Trong những năm gần đây, các chuyên ngành kinh tế được lựa chọn nhiều nhất là: Thương mại điện tử, quản trị kinh doanh, tài chính, quản trị logistics,… Đây đều là những ngành có cơ hội việc làm cao, ra trường không lo thiếu việc và đem lại nhiều tiềm năng phát triển bản thân.
Kinh tế học là khối ngành cung cấp những kiến thức sâu rộng về kinh tế, mang lại cơ hội việc làm cao. Bạn có thể làm việc trong các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, thậm chí là ở các cơ quan nhà nước. Ngành kinh tế gồm các môn nghiên cứu sự sản xuất, phân phối và tiêu dùng các loại hàng hoá và dịch vụ. Ngành học này cũng nghiên cứu cách thức xã hội quản lý các nguồn tài nguyên (hay còn gọi là nguồn lực) khan hiếm của nó.
Nghiên cứu kinh tế học nhằm mục đích giải thích cách thức các nền kinh tế vận động và các tác tác nhân kinh tế tương tác với nhau. Các nguyên tắc kinh tế được ứng dụng trong đời sống xã hội, thương mại, tài chính và hành chính công, thậm chí là trong ngành tội phạm học, giáo dục, xã hội học và nhiều ngành khoa học khác.
1. Nhóm ngành kinh tế quản trị
Trong khối ngành kinh tế, quản trị được xem là ngành học quan trọng. Nhóm ngành này gồm các chuyên ngành kinh tế như: Quản trị kinh doanh, quản trị lữ hành, quản trị nguồn nhân lực, kinh doanh quốc tế,…
Sinh viên theo ngành này sẽ được cung cấp những kiến thức để trở thành một nhà quản trị. Một số ngành có thể làm sau khi tốt nghiệp ngành kinh tế quản trị: Quản trị marketing, quản trị nhân lực, quản trị tài chính, cố vấn kinh tế - tài chính.
2. Nhóm ngành kinh tế tài chính
Đây là nhóm ngành được nhiều sinh viên quan tâm và lựa chọn nhất trong những năm gần đây. Nhóm ngành này bao gồm các lĩnh vực cụ thể như: Tài chính doanh nghiệp, quản trị tài chính, tài chính quốc tế, thị trường chứng khoán, hệ thống thông tin tài chính,…
Sinh viên tốt nghiệp trong nhóm ngành này có thể làm những công việc như: Nhân viên ngân hàng, tư vấn tài chính, nhân viên bảo hiểm,…
3. Nhóm ngành kế toán – kiểm toán
Kế toán – kiểm toán cũng là một nhóm quan trọng trong khối ngành kinh tế. Sinh viên theo ngành sẽ được cung cấp kiến thức về thu thập, xử lý, kiểm tra và cung cấp thông tin về tình hình tài chính. Cũng như hiệu quả kinh doanh thông qua các nghiệp vụ: Tính phí dự toán, phân bổ sổ sách, quản lý doanh thu theo sát kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Về cơ bản, sinh viên kế toán có thể làm những công việc của kiểm toán và ngược lại. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc liên quan đến nghiệp vụ như: Kế toán, dự báo kinh tế, phân tích chứng khoán, kinh doanh ngoại hối,…
4. Nhóm ngành về lĩnh vực công
Sinh viên theo nhóm ngành được trang bị các kiến thức và kỹ năng linh hoạt trong lĩnh vực kinh tế. Sau khi ra trường, bạn có thể làm những công việc liên quan đến thuế, thương mại, môi trường,…
Thu nhập những người làm trong ngành kinh tế sẽ phụ thuộc vào mỗi ngành nghề và cấp bậc vị trí khác nhau. Sinh viên mới ra trường, mức lương khởi điểm từ 7 – 10 triệu đồng/tháng. Sau khi tích luỹ đủ kinh nghiệm. được làm ở những vị trí cao hơn trong ngành thì bạn có thể kiếm được hàng chục, thậm chí là cả trăm triệu đồng mỗi tháng.
Sinh viên khối ngành kinh tế thường rất năng động và linh hoạt. Nhiều người không chọn đi làm ở một doanh nghiệp hay một tổ chức cụ thể, họ ra ngoài tự làm chủ, xây dựng cơ ngơi cho riêng mình và có được thành công ngoài mong đợi.
- Là người logic, có đầu óc phân tích, luôn đón đầu xu hướng.
- Có khả năng toán học sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc tính toán.
- Kỹ năng giao tiếp tốt, làm việc nhóm chủ động.
- Thường quan tâm đến các vấn đề về kinh tế, xã hội trong nước và thế giới.
- Có năng lực giải quyết vấn đề tốt, có khả năng tổ chức, lãnh đạo.
- Có khả năng thuyết trình, thu nhập dữ liệu, phân tích và báo cáo.
Khối ngành về kinh tế rất rộng và đào tạo nhiều nhân lực trong các lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, tuỳ vào mục đích của từng trường sẽ có chương trình đào tạo riêng. Ngoài kiến thức tổng quan về kinh tế thì các trường còn đào tạo kiến thức chuyên sâu như: Kinh tế đối ngoại, kinh tế đầu tư, kinh tế phát triển, thương mại quốc tế,…
Một số trường đào tạo ngành kinh tế là:
- Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội).
- Đại học Kinh tế Quốc dân.
- Học viện Tài chính.
- Đại học Thương mại.
- Đại học Vinh.
- Đại học Kinh tế TP. HCM.
- Đại học Mở TP. HCM.
- Đại học Cần Thơ.
…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn