Là hợp tác xã đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Hợp tác xã (HTX) Việt Yên - tỉnh Bắc Giang do chị Nguyễn Thị Thu Hằng thành lập đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đảm bảo nguồn cung ứng sản phẩm sạch trong và ngoài tỉnh.
Tiên phong ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Tròn 30 tuổi, có trong tay cơ ngơi vững vàng với lượng sản xuất trung bình 300kg rau sạch/ngày, chị Thu Hằng đã trở thành tấm gương phụ nữ khởi nghiệp nhiều người noi theo.
Trước khi thành lập Hợp tác xã, chị Thu Hằng từng làm nhiều công việc khác nhau ở Bộ Quốc phòng, ngân hàng…, nhưng rồi niềm đam mê với nông nghiệp cứ thôi thúc chị, để chị lại trở về với mảnh đất quê hương, quyết tâm dốc sức phát triển nông nghiệp. Chị Hằng cho biết, ở quê chị, bà con xã viên nông dân có nhu cầu làm nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch, nhưng ít ai dám mạnh dạn đầu tư. Thấy mình còn trẻ tuổi, lại từng làm ở môi trường hiện đại, chị đã mạnh dạn triển khai mô hình, đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Thời gian đầu khi bắt tay vào cải tạo đất để gieo trồng, chị Hằng cũng gặp không ít khó khăn trở ngại. Đất canh tác ở vùng trũng, bỏ hoang lâu năm, việc cải tạo rất vất vả. Chị vừa làm, vừa nhờ Hội phụ nữ huyện Việt Yên, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, các xã viên, nông dân cùng giúp đỡ để cải tạo đất. Công đoạn này mất hơn nửa năm mới xong. Khi có đất rồi, chị lại phải nghiên cứu các chế phẩm sinh học để loại bỏ sâu bệnh khi gieo trồng. Khi ra được sản phẩm thì lại lo đầu ra… Đối với một người trẻ tuổi, theo đuổi nghề nông đã khó, lại tự mình mày mò làm tất cả mọi công đoạn càng khó hơn.
Chị Thu Hằng nhận thấy, xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững và đưa nông sản có chất lượng cao đến người tiêu dùng đang được chú trọng trong đời sống hàng ngày. Chính quyền và người dân trên địa bàn huyện cũng đang tạo điều kiện cho nông dân chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ cao.
Trước tình hình thời tiết khắc nghiệt, việc ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng vào sản xuất nông nghiệp đang là xu hướng phát triển hiện nay. Chị Hằng cho biết: "Sử dụng nhà màng giúp cây trồng hạn chế được sự tấn công của dịch hại, côn trùng gây bệnh, chủ động được về thời tiết như khi trời mưa, nền đất đảm bảo không bị ngập. Đây là ưu điểm cao nhất mà nhà lưới đem lại". Chính vì vậy, chị bắt đầu công đoạn làm nhà màng để nuôi trồng nông sản sạch.
Cuối năm 2018, chị được Hội LHPN huyện kết nối và được Phòng NN&PTNN huyện, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang hỗ trợ xây dựng 10.000m2 nhà màng để sản xuất các loại rau, đặc biệt là sản xuất các loại rau trái vụ. Sau khi làm xong, chị trồng các loại cải, dưa, cà chua, khoai tây.
Định hướng đầu ra cho sản phẩm là các nhà trường và các công ty tại khu không nghiệp, chị Thu Hằng đã thuyết phục được nhiều trường học mua nông sản bằng chính chất lượng và công nghệ làm nông sản sạch của mình. Hiện, HTX Việt Yên đang cung cấp rau, củ quả cho hai trường học lớn tại huyện, đảm bảo cho hơn 1.000 suất ăn/ngày, cùng nhiều đơn vị, công ty mua nông sản thường xuyên phục vụ việc nấu ăn cho công nhân, cung cấp trên thị trường qua các siêu thị rau sạch… Tại thị trường Hà Nội, HTX Việt Yên cũng đã cung cấp cho một chuỗi cửa hàng chay măng tây.
Hiện HTX xã Việt Yên đang canh tác trên diện tích 1ha nhà màng và 5ha đất trồng tự nhiên, cung cấp nhiều sản phẩm như rau muống, mùng tơi, cà chua theo mùa; một số loại trồng trái mùa như dưa baby, cà pháo, măng tây, dưa lưới… Sản phẩm cung cấp mạnh nhất là măng tây, với 3.000 cây, thu hoạch luân phiên không bị gián đoạn, bán được giá, mang lại doanh thu cao.
Chị Ngô Thị Lan – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Việt Yên, cho biết: "Sau khi hợp tác xã sản xuất Ứng dụng công nghệ cao Việt Yên làm nhà màng đi vào hoạt động, Hội LHPN huyện đã phối hợp cơ quan chuyên môn là Phòng NN&PTNT huyện tư vấn giúp đỡ, hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP cho HTX; đồng thời, hỗ trợ đăng ký với Cục sở hữu trí tuệ logo nhãn hiệu "Rau an toàn Việt Yên", thiết kế và in tem truy suất nguồn gốc, bao bì sản phẩm đảm bảo đúng quy trình. Như vậy, sản phẩm của HTX có thể mang ra các siêu thị ở Hà Nội, các thành phố lớn mở rộng hướng đi hơn".
Thông tin chung về mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Huyện, chị Ngô Thị Lan cũng cho biết, hiện tại, chị em phụ nữ vẫn đang sản xuất ở mức tự phát, tự làm, việc kết nối đầu ra, không nắm bắt được cơ chế của Nhà nước, nhiều khi chị em mải làm nên không biết đến một số quy trình về sản phẩm. Vì vậy, Hội Phụ nữ huyện đã giúp chị em kết nối, tranh thủ hỗ trợ của Nhà nước đối với việc sản xuất nông nghiệp với nhiều chính sách ưu đãi. Nhiều chị em làm chưa mạnh dạn thì Hội thúc đẩy, động viên để chị em cùng phát triển và thành công.
Việc sản xuất rau an toàn, ứng dụng công nghệ cao hiện nay được coi là một hướng đi đúng, ngày càng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và được người tiêu dùng tin tưởng.
Trong thời gian tới, mô hình còn được phát triển và mở rộng tại nhiều địa bàn trong huyện. Đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều chị em phụ nữ, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đóng góp hình ảnh mới vào bộ mặt huyện nông thôn mới, đưa huyện Việt Yên sớm hoàn thành về đích huyện đô thị loại IV của tỉnh.
Hợp tác xã Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) – Số điện thoại: 098128233
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn