Trong chuyến hành trình về với xã Ba Trại, huyện Ba Vì, chúng tôi được chị Bành Tố Uyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Ba Trại dẫn đến thăm quan mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Nam ở thôn 9. Như bao hộ gia đình khác tại địa phương, cây chè là một trong những nguồn sinh kế của gia đình chị. Từ những búp chè tươi non thu hái ngay tại vườn nhà, chị tiến hành sao chè, đóng gói và bán ra thị trường. Cùng với phát triển cây chè, vợ chồng chị còn kinh doanh phân bón và nông sản cho bà con.
Đón đoàn tại cơ ngơi khang trang nằm thoai thoải dọc theo sườn đồi, dọc theo những luống chè xanh non đang vào vụ thu hái, chị Nguyễn Thị Nam giới thiệu: "Ngày xưa ở đây bà con bỏ ruộng đồng nhiều lắm. Vườn tược để hoang không ai chăm sóc. Không đành lòng nhìn cảnh người nông dân không thể sống được bằng vườn đất của chính mình, chị đã hỗ trợ bà con phân bón, cùng bà con làm kinh tế.
Nhờ vậy, có những hộ gia trong 1 năm đã khôi phục lại sản xuất nông nghiệp. Sau đó bà con nuôi dê, nuôi bò, cấy lúa... Vùng sản xuất, chăn nuôi được khôi phục trở lại".
Với riêng chị Nguyễn Thị Nam, chị đã dành thời gian đi thăm quan các mô hình phát triển kinh tế tại các huyện, tỉnh lân cận để học hỏi kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp tại quê hương.
Nuôi dê sinh sản để phát triển kinh tế
Giới thiệu đàn dê hơn 100 con đang trong độ sinh sản và chuẩn bị xuất khẩu, chị Nguyễn Thị Nam cho biết: Con giống được nhập khẩu từ Singapore từ khi mới được 3 tháng tuổi, nặng khoảng 15kg. Chị sẽ chăm sóc, chăn nuôi đàn dê đến khi đạt khoảng 30kg, đạt chuẩn sinh sản.
Mỗi con dê bố, dê mẹ đều được gắn số để theo dõi, còn dê con sinh ra được làm giấy khai sinh. Khi dê con đủ 3 tháng sẽ được công ty thu mua lại và xuất khẩu sang các nước khác. Gia đình chị là hộ đầu tiên của huyện thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản này.
"Mô hình chăn nuôi dê cũng đòi hỏi nhiều công sức lắm. Chúng tôi làm chuồng trại riêng. Chuồng được xây theo kiểu nhà sàn, cách xa mặt đất để đảm bảo không bị ẩm thấp. Những chú dê được sống trong môi trường thoáng, có đủ nắng, gió và không khí để khỏe mạnh. Điều khó khăn nhất khi nuôi, chăm sóc loại dê này là chúng sống ở Singapore, nơi có môi trường khí hậu ôn hòa. Còn về Việt Nam, có mùa nóng và mùa rét, người chăn nuôi cần phải điều chỉnh nhiệt độ, chuồng trại phù hợp để dê có thể thích nghi.
Thêm một khó khăn nữa là tại Việt Nam không có nguồn cám chính hãng dành cho loại dê này. Vì thế gia đình phải tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu để tự sản xuất ra thức ăn cho đàn dê", chị Nam chia sẻ thêm.
Đi tiên phong, mở đường gặp phải không ít vướng mắc, nhưng chị Nam luôn tin tưởng đàn dê sẽ ngày càng phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và sẽ là minh chứng thuyết phục nhất để cho bà con tại địa phương tin tưởng, đầu tư vào mô hình nuôi dê sinh sản này.
Sử dụng hiệu quả những lợi thế tại địa phương, khởi nghiệp từ những mô hình trồng trọt, chăn nuôi; hiện nay, gia đình chị Nguyễn Thị Nam đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, đặc biệt là phụ nữ trung niên. "Những chị em đã có tuổi, khó kiếm được việc làm tại công ty sẽ đến trang trại của tôi để làm các công việc thu hái chè", chị Nam cho biết.
Chị Nguyễn Thị Nam chia sẻ chị có dự định mở rộng phát triển thêm các mô hình mới như mô hình trồng cây công nghiệp, cây công trình… để đạt hiệu quả kinh tế cao và có thêm những mô hình kinh doanh đóng góp cho sự phát triển của huyện, của xã.
Bí quyết khởi nghiệp của chị Nguyễn Thị Nam:
- Luôn tìm hiểu, học hỏi.
- Mạnh dạn đầu tư, phát triển những mô hình mới.
- Tích cực đóng góp cho cộng đồng, xã hội.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn