Làm việc trong lĩnh vực công nghệ, chị thấy đây là môn học được coi trọng ở nước ngoài nhưng trẻ em Việt Nam vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận. Đó là lý do chị đã rời bỏ vị trí Phó Chủ tịch tập đoàn, dành nhiều thời gian đi nước ngoài để nghiên cứu, học hỏi các chương trình giảng dạy công nghệ cho trẻ em. Từ đó, chị quyết định khởi nghiệp Dự án Teky.
Mục tiêu lớn nhất của dự án là giúp đỡ thế hệ tương lai, giúp các em trang bị năng lực số, nắm bắt cơ hội, tránh nguy cơ mất việc làm từ robot và trí tuệ nhân tạo. "Chúng tôi nhìn dự án này không dừng lại ở mô hình kinh doanh mà còn đầu tư tới cùng với rất nhiều tâm huyết, đem lại giá trị tốt nhất cho trẻ em Việt Nam, để các em không lạc hậu so với thế giới", chị Lan Hương chia sẻ.
Thành lập từ tháng 6/2016, Học viện Sáng tạo công nghệ Teky với chương trình giảng dạy STEAM theo chuẩn Mỹ đầu tiên tại Việt Nam dành cho trẻ em từ 4 đến 18 tuổi. Đến nay, Teky đã có 16 cơ sở tại 5 thành phố lớn, thực hiện giảng dạy công nghệ và lập trình học sinh từ lớp 1 tới lớp 12, đào tạo giáo viên...
Dịch bệnh Covid-19 ập đến, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, doanh nghiệp của chị Lan Hương cũng gánh chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh kéo dài. "Toàn bộ các khó khăn của 20 năm khởi nghiệp đều không thể so sánh được với khó khăn mà Teky đương đầu với Covid-19 lần này"- chị Lan Hương nhấn mạnh- "Giai đoạn giãn cách toàn xã hội tháng 4/2020, doanh số của chúng tôi giảm chỉ còn 15%. Từ tháng 5/2021 tới nay, toàn bộ ngành giáo dục đã phải dừng hoạt động trực tiếp".
Để đối diện với đại dịch, chị đã xác định con đường duy nhất để vượt qua và nắm bắt được cơ hội là chuyển hướng mô hình từ trực tiếp sang trực tuyến, trở thành tổ chức công nghệ giáo dục, cung cấp các chương trình giảng dạy trực tuyến để nâng cao năng lực cạnh tranh, phù hợp với tình hình mới.
Nữ CEO cho biết: Xã hội càng phát triển, vai trò của giáo dục công nghệ càng quan trọng cho thế hệ tương lai, đặc biệt cho bé gái là cấp thiết, giúp mang lại sự công bằng trong giáo dục, bình đẳng giới và tiến bộ xã hội. Trong khi cách mạng 4.0 ảnh hưởng tới mọi quốc gia, sắc tộc, giới tính, độ tuổi; lao động nữ ít được hoặc ít chủ động trang bị các kỹ năng công nghệ cần thiết. Nếu không có kế hoạch hành động nhằm nâng cao năng lực số cho bé gái và lao động nữ thì đây sẽ là lực lượng dễ bị tổn thương nhất do robot và tự động hóa đem lại.
Đặc biệt, với các biến động khó lường từ đại dịch Covid-19, năng lực số là con đường duy nhất, bắt buộc hiện nay để khởi nghiệp thành công, thích nghi và ứng phó với thế giới công nghệ nhiều thay đổi. Tuy nhiên, đây lại là thách thức lớn đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Để phụ nữ có thể hội nhập, đóng góp nhiều hơn cho xã hội, xây dựng kinh tế gia đình bền vững thì các chương trình hỗ trợ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của các cấp Hội là cấp thiết và đúng đắn.
Khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và nhận được sự quan tâm của Chính phủ và các cấp Hội phụ nữ, tham gia tham luận tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, chị Đào Lan Hương bày tỏ mong muốn Hội LHPN Việt Nam sẽ thúc đẩy hiệu quả hơn nữa các giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các cấp Hội, hội viên, phụ nữ. Đồng thời, Hội tiếp tục khuyến khích phong trào phụ nữ khởi nghiệp, thúc đẩy phụ nữ sáng tạo. Bên cạnh đó, cần có tầm nhìn dài hơi hơn với nhóm bé gái, là lực lượng lao động của xã hội và là cán bộ, hội viên của Hội LHPN trong tương lai.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn