Câu chuyện làm nghề của chủ thương hiệu Hoa tươi bất tử Cố Đô
Chị Nguyễn Thị Thanh Lân (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) tốt nghiệp ngành sư phạm âm nhạc. Có thời gian gắn bó với trường lớp, học trò nhưng vì tình yêu quá lớn dành cho hoa, năm 2017 chị chọn rẽ ngang, mở shop kinh doanh hoa tươi.
Đắm mình trong không gian ngập sắc hoa, chị Lân vừa hạnh phúc, vừa bùi ngùi mỗi khi nhìn thấy những bông hoa xinh đẹp héo rũ chỉ sau 4, 5 ngày. "Trong lòng tôi luôn dấy lên cảm xúc nuối tiếc, day dứt hệt như đang đánh mất một điều gì quan trọng lắm. Điều đó thôi thúc tôi lên mạng tìm tòi, tham khảo tư liệu học cách nâng cao tuổi thọ cho hoa".
Từ học đến hành, chị Lân quyết tâm theo đuổi đến cùng bằng cách tầm sư học đạo tại những thủ phủ hoa lớn trên cả nước. Đà Lạt, Thanh Hóa, Hà Nội rồi sang cả Thái Lan… chị Lân đi nhiều nơi, học hỏi nhiều người, vừa học vừa đúc rút kinh nghiệm cho mình, để rồi sau đó 1 năm, dòng sản phẩm hoa tươi bất tử với thương hiệu Cố Đô ra đời.
Theo chia sẻ của chị Thanh Lân, ở nước ta không có đến 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh dòng hoa tươi bất tử không hóa chất. Cái gì hiếm chứng tỏ khó làm. Để cắm 1 bình hoa tươi, người thợ chỉ mất 10-15 phút, còn với hoa bất tử ít nhất cũng 2 tiếng cho bình nhỏ, bình to mất cả ngày cặm cụi. Cắm hoa phải theo nguyên tắc "ngoài vào trong, dưới lên trên". Những bông hoa được ướp khô trong khoảng 1 tuần rồi mới đem ra cắm vào bình cùng các nguyên phụ liệu khác như cỏ, lá, cành để tạo kiểu dáng cho bình hoa. Công đoạn xử lý trước khi đóng bình rất quan trọng, được chị Lân thực hiện rất khắt khe để đảm bảo tuổi thọ của hoa đạt mức 10 năm trở lên.
Hiện tại, tiệm hoa tươi bất tử Cố Đô sở hữu nhiều dòng sản phẩm độc đáo: đèn ngủ hoa tươi, đồng hồ hoa tươi, bình hoa tươi để bàn đủ kích thước… Hoa tươi bất tử được sản xuất trên quy trình nghiêm ngặt, bài bản và chuyên nghiệp và đặc biệt là không xử lý qua hóa chất. Nhờ đó những bông hoa tươi qua tay chi Thanh Lân không những giữ được màu sắc và hình dáng ban đầu mà còn lưu được hương thơm tự nhiên thoang thoảng sau một thời gian dài.
Để sản phẩm đến được tay khách hàng, chị Lân chọn lối lan tỏa tùy duyên, chậm mà chắc. Chị dành nhiều thời gian mày mò, sáng tạo ra những sản phẩm hoa độc bản. Chị lý giải, ưu điểm của hoa tươi là vẻ mướt mềm, căng tràn sức sống nhưng không phải loài hoa nào cũng cắm được. Trong khi đó với dòng hoa bất tử, sức sáng tạo là vô biên. Như hoa sen, hoa súng có đặc tính cánh to lại mỏng nên người chơi hoa muốn giữ được lâu là điều không thể. Nhưng nếu được ướp khô, bảo quản trong bình thủy tinh đúng quy trình thì vẻ đẹp của hoa sẽ được duy trì đến 10 năm.
Nhận lời mời tham gia Giao lưu kết nối hỗ trợ mô hình sinh kế do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển – Hội LHPN Việt Nam, kết hợp với Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tháng 5/2024, chị Lân vui mừng mang đến ngày hội nhiều sản phẩm đặc sắc.
Ngoài một số dòng hoa sang cảnh nhập khẩu như mao lương, tulip… nhiều dòng hoa bản địa như hoa sen, súng, cúc, thược dược, mào gà… được giới thiệu đến khách hàng. Gian hàng của chị Thanh Lân nhận được sự quan tâm của đông đảo khách thăm quan, thậm chí nhận được lời khen của lãnh đạo tỉnh về sự chỉn chu, độc đáo trên từng sản phẩm. Quan trọng hơn, thương hiệu Hoa tươi bất tử được lấy tên là "Cố Đô" là một cách chị Lân thể hiện tình yêu với quê hương Thừa Thiên Huế, là mong muốn lan tỏa sắc hương xứ Huế đến với bạn bè muôn phương.
Hoạt động "Giao lưu kết nối, giới thiệu mô hình sinh kế tiêu biểu cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt ưu tiên phụ nữ bị mua bán người" được tổ chức vào cuối tháng 5/2024 tại Thừa Thiên Huế. Thương hiệu hoa tươi bất tử Cố Đô của cô gái 35 tuổi không chỉ mang đến những sản phẩm đẹp làm quà tặng, trang trí tăng vẻ đẹp cho không gian sống mà còn là câu chuyện về những cánh đồng hoa xứ Huế mộng mơ.
Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động giao lưu được tổ chức tại 6 tỉnh điểm thuộc địa bàn Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc "Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn