Phát triển kinh tế cùng cây dẻ trên vùng đất mới

06:45 | 30/08/2023;
Với suy nghĩ “dám nghĩ, dám làm và làm phải hiệu quả”, chị Bàn Thị Ngân, dân tộc Dao ở thôn Nặm Làng, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) đã đưa cây dẻ từ xứ Lạng về trồng và thành lập Hợp tác xã Hợp Phát.

Mặc dù mới thành lập được 4 năm (từ 2019) và còn gặp nhiều khó khăn nhưng Hợp tác xã (HTX) Hợp Phát bước đầu đã phát huy hiệu quả, mở ra triển vọng, hứa hẹn về một mô hình kinh tế tổng hợp mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho bà con ở địa phương.

Chị Bàn Thị Ngân chia sẻ, năm 2006, chị sang tỉnh Lạng Sơn học hỏi kinh nghiệm về trồng cây dẻ ván, sau đó đưa về trồng thử nghiệm tại địa phương. May mắn đã mỉm cười với chị khi loại cây này phù hợp với điều kiện, khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai quê chị nên phát triển tốt, sản phẩm hạt dẻ được khách hàng ưa chuộng. Từ đó, chị đã nghĩ đến việc mở rộng diện tích, đồng thời kết hợp với chăn nuôi.

Năm 2019, chị Ngân kêu gọi các hộ dân tại xã Đức Vân thành lập HTX Hợp Phát. Đến nay, HTX của chị có 21 thành viên đều là người Dao. Các thành viên chủ yếu trồng cây ăn quả, trong đó phần lớn là cây hạt dẻ, kết hợp chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy cầm. Nhận thấy tiềm năng từ cây dẻ, mấy năm nay, nhiều thành viên HTX đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dẻ. Đến nay, HTX đã mở rộng diện tích được 50ha cây dẻ, với khoảng 8.000 cây trồng tập trung chủ yếu ở thôn Piêng Dượng và thôn Nặm Làng, xã Đức Vân. Hiện nay, khoảng 10 ha cây dẻ đã cho thu hoạch, sản lượng đạt 9,5 tạ/ha, giá bán buôn tại vườn là 100.000 đồng/kg.

Người mạnh dạn đưa cây dẻ ván Lạng Sơn về trồng, thành lập HTX phát triển kinh tế tổng hợp - Ảnh 1.

Chị Ngân rang hạt dẻ tại Hội chợ triển lãm các sản phẩm OCOP ở địa phương

Theo đánh giá của khách hàng thì sản phẩm hạt dẻ ở đây có mẫu mã đẹp, hạt to, có vị thơm bùi đặc trưng… Năm 2020, sản phẩm hạt dẻ của HTX Hợp Phát được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để sản phẩm của HTX vươn xa ra thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần đem lại sự ổn định trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động của HTX. Cùng với trồng trọt, chị Ngân cũng triển khai tới các thành viên của HTX đẩy mạnh chăn nuôi, mỗi năm duy trì khoảng 5 nghìn con gà và hơn 60 con trâu. Doanh thu của HTX đạt hơn 1,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận là hơn 500 triệu đồng đã trừ chi phí từ giống cây, phân bón và thức ăn…

Bên cạnh triển vọng kinh tế bước đầu, HTX Hợp Phát cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Do mới thành lập, HTX chưa được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, nhà xưởng do thiếu vốn; việc sản xuất chưa triển khai theo hướng tập trung mà phân tán tại các hộ gia đình thành viên HTX. Còn dẻ là cây trồng lâu năm, mức đầu tư ban đầu lớn, sau 3 năm mới cho thu hoạch đồng thời cây ở thời kỳ đầu đạt sản lượng thấp. Còn các loại quả như mận, đào giá thành không ổn định, sản lượng thấp không đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đến nay, chị Ngân cũng chưa nghiên cứu được công nghệ bảo quản hạt dẻ dẫn đến khó khăn cho việc thu mua và chế biến sản phẩm thành hàng hóa.

Bí quyết thành công

- Mạnh dạn đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương.

- Chịu khó, tìm tòi học hỏi kinh nghiệm ở địa phương khác, áp dụng vào thực tế địa phương mình.

- Có lòng tin vào mô hình phát triển kinh tế nhiều thành phần của bản thân.

- Nắm bắt thị trường nhanh và bình ổn giá hàng hóa.

Mặc dù nhận thấy việc trồng cây dẻ theo phương pháp hữu cơ sẽ tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, có lợi cho sức khỏe, thân thiện với môi trường nhưng đây là phương pháp canh tác mới, cây trồng dễ bị sâu bệnh mà chị chưa có giải pháp để phòng trừ cho cây. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, HTX Hợp Phát gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, chăn nuôi dẫn đến sản lượng chăn nuôi giảm… Bên cạnh đó là nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm hạt dẻ cao. Mặc dù HTX đã bao tiêu sản phẩm của các xã lân cận trong huyện như Thượng Ân, Cốc Đán nhưng vẫn chưa đủ để cung cấp ra thị trường ngoại tỉnh cũng như các siêu thị lớn ở Hà Nội.

Người mạnh dạn đưa cây dẻ ván Lạng Sơn về trồng, thành lập HTX phát triển kinh tế tổng hợp - Ảnh 3.

Hạt dẻ thu về được các chị bóc vỏ để đưa đi tiêu thụ

Dự định của chị Ngân trong thời gian tới là khi có được nguồn thu từ hạt dẻ, chị sẽ cho xây dựng nhà kho đông lạnh để sơ chế, vì hiện nay chị chỉ bán hạt dẻ thô. Mục tiêu của chị khi đã ổn định thị trường sẽ hướng HTX vào sản xuất một số mặt hàng như: Ô mai, mơ, mận. Phấn đấu doanh thu trong năm tới sẽ đạt hơn 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận 700 triệu đồng, đem lại thu nhập cho mỗi thành viên 35 triệu đồng/năm.

Để mở rộng phát triển sản xuất, thời gian tới, theo chị Ngân, HTX Hợp Phát sẽ tập trung đầu tư xây dựng nhà xưởng, cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó đẩy mạnh tuyền truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, đồng thời mở rộng diện tích cây dẻ, từ đó xây dựng vùng cây đặc sản mang tính hàng hóa...

Liên hệ: Chị Bàn Thị Ngân

Địa chỉ: Thôn Nặm Làng, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn

Số ĐT: 098 570 0274

Email: namlangducvan@gmai.com

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn