Khởi nghiệp thành công từ nghề điện tử, điện lạnh

07:19 | 21/05/2023;
“Học xong cấp 3, tôi lấy chồng cùng quê. Anh là nhân viên kỹ thuật về điện tử, điện lạnh. Ước mơ muốn có nghề ổn định đã thôi thúc tôi mở cửa hàng điện lạnh, điện tử tại nhà, khi có sự giúp đỡ của chồng. Trải qua nhiều khó khăn, đến nay công việc kinh doanh của tôi đang phát triển ổn định”, chị Vũ Thị Thanh Bình tâm sự.

Chị Vũ Thị Thanh Bình là Giám đốc công ty TNHH AAR, thôn Lương Ngọc, xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Tìm cách thay đổi nếp nghĩ, thói quen của người dân nông thôn

"Lúc ấy, tôi còn rất trẻ, nhưng cũng nghĩ nếu cứ làm nông thuần tuý như cha mẹ mình, khó mà giàu lên được. Tương lai khi các con ăn học lên cao sẽ khó khăn nếu chỉ trông chờ vào đồng lương của chồng. Tôi nghĩ phải tìm cách cùng chồng kiếm tiền lo cho các con ăn học và trang trải cuộc sống" - chị Vũ Thị Thanh Bình nhớ lại.

Năm 1998, chị Bình quyết định khởi nghiệp bằng việc mở cửa hàng nhỏ tại nhà ở thôn Lương Ngọc bán đồ điện tử, điện lạnh như điều hoà, tủ lạnh, máy giặt, quạt… "Khi ấy ở quê tôi, người dân mới bắt đầu sắm tủ lạnh, quạt, còn máy giặt và điều hoà thì rất ít người để ý tới, do thói quen còn tự giặt đồ ở ao, hồ. Họ cũng quen chịu nóng, chỉ dùng quạt đã quen và ít tốn tiền điện hơn khi dùng điều hoà, tủ lạnh. Nhưng tôi vẫn quyết tâm mò mẫm thông tin kinh doanh trên mạng để học hỏi thêm và tìm hướng đi riêng cho chính mình. Kèm với đó là tuyên truyền thay đổi thói quen, nếp nghĩ của bà con nông thôn nơi này" - chị Bình chia sẻ. 

Khởi nghiệp thành công từ nghề điện tử, điện lạnh của chồng - Ảnh 1.

Trong các công xưởng, không ít nữ công nhân cũng thể hiện tay nghề về điện tử, điện lạnh rất sáng tạo, khéo léo.

Sau nhiều lần chia sẻ trên mạng xã hội, mọi người dân trong thôn, xã và các xã lân cận đã tìm đến cửa hàng của chị mua sắm điều hoà và máy giặt, nhờ đó đồ điện lạnh gia dụng dần được người tiêu dùng tin tưởng, bán đắt hàng hơn.

Tạo việc làm ổn định cho người hoàn lương hoà nhập cộng đồng

Để mở rộng, đa dạng thêm sản phẩm kinh doanh, năm 2000, chị Bình mở thêm xưởng lắp ráp loa âm thanh, loa kéo các loại và sản xuất thêm một số linh kiện đơn giản như gỗ để làm vỏ cho những chiếc loa. Những linh kiện phức tạp hơn thì chị nhập khẩu từ nước ngoài về. Vì vậy, sản phẩm loa âm thanh của chị luôn đạt chất lượng cao, phù hợp và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

"Công ty của tôi hiện có 150 lao động làm ở các xưởng sản xuất, gia công các công đoạn như xưởng mộc làm vỏ cho những chiếc loa, xưởng lắp ráp loa, xưởng sơn màu loa tuỳ theo sở thích của khách hàng… Trong đó, có 50 lao động là phụ nữ với mức thu nhập ổn định từ 5,5-6,5 triệu đồng/người/tháng" - chị Bình cho biết.

Sau nhiều năm bươn trải tìm hướng làm giàu, đến nay chị Vũ Thị Thanh Bình đã mở rộng khu nhà xưởng sản xuất với 4.000m2.. Chị Bình cười vui cho biết: "Nhớ lại hồi đầu nơi đây chỉ là một xưởng sản xuất nhỏ, thiếu vốn, vất vả trăm bề, may mắn giờ đây đã có quy mô lớn với 150 công nhân làm tại xưởng và hàng trăm lao động vệ tinh".

Khởi nghiệp thành công từ nghề điện tử, điện lạnh của chồng - Ảnh 2.

Người chủ doanh nghiệp (dù nhỏ hay lớn) phải biết sắp xếp công việc theo tài năng của mỗi lao động.

Các công đoạn sản xuất trong các xưởng đều đòi hỏi ở người lao động sự cần mẫn, khéo léo, tỉ mỉ từng chi tiết, như hàn, lắp ghép các con chíp, bảng vi mạch điện tử. "Trong các công xưởng, không ít nữ công nhân cũng thể hiện tay nghề về điện lạnh không kém gì nam giới. Đặc biệt, trong số các công nhân của tôi còn có cả những người hoàn lương. Tôi luôn khích lệ, động viên, tạo điều kiện tốt nhất để họ yên tâm hoà nhập xã hội" - chị Bình cho biết thêm.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Vũ Thị Thanh Bình luôn làm tròn nhiệm vụ của một người vợ, người mẹ, người con trong gia đình. Vun vén để gia đình lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười, hòa thuận không chỉ trong phát triển kinh tế mà trong giải quyết mọi công việc.

Hưởng ứng chương trình "Mẹ đỡ đầu" của Hội LHPN xã, chị là nữ chủ doanh nghiệp đầu tiên ở xã Tân Tiến, nhận đỡ đầu bé mồ côi Nguyễn Thị Khuyên (5 năm), mỗi năm 1.200.000 đồng. Dù công việc bận đến đâu, chị luôn dành thời gian tham gia, cổ vũ các phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương, cũng như phong trào của Hội LHPN xã Tân Tiến, nhằm động viên tinh thần các chị em hội viên vượt qua khó khăn, vươn lên làm chủ cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Bí quyết thành công:

- Để kinh doanh ổn định, lâu dài, người quản lý phải luôn sống chân thành, tạo được lòng tin với khách hàng, dù đó là lần đầu tiên họ biết đến sản phẩm của mình. Với tôi, lòng tin với khách hàng chính là thương hiệu cá nhân của mỗi chủ doanh nghiệp.

- Với công nhân của mình, phải luôn tìm mọi cách tạo cho họ việc làm ổn định, có thu nhập tốt, quan tâm đến an sinh xã hội của người lao động trong các dịp lễ, Tết. Quan tâm sâu sắc đến người thân của các công nhân, bởi tinh thần của công nhân phải luôn thoải mái, tư tưởng vững vàng để họ phát huy được thế mạnh, tài năng của mỗi người trong lao động.

- Người chủ doanh nghiệp (dù nhỏ hay lớn) phải biết sắp xếp công việc theo tài năng của mỗi lao động. Nhất là ở làng quê, kỹ thuật tay nghề cao về gỗ, về lắp ráp, về sơn cũng cần phải có sự động viên thích đáng với công nhân lành nghề, để họ thoả sức sáng tạo cho từng sản phẩm của công ty.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn