói Nghị định 80 chỉ là nghị định trên giấy khi chỉ đề cập đến phải đảm bảo môi trường lành mạnh trong nhà trường về phòng chống bạo lực học đường với phần lớn các quy định mang tính phòng ngừa, xác định môi trường thế nào là an toàn…

“Cần có một khảo sát xã hội để nhận diện những nguy cơ bạo lực trong môi trường học đường. Nhà nước nên có điều tra xã hội học xem môi trường học đường đang tồn tại vấn đề gì, các nguy cơ xảy ra bạo lực để thấy hiện trạng rõ ràng nhất. Sau đó lựa chọn cơ quan có trách nhiệm giải quyết vấn đề này. Luật pháp không nên quy định cứng nhắc về mối quan hệ của các cơ quan này. Nhu cầu được cho trẻ an toàn là nhu cầu dân sự, dịch vụ có trả công, nên hoàn toàn có thể xã hội hóa. Bên cạnh đó, nên tách Hội Cha mẹ học sinh ra khỏi nhà trường, Hội này nên là cơ quan giám sát chứ không phải là cánh tay nối dài của nhà trường”, Luật sư Nguyễn Văn Tú đề xuất.

Đặc biệt, nên sửa bộ quy chuẩn thế nào là trường học chuẩn, ngoài cơ sở vật chất, đội ngũ… là những tiêu chuẩn hữu hình cần thêm tiêu chuẩn về an toàn. Thí dụ có bao nhiêu tiết về bình đẳng giới, luật (dạy cho học sinh từ cấp 2 trở lên, giáo viên, bảo vệ…), an toàn tại nhà trường. Quan điểm vuốt tóc, vỗ mông không sao vì đó là văn hóa Việt Nam cũng cần thay đổi bởi quyền tự do thân thể, cái gì là của tôi thì anh đụng đến theo nhu cầu của anh là vi phạm. Nên bàn đến luật trước khi bàn về văn hóa, như vậy mới tiến đến trình độ văn minh của xã hội được.

Cũng là một phụ huynh có con đi học, Luật sư Tú cho rằng, Nhà nước nên bao cấp đào tạo kiến thức, còn kiến thức ngoại khóa (bơi, võ…) thì xã hội hóa hoặc thu từ chính nhu cầu học của phụ huynh học sinh. Các Hội Cha mẹ học sinh, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em, nhà trường… cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử giữa thầy và trò. “Trong nhà trường có rất nhiều quan hệ dân sự… bộ quy tắc ứng xử của từng khu vực (đang thiếu hoặc không có) nên giao cho các định chế xã hội thực hiện. Việc này hiện nay các trường đang tự làm, không phải khung mang tính toàn quốc thì không phải trường nào cũng thực hiện. Kiến thức an toàn cũng cần có quy định rõ ràng. Xã hội hóa có thể huy động được từ các tổ chức phi chính phủ… Hệ thống giáo dục nên có cái nhìn xuyên suốt về vấn đề này".

 

Cha mẹ cần nâng cao ý thức

Ở góc độ là nhà báo và cũng là một phụ huynh, nhà báo Quý Hiên, Báo Thanh niên, chia sẻ, chị hiện có hai con đang đi học và cũng nhận thấy hệ thống giáo dục chưa chú ý đúng mức tới việc đề phòng xâm hại cho học sinh. Tuy nhiên, chị thấy may mắn vì các con được học ở những trường, những địa bàn tốt ở Hà Nội. Như ở trường tiểu học nơi con chị theo học, bố bố mẹ có thể lựa chọn cho con đến nghe truyền thông về giáo dục giới tính, để phòng tránh xâm hại trẻ em. Bố mẹ cũng có thể đi nghe cùng con.

Hay hồi con gái chị học lớp 7, có lần con về nói cần bao cao su và dưa chuột để phục vụ tiết ngoại khóa về giáo dục giới tính. Như vậy là trường có kế hoạch tương đối tốt cho trẻ.

 

img_0665.JPG
Nhà báo Quý Hiên: Ý thức của phụ huynh rất quan trọng trong việc phòng chống xâm hại cho con.

 

“Theo tôi, ý thức của phụ huynh rất quan trọng trong việc phòng chống xâm hại cho con. Hồi con học mẫu giáo, mỗi lần phải cho con di chuyển bằng xe ôm, tôi luôn tìm một bác gái, loại trừ luôn đàn ông vì thấy 'gửi con' cho nữ giới sẽ ít nguy cơ hơn so với nam giới. Hay thực tế vẫn xảy ra những chuyện, bố vồ vập hôn hít con gái đã lớn; nhà chật, mẹ sẵn sàng ngủ cùng con trai đã 18 tuổi. Nếu bản thân các phụ huynh không chú ý tới chuyện này, không nhận thức được hành động của mình thì làm sao có thể giáo dục giới tính tốt cho con?”, nhà báo Quý Hiên bày tỏ.

Để tạo ra một không gian an toàn cho trẻ ở mọi lúc, mọi nơi thì việc lên tiếng của công luận và việc xử lý nghiêm khắc các hành vi XHTE nói chung, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng từ các cơ quan chức năng là chưa đủ. Chúng tôi tin rằng, sự lên tiếng của các nhà hoạt động xã hội, người thi hành luật, báo chí và nhà trường trong phòng ngừa và ứng phó với nạn XHTD trong trường học sẽ có ý nghĩa đặc biệt trong cải thiện nhận thức, quan điểm, hành vi của công chúng về vấn nạn này, đặc biệt góp phần xóa bỏ tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân.

dsc_0392.JPG
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA)

 

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới- Gia đình- Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA): "Cảm ơn Báo PNVN luôn đồng hành với các vấn đề liên quan đến quyền của phụ nữ, trẻ em. Không chỉ truyền thông, Báo còn phối hợp với các chuyên gia, tổ chức xã hội để cùng chung tay làm những điều tốt đẹp hơn cho phụ nữ, trẻ em. CSAGA luôn sẵn sàng cung cấp thông tin cho báo chí, sẵn sàng đồng hành trên con đường phòng chống XHTE. Hy vọng sắp tới, báo chí sẽ tham gia tích cực vào chiến dịch “16 ngày hành động chống bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái” (từ ngày 25/11 đến 10/12/2019). Chủ đề năm nay đề cập đến bạo lực tình dục tại học đường, chúng ta cùng tham gia để góp phần trả lại không gian an toàn, tin cậy cho trẻ em ở trường học, giữ được đời sống an lành và trong sáng cho các em".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn