Chị Vũ Thị Hồng cho biết, vùng đất Kông Chro từ lâu được biết đến là vùng khô cằn, nhiều nắng. Phần lớn diện tích canh tác của người dân là đất sỏi, đá. Trước đây, người dân ở các xã trên địa bàn chỉ biết phát triển các loại cây ngắn ngày như ngô, khoai, sắn… Thế nhưng, năng suất thấp giá cả bấp bênh khiến nhiều nông dân thu nhập không đáng kể.
Bản thân chị Hồng cũng bị thua lỗ nặng từ việc trồng cây bắp Mỹ. Theo đó, vào năm 2014, hơn 2,5 ha bắp Mỹ của gia đình chị rơi vào thảm cảnh chết trắng vì sâu bệnh. Vớt vát được chút ít khi xuống giống ở vị trí khác nhưng cuối vụ, giá cũng rớt thê thảm. Nhận thấy canh tác cây nông nghiệp ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế thấp, chị Hồng đã tìm hiểu một số mô hình khác.
Sau nhiều thời gian tìm tòi và học hỏi các mô hình, chị Hồng nhận thấy mô hình trồng cây ăn quả khá khả quan nên quyết định khởi nghiệp với việc trồng cây na Thái.
Chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chị Hồng cho hay: "Do không có nhiều kiến thức, kỹ thuật về trồng cây ăn quả, tôi đã gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu. Ngày đó, vườn na liên tục bị sâu bệnh, ngoài ra thời tiết cũng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình sinh trưởng của na. Để khắc phục những nhược điểm trên, tôi đã lên mạng tìm hiểu về cách trồng và chăm sóc na. Song song đó, tôi tìm đến một số vườn na ở quanh vùng học tập kinh nghiệm và tìm cách khắc phục. Tôi học được cách dùng túi nylon bọc kín từng quả phòng tránh ruồi xâm hại, cách bón phân đúng cách… Dần dà, tôi đã trồng thành công".
Trải qua những khó khăn bước đầu, sau gần 4 năm, vườn na hơn 300 gốc của chị Hồng cũng phát triển tốt, cây lá xum xuê, trĩu quả. Thấy vườn na bước đầu phát triển thuận lợi và cho nhiều quả, chị tiếp tục cải tạo đất để trồng thêm 300 gốc na.
"Na là loại cây dễ trồng, dễ sống nhưng việc chăm sóc na lại khá công phu. Theo đó, người trồng na phải áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón chuồng, tỉa cành đúng cách, đúng thời điểm mới cho năng suất cao. Việc chăm sóc vườn na cũng như chăm con mọn, phải thường xuyên quan sát để kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh gây hại tránh lây lan ra cả vườn. Nếu chăm sóc tốt, năng suất bình quân mỗi cây khoảng 12kg/vụ đầu tiên và tăng dần ở các năm tiếp theo do tán cây phát triển", chị Hồng phân tích.
Theo chị Hồng, na trồng ở Kông Chro tuy mẫu mã không đẹp nhưng ngon ngọt hơn các vùng khác, được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, chị đang sở hữu 600 cây na Thái, mỗi vụ gia đình chị Hồng thu về gần 14 tấn quả. Sau khi trừ chi phí, chị Hồng lãi hơn 200 triệu đồng/năm.
Nhận xét về mô hình làm giàu của chị Hồng, bà Đặng Thị Phương Đông - Phó Chủ tịch UBND xã Yang Trung (Kông Chro, Gia Lai) - cho hay: "Chị Vũ Thị Hồng là một trong những hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây na Thái và cho thu nhập cao. Thời gian tới, xã sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả. Đồng thời, khuyến cáo nông dân sản xuất các loại cây ăn quả nói chung và cây na nói riêng theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng, đảm bảo sản phẩm sạch, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng".
Theo thống kê, trên địa bàn xã Yang Trung có hơn 153 ha diện tích trồng cây ăn quả. Trong đó, cây na chiếm diện tích lớn nhất với hơn 55 ha, trong đó 50 ha đã cho thu hoạch. Mạnh dạn chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn trái, ngoài chị Hồng còn rất nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu hiệu quả.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn