Khoảng trống pháp lý với hành vi mua bán thai nhi - Bài cuối: Đề xuất bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi mua bán bào thai

10:11 | 30/08/2024;
“Không có căn cứ pháp lý để truy tố hành vi mua bán thai nhi về tội mua bán người theo pháp luật hình sự Việt Nam. Điều này làm giảm khả năng trấn áp tội phạm mua bán người và hiệu quả đấu tranh phòng, chống hành vi mua bán người, khiến nhiều bào thai (thai nhi) không được bảo vệ”, TS. Đỗ Đức Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhấn mạnh.
Cần truy cứu trách nhiệm hình sự

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng: Việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm đang mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời, nên chưa có hậu quả xảy ra, dẫn tới khó khăn cho công tác xử lý. 

Theo pháp luật Hình sự nước ta hiện nay thì chỉ được coi là con người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra, còn khi vẫn đang trong bụng mẹ thì chưa thể coi là con người, chưa là đối tượng hành vi phạm tội. Vì vậy, cơ quan chức năng không có căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi. 

Khoảng trống pháp lý với hành vi mua bán thai nhi - Bài cuối: Đề xuất bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi mua bán bào thai- Ảnh 1.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình)

Đại biểu Trần Khánh Thu nhận thấy, thực tiễn hiện nay, tình trạng mua bán thai nhi đã xảy ra tại nhiều địa phương, là hành vi nguy hiểm cho xã hội và vi phạm đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục; cần bổ sung truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp mua bán thai nhi.

Cùng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cân nhắc, điều chỉnh hành vi mới phát sinh trong thực tiễn về mua bán người. Theo vị đại biểu này, nếu xét dưới góc độ pháp luật, người mẹ có hành vi bán con từ khi còn trong bụng cũng phải quy định là hành vi mua bán người và có dấu hiệu phạm tội của tội mua, bán người.

TS. Đỗ Đức Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng: Mua bán thai nhi được hiểu là dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để mua hoặc bán thai nhi vì mục đích trái pháp luật, bằng thủ đoạn đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hoặc các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa đảo, lừa dối, lạm dụng quyền lực hoặc chức vụ, lợi dụng tình trạng dễ bị tổn thương hoặc việc đưa hoặc nhận các khoản thanh toán hoặc lợi ích để đạt được sự đồng ý của người mang thai. 

Mục đích của việc mua bán thai nhi cũng giống như một trong những hành vi mua bán người, tức là chờ đợi cho đến khi đứa trẻ được sinh ra. Vì vậy, bảo vệ thai nhi khỏi bị mua bán sau khi được sinh ra là rất cấp bách và cần thiết. Việc công nhận quyền sống của thai nhi ngay từ khi còn trong bụng mẹ là cơ sở để giải quyết nạn mua bán người.

Theo đó, hành vi mua bán thai nhi khi chưa ra đời phải bị xử lý hình sự, nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa hành vi mua bán người trước khi đứa trẻ được sinh ra. Hơn nữa, để khi đứa trẻ được sinh ra mới trừng trị hành vi mua bán người sẽ gặp rất nhiều khó khăn, khó phát hiện, khó xử lý và thu thập chứng cứ để chứng minh tội phạm, nhất là khi hành vi này thường được thực hiện ở nước thứ hai hoặc nước thứ ba.

Để khắc phục khoảng trống hiện nay của hệ thống pháp luật về phòng, chống mua bán người, TS. Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị: Cần tội phạm hóa hành vi mua bán thai nhi vào Bộ luật Hình sự, trên cơ sở tham khảo quy định về tội phạm có cấu thành gần giống (tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người) tại Điều 154 Bộ luật Hình sự theo hướng Điều 154. 

(Đề xuất bổ sung) Điều 154a. Tội mua bán bào thai 1. Người nào mua bán bào thai, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm… 

Bổ sung vào Điều 150 (tội mua bán người) và Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi) của Bộ luật Hình sự 1 khoản mới để xử lý hành vi chuẩn bị phạm tội mua bán người, trên cơ sở tham khảo quy định về xử lý hành vi chuẩn bị phạm tội gần giống (xử lý hành vi chuẩn bị phạm tội giết người) tại khoản 3 Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Sau cùng, TS. Hà đề xuất: "Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục thống nhất và cụ thể hóa vấn đề quyền sống của thai nhi, thậm chí cả phôi thai, trong các văn bản pháp luật, để những quy định này thực sự trở thành cơ sở pháp lý quan trọng, bảo vệ có hiệu quả, thúc đẩy và phát triển quyền sống của bào thai, phù hợp với Công ước quốc tế, chuẩn mực chung trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế".

"Quy định mua bán bào thai trong khái niệm mua bán người là không phù hợp"

Về hành vi mua bán bào thai, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, bào thai chưa được xác định là con người nên việc quy định mua bán bào thai trong khái niệm mua bán người là không phù hợp. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra tình trạng mua bán bào thai nhằm mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra. 

Việc thỏa thuận mua bán này là tiền đề của hành vi mua bán người. Để bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, phù hợp yêu cầu thực tiễn, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được bổ sung 1 khoản quy định về hành vi bị nghiêm cấm "mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai...".

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, vấn đề bào thai khi nào được gọi là người hiện là vấn đề còn tranh cãi trên thế giới. "Cấm hành vi mua bán bào thai, song không thể quy định bào thai là người. Bởi nếu như vậy thì việc nạo, phá thai sẽ được coi là giết người", Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh.

Luật sư Cao Thị Hương Giang, Văn phòng luật sư Hoàng Hưng (Đoàn luật sư Hà Nội), cho biết: Căn cứ Điều 23 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005, có thể hiểu các cá nhân sinh ra và sống được từ 24 giờ trở lên được xác định là "trẻ em". Từ đó, có thể xác định, thai nhi và trẻ sinh ra dưới 24 giờ, chưa được coi là "trẻ em". 

Tuy nhiên, theo bà Giang: "Thai nhi mặc dù chưa sinh ra nhưng cần được bảo vệ như một con người với đầy đủ các quyền cơ bản. Nếu không có quy định pháp lý rõ ràng về mua bán thai nhi sẽ tạo kẽ hở và tội phạm này tiếp tục diễn ra, gây ra những hậu quả tiêu cực cho xã hội. Rất cần bổ sung hành vi này vào tội mua bán người", luật sư Giang nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS.Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Hà Nội), cho rằng: Pháp luật về khám chữa bệnh, về dân sự, hôn nhân gia đình có tương đối nhiều quy định về bảo vệ phụ nữ và trẻ em, bảo vệ phụ nữ mang thai, chế độ khám thai, quy định kiểm soát về nạo phá thai... 

Khoảng trống pháp lý với hành vi mua bán thai nhi - Bài cuối: Đề xuất bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi mua bán bào thai- Ảnh 2.

TS.Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Hà Nội)

Tuy nhiên, vấn đề ít được quan tâm là bảo vệ thai nhi. Khi thai nhi bị phá bỏ hay mua bán, hiện nay chưa có cơ sở pháp lý nào để bảo vệ. Theo ông Cường, việc bảo vệ bào thai là cơ sở để bảo vệ phụ nữ mang thai, bảo vệ trẻ em trước nạn mua bán người, mua bán bộ phận cơ thể người. 

Quy định pháp luật về bảo vệ bào thai có thể được quy định trong Luật khám chữa bệnh, Luật trẻ em, Luật Phòng, chống mua bán người, hoặc các văn bản pháp luật khác có liên quan, thậm chí có thể để ở dạng văn bản dưới luật như Nghị định, Quyết định, Chỉ thị.

"Cần có quy định rồi mới có chế tài. Phải quy định về cơ chế bảo vệ thai nhi, trách nhiệm bảo vệ thai nhi, trình tự thủ tục xử lý sau khi thai nhi bị phá bỏ, bị mua bán thì mới xác định được những hành vi vi phạm, trên cơ sở đó sẽ có chế tài hành chính hoặc hình sự. 

Khi có các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý vấn đề này (thai nhi) thì khi đó sẽ có nghị định về xử phạt hành chính, thậm chí hình sự hóa trở thành tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự để xử lý đối với các hành vi vi phạm. 

Quy định có thể đưa vào văn bản luật hoặc văn bản dưới luật. Cần đưa ra các khái niệm, đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh đối với vấn đề này; phải quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, bảo vệ…", ông Cường nhấn mạnh.

Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho rằng: Phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn là những người yếu thế trong xã hội, dễ bị các đối tượng phạm tội dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc trở thành "món hàng" cho các đối tượng mua bán, lạm dụng tình dục, bóc lột sức lao động và thực hiện các hoạt động phi nhân đạo khác. 

Bởi vậy, nhóm người này cần được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền, của cơ quan chức năng; cần có những giải pháp kịp thời để không ngừng nâng cao đời sống, hiểu biết pháp luật và có những cơ chế đặc biệt đặc thù để bảo vệ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn