"Sau này, khi quay trở về xã hội, tôi đã có nghề phù hợp với khả năng"
Có mặt trong số hơn 200 nữ phạm nhân tham dự chương trình, chị Nguyễn Thị Mai Loan, đang cải tạo ở Đội 10, phân trại số 1, trại giam Quyết Tiến, tâm sự: "Trước kia tôi đã có những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật. Giờ đây tôi đang phải trả giá cho những sai lầm của mình bằng bản án 18 năm tù giam".
Theo chị Nguyễn Thị Mai Loan, lúc mới bước chân vào trại, chị rất lo lắng khi không biết mình sẽ sống ra sao ở môi trường phức tạp này. Nhưng nhờ có sự động viên, giáo dục của cán bộ, những người thầy, người cô áo xanh công an đã giúp chị dần hiểu ra con đường duy nhất để chị sớm được trở về với gia đình, chỉ có thể là chăm chỉ học tập và cải tạo thật tốt. Từ đó, chị yên tâm tư tưởng để cải tạo, tin vào Đảng và Nhà nước, tin vào Ban giám thị và các cán bộ quản giáo, đồng thời lấy gia đình làm động lực để chị luôn cố gắng mỗi ngày.
"Trong trại, tôi được cán bộ tạo điều kiện cho học nghề may. Lúc đầu, tôi cũng gặp không ít khó khăn nhưng nhờ có sự động viên, khích lệ của cán bộ quản giáo, tôi đã cố gắng học nghề may thành công. Tôi rất vui vì sau này, khi quay trở về xã hội, tôi sẽ có nghề phù hợp với khả năng của bản thân, để kiếm ra những đồng tiền chân chính phụ giúp gia đình và trở thành người có ích cho xã hội, tự tin làm lại cuộc đời", chị Loan bộc bạch.
Tạo điều kiện cho phạm nhân hết án được vay vốn lập nghiệp
Chia sẻ về việc hỗ trợ các nữ phạm nhân học nghề trong trại giam, thiếu tá Nguyễn Thị Hạnh - Phó đội trưởng đội tham mưu, Chủ tịch Hội phụ nữ Trại giam Quyết Tiến, tỉnh Tuyên Quang - cho biết: "Với đặc thù là đơn vị có giam giữ phạm nhân nữ (hiện đơn vị đang giam giữ giáo dục hơn 1.000 phạm nhân nữ), trong thời gian qua, Hội Phụ nữ đơn vị đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang tổ chức tốt công tác tuyên truyền cho phạm nhân về pháp luật, về vai trò, phẩm chất của người phụ nữ, về tình hình kinh tế xã hội của đất nước. Hội cũng mời những phạm nhân hết án là điển hình về làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình hạnh phúc đến nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm của mình trong quá trình tái hoà nhập cộng đồng. Hội còn tuyên truyền, vận động nhân dân không phân biệt, kỳ thị với quá khứ và thân nhân của những người từng chấp hành án.
Hội cũng phối hợp với các bệnh viện để khám chữa bệnh, tư vấn chăm sóc sức khoẻ cho phạm nhân, tư vấn về tâm lý, kỹ năng sống, kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình cho phạm nhân.
Hội còn phối hợp với các trung tâm dạy nghề tổ chức dạy nghề và truyền nghề cho phạm nhân; Kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm tạo điều kiện tiếp nhận phạm nhân hết án vào làm việc.
Đồng thời, đề xuất với địa phương tạo điều kiện cho phạm nhân hết án được vay vốn lập nghiệp, giúp họ sớm ổn định cuộc sống, trở thành công dân tốt, hạn chế tình trạng tái phạm tội hoặc vi phạm pháp luật.
"Sao chị em không nghĩ về ý tưởng khởi nghiệp ngay trong thời gian đang chấp hành án?"
Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, nêu rõ: "Khởi nghiệp không phải là việc gì quá phi thường, yêu cầu chúng ta phải có nhiều tiền hoặc kỹ năng chuyên môn sâu. Bất cứ ai, già hay trẻ, nữ hay nam, thành thị hay nông thôn và trong số chị em chúng ta ngồi đây chắc chắn có người đã từng khởi nghiệp hoặc có ý tưởng khởi nghiệp. Nhưng khởi nghiệp không phải dễ dàng và luôn thành công đối với tất cả mọi người".
"Ngoài những thách thức thường gặp trên hành trình khởi nghiệp như phải có ý tưởng sáng tạo, có vốn, có kế hoạch cụ thể, tinh thần mạnh mẽ để đương đầu với vô vàn biến cố khó lường, sự thay đổi về kiến thức, công nghệ..., phụ nữ khởi nghiệp còn phải vượt qua nhiều rào cản định kiến giới, trách nhiệm của phụ nữ đối với gia đình, con cái... Đặc biệt, đối với những chị em đã từng trải qua thời gian chấp hành án phạt thì còn đối mặt với định kiến, rào cản nặng nề, khó khăn hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, có rất nhiều phụ nữ từng ở hoàn cảnh như các chị đã vượt lên hoàn cảnh, khởi nghiệp thành công và trở thành những nữ doanh nhân, nữ chủ doanh nghiệp thành đạt", Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh.
"Qua khảo sát tại một số trại giam và làm việc với Hội LHPN nhiều địa phương, chúng tôi hiểu rằng nhiều chị em sau khi kết thúc thời hạn chấp hành án gặp khó khăn trong việc tìm việc làm ổn định. Vậy tại sao chúng ta không thử khởi nghiệp và tạo dựng cho mình một sự nghiệp riêng? Sao chị em không nghĩ về ý tưởng đó, xây dựng một kế hoạch và bồi đắp ý tưởng ngay trong thời gian ta đang chấp hành án?", Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam gợi ý.
"Đối với các chị em đang chấp hành án, tôi mong muốn các chị em tiếp tục học tập, rèn luyện thật tốt để sớm trở về với gia đình, cộng đồng. Các chị sẽ không đơn độc, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, trong đó có Hội LHPN Việt Nam sẽ đồng hành, hỗ trợ các chị vững tâm, tự tin hòa nhập cộng đồng. Tôi hy vọng, sẽ có nhiều người trong số các chị lựa chọn khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công", bà Nguyễn Thị Minh Hương bày tỏ.
Đến với chương trình "Khởi nghiệp chắp cánh tương lai", các nữ phạm nhân đã được xem tiểu phẩm "Bình minh phía trước". Sau khi xem xong tiểu phẩm, các chị em còn tham gia xử lý các tình huống trong tiểu phẩm.
Bên cạnh đó, các nữ phạm nhân còn được xem phóng sự ngắn về điển hình phụ nữ hoàn lương; giao lưu với nữ phạm nhân đã trở lại cộng đồng; được hướng dẫn xây dựng ý tưởng khởi nghiệp và tham gia trò chơi tương tác với bộ câu hỏi đoán từ thú vị liên quan đến khởi nghiệp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn