Nhà chị Nguyễn Thanh Phương (SN 1988) ở gần 2 làng nghề Tranh Phương và Phú Lâm thuộc huyện Phú Bình (Thái Nguyên). Nhiều lần chị chứng kiến người dân nơi đây dùng mùn cưa, củi vụn, bào gỗ để đun nấu khá lãng phí. Không chỉ vậy, các phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, vỏ lạc, trấu đều bị đốt bỏ ngay tại ruộng tạo ra nhiều khói bụi, ô nhiễm môi trường. Chị Phương và chồng vẫn trăn trở mãi với suy nghĩ làm sao tận dụng được những phế phẩm bỏ đi đó thành sản phẩm có ích, tái tạo sử dụng mà không ảnh hưởng đến môi trường.
Sau nhiều ngày tìm kiếm tài liệu, ý tưởng từ các trang mạng nước ngoài, anh chị nảy ra hướng sản xuất viên nén mùn cưa, tận dụng nguồn phế phẩm nông, lâm nghiệp rất dồi dào ở địa phương. Năm 2012, chị Phương quyết định nghỉ việc kế toán để cùng chung vai với chồng bắt tay vào khởi nghiệp.
Chồng chị vốn là kỹ sư tự động hóa, tập trung vào nghiên cứu chế tạo máy sản xuất. Những ngày đầu khởi nghiệp, vợ chồng chị Phương đối mặt với muôn vàn khó khăn. Để chế tạo tạo máy, anh chị phải vay mượn khắp nơi mua nguyên vật liệu về lắp ghép, thử nghiệm máy. Sau nhiều lần thất bại, máy sản xuất viên nén mùn cưa ra đời.
Dù vậy, anh chị tiếp tục đối diện với khó khăn không nhỏ là nguồn vốn, khi tất cả nguồn tiền vay mượn từ bạn bè, người thân đều đổ vào sản xuất máy, thuê xưởng với diện tích hơn 100m2. Xưởng và máy sản xuất chỉ có thể nằm im nếu không có nguồn vốn mua vật liệu, phế phẩm nông, lâm nghiệp để sản xuất.
Tìm nguồn vay không phải thế chấp tài sản, chị Phương tìm đến TYM chi nhánh Sông Công (Thái Nguyên) vay với số vốn ban đầu 7 triệu đồng. Nguồn tiền này chị dành mua hàng chục tấn phế phẩm lâm, nông nghiệp tưởng như bỏ đi bắt tay vào khởi nghiệp và làm giàu.
Hướng khởi nghiệp sáng tạo của vợ chồng chị Nguyễn Thanh Phương cũng đã định hình. Đến nay, chị đã mở rộng xưởng sản xuất lên hơn 1000m2. Sử dụng nhân công thường xuyên từ 12 đến 15 người đều là phụ nữ tại địa phương, với mức thu nhập từ 3 đến 6 triệu đồng/tháng. Doanh thu của gia đình đạt trên 1 tỷ đồng/năm. Không chỉ vậy, vợ chồng chị đã chuyển giao và hướng dẫn sản xuất, kỹ thuật chế tạo, sử dụng máy viên nén mùn cưa đến hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước. Qua đó, vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu là mùn gỗ, rơm rạ, vỏ trấu… trở thành chất đốt, thay thế cho ga, điện trong đun nấu của các gia đình.
Chị Phương chia sẻ: Để phụ nữ khởi nghiệp thành công, “cần nhất chính là sự tin tưởng, đồng lòng chia sẻ của người chồng để chị em tự tin vững bước”. Hiện nay, chồng chị tập trung lo phần việc kỹ thuật; còn toàn bộ việc quản lý sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, xoảy sở nguồn vốn và hướng phát triển sản xuất kinh doanh, chị được chồng tin tưởng giao phó. Trong thời gian tới, chị quyết định tiếp tục đầu tư mở thêm xưởng sản xuất mới với diện tích hơn 1.000m2 để tạo công ăn việc làm cho hơn 10 người.
Lễ Công nhận Cá nhân & Tổ chức Tài chính vi mô tiêu biểu Citi – Việt Nam 2017 (CMA 2017) diễn ra sáng nay 15/12, tại Hà Nội. Trong số 31 cá nhân và 5 tổ chức được vinh danh năm nay, Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương - TYM (thuộc Hội LHPNVN) đã nhận được giải thưởng ở cả hai hạng mục là tổ chức và khách hàng của CMA. Trong đó, hai thành viên TYM được vinh danh doanh nhân vi mô tiêu biểu. Chị Nguyễn Thị Thanh Phương - thành viên TYM chi nhánh Sông Công, Thái Nguyên, vinh dự đạt giải thưởng cao nhất năm: “Khách hàng tài chính vi mô xuất sắc Citi – Việt Nam 2017”. Cá nhân thứ 2 là Chị Nguyễn Thị Huệ, thành viên TYM chi nhánh Hải Hậu, Nam Định trở thành một trong 30 khách hàng tài chính vi mô tiêu biểu của CMA 2017 trên cả nước với mô hình trồng nấm sạch. Với hạng mục Tổ chức, TYM vinh dự nhận được giải thưởng “Tổ chức tài chính vi mô tiêu biểu thực hiện nguyên tắc bảo vệ khách hàng”. Theo đó, TYM đã áp dụng 7 nguyên tắc bảo vệ khách hàng của Chiến dịch thông minh (Smart Campaign) và xây dựng được chương trình đào tạo chuẩn, đưa nội dung bảo vệ khách hàng thành nội dung đào tạo bắt buộc thường niên cho cán bộ. |