Chị Nguyễn Phương Thảo xuất thân từ một cô gái quê lúa Thái Bình. Chăm chỉ học tập và có định hướng rõ rệt cho tương lai, chị đã có trong tay hai tấm bằng danh giá: Cử nhân Chất lượng cao Sư phạm Hóa học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và thạc sĩ Khoa học Môi trường từ Đại học East Anglia (University of East Anglia), Anh Quốc. Đặc biệt, đại học East Anglia là một trong những trường hàng đầu của Châu Âu về ngành nghiên cứu môi trường và biến đổi khí hậu.
Trải qua 10 năm làm việc tại các cơ quan tổ chức quốc tế và trong nước tại cả Việt Nam và nước ngoài, chị càng quyết tâm tạo dựng một điều gì đó thiết thực cho bản thân và cho cộng đồng. Đó cũng là lý do chị thành lập trang trại chăn nuôi theo mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, khép kín.
“Nguyên Khôi Farm được xây dựng tại huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Đây là vùng đất có khí hậu, thổ nhưỡng tạo ra sản phẩm nuôi trồng ngon, có không khí trong lành, có nguồn nước sạch, cách xa các khu công nghiệp. Để sản phẩm có chất lượng cao, chúng tôi tạo cho vật nuôi, cây trồng một sức đề kháng tự nhiên khỏe mạnh, đến từ: môi trường, thức ăn, vận động. Vật nuôi được sống môi trường sạch sẽ, rộng rãi, gần gũi với thiên nhiên, hạn chế tác động của hóa chất. Tương tự, đối với cây trồng, chúng tôi chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, trong đó phần lớn được sản xuất trong trang trại”, chị Phương Thảo cho biết.
Chia sẻ về người bạn đời, cũng là người bạn đồng hành từ những bước đầu khởi nghiệp, chị cho biết, anh chị sinh ra và lớn lên cùng khu phố ở thành phố Thái Bình, trong hai gia đình có rất nhiều tương đồng về lối sống, hoàn cảnh và văn hóa. Có lẽ vì vậy nên trong cuộc sống, suy nghĩ và định hướng nghề nghiệp, anh chị có rất nhiều tương đồng trong tầm nhìn, định hướng và ứng xử. Trong cả cuộc sống gia đình và công việc, anh chị cùng có chung lý tưởng: Cân bằng và phát triển bền vững.
Hiện nay, Nguyên Khôi Farm đã và đang tạo công ăn việc làm cho nhiều công nhân địa phương là người dân tộc Mường từ các khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Thái Nguyên, Yên Bái. Ngoài ra, còn gián tiếp tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương thông qua các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thu mua nguyên liệu địa phương. Không những thế, chị còn mong muốn được chuyển giao công nghệ cho những người nông dân có nhu cầu làm theo mô hình này để tạo ra và phát triển cộng đồng nông nghiệp bền vững.
Sống tại Cầu Giấy (Hà Nội), nhưng chị liên tục đi lại giữa Hà Nội và Phú Thọ để làm việc, mặc dù mất nhiều thời gian cá nhân để hoàn thành công việc, nhưng Phương Thảo vẫn cho rằng mình được nhiều hơn những thứ phải hy sinh.
“Thực tế, cuộc sống gia đình không bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực mà ngược lại mang đến những tác động tích cực cho gia đình. Việc có trang trại là cơ hội để các con nhỏ được thư giãn, hít thở không khí trong lành, gần gũi với tự nhiên vào cuối tuần, và bố mẹ vẫn được làm việc mà hầu như không bị ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Vì vậy, gia đình chúng tôi có nhiều thời gian bên nhau, gắn bó hơn”, chị tự hào chia sẻ.