Khởi nghiệp - Cần được “học” trước khi “hành”

12:27 | 11/06/2022;
Theo ông Trương Thanh Hùng, Giám đốc điều hành FiNNO Group, Công ty Đào tạo-Cố vấn-Đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST, trong khởi nghiệp hiện nay, tài chính không phải là điều kiện tiên quyết đầu tiên cần chuẩn bị mà là một nguồn vốn khác - vốn kiến thức.
Nếu không chuẩn bị vốn kiến thức thì…

Ông Trương Thanh Hùng chia sẻ, khởi nghiệp kinh doanh là một nghề và đã là nghề thì cần được "học" trước khi "hành", có như vậy mới giúp giảm thiểu rủi ro trong quá trình khởi nghiệp. Nếu không chuẩn bị vốn kiến thức về khởi nghiệp, vốn tài chính sẽ không còn nhiều ý nghĩa vì thật khó để nó có thể ở lại lâu dài. Quản lý vốn và dòng tiền vô cùng quan trọng.

Giải đáp câu hỏi: Những trường hợp vốn không sẵn có, phải đi vay hoặc huy động kênh dẫn vốn thì nên chú ý những kênh nào, ông Hùng cho rằng, sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp hiện nay tiếp tục mở ra nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn cho các dự án khởi nghiệp. Trước đây, ngoài các nguồn vốn sẵn có như tiền tiết kiệm cá nhân, vay mượn người thân và bạn bè, thông thường người khởi nghiệp sẽ chỉ nghĩ đến nguồn vay từ ngân hàng. Nguồn vay này có thể thông qua nhiều kênh như: Hội LHPN, Đoàn thanh niên, Dự án hỗ trợ phi chính phủ để có được lãi suất ưu đãi. 

Tuy nhiên, có một cách thức huy động vốn đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Đó là gọi vốn đầu tư từ những nhà đầu tư thiên thần (angel investor), từ quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital) hoặc gọi vốn từ cộng đồng (crownfunding). Đây là những cách thức mới rất được khuyến khích bởi tính chất chia sẻ rủi ro của nó.

Thay vì phải cầm cố tài sản để vay mượn từ ngân hàng, chưa kể đến việc có được tài sản đảm bảo để thế chấp là một rào cản lớn với nhiều dự án khởi nghiệp, giờ đây người khởi nghiệp có thể tiếp cận trực tiếp với các nhà đầu tư để huy động vốn từ họ theo nguyên tắc "được thì cùng hưởng, mất thì cùng nhau chia sẻ". Hình thức đầu tư có thể là góp vốn lấy cổ phần hoặc đơn giản là góp vốn theo từng dự án kinh doanh và chia lợi nhuận trên dự án đó. Bản chất mối quan hệ này là cùng đầu tư, chứ không phải là quan hệ vay - trả nên sẽ an toàn hơn cho người khởi nghiệp.

Theo ông Hùng, để tiếp cận được các nhà đầu tư, các dự án nên tham gia hoạt động trong hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương, của quốc gia và cả quốc tế. Đơn giản nhất là hãy bắt đầu với các cuộc thi về khởi nghiệp sáng tạo, các sự kiện, diễn đàn kết nối, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong nước và quốc tế, các chương trình gọi vốn đầu tư… Càng tham gia nhiều và sâu vào các hoạt động trong hệ sinh thái khởi nghiệp thì cơ hội tiếp cận và khả năng gọi vốn thành công càng cao.

Vượt qua "thung lũng chết" của hành trình khởi nghiệp

Ông Hùng cũng khẳng định, quan trọng nhất trong quá trình khởi nghiệp là quản lý dòng tiền. Cạn kiệt dòng tiền là một trong những nguyên nhân thất bại hàng đầu trong khởi nghiệp. Cần có một kế hoạch huy động nguồn vốn và sử dụng dòng tiền cụ thể cho ít nhất là 2 năm đầu tiên để vượt qua "thung lũng chết" của hành trình khởi nghiệp. Đây là quãng thời gian mà dòng tiền ra thường cao hơn nhiều so với dòng tiền vào. Ở giai đoạn này, thường các chi phí phát sinh đều nằm ở hạng mục chi phí đầu tư, tức là khấu hao dài hạn hoặc trọn đời (ví dụ như chi phí nghiên cứu và phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu…) chứ không phải là chi phí vận hành. Do vậy, dòng tiền chi ra không thể quay vòng lại phục vụ sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn được.

Điều này yêu cầu phải có kế hoạch duy trì nguồn vốn dài hạn một cách bài bản. Quản trị tài chính là một trong những năng lực cốt lõi cần được trang bị trước của một nhà khởi nghiệp. Vì vậy, người có ý định khởi nghiệp đừng tiếc thời gian và chi phí tham gia một lớp học ngắn hạn về nội dung này. Hằng năm, các doanh nghiệp cần có bản kế hoạch tài khoá tổng thể để vận hành các hoạt động dựa trên nền tảng sự luân chuyển của dòng tiền chi và thu đã được dự báo trước. Có như vậy mới đảm bảo an toàn nguồn vốn duy trì hoạt động kinh doanh.

Theo ông Trương Thanh Hùng, Giám đốc điều hành FiNNO Group, Công ty Đào tạo-Cố vấn-Đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST, khoảng cách về năng lực và định kiến xã hội có thể không còn là những rào cản quá lớn trong xã hội hiện đại mà thách thức lớn nhất với phụ nữ khi khởi nghiệp hiện nay là thời gian. Dấn thân vào con đường khởi nghiệp, đặc biệt là những năm đầu, phụ nữ cần xác định trước mình sẽ không còn đủ thời gian để chăm sóc bản thân, sẽ không còn những kỳ nghỉ thường xuyên vào cuối tuần như những gia đình khác, thậm chí không còn những giấc ngủ 6 tiếng mỗi ngày. Để phần nào bù đắp cho khó khăn này, phụ nữ hãy trao đổi thẳng thắn để nhận được sự ủng hộ và chia sẻ từ gia đình.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn