Khởi nghiệp với nghề may trang phục truyền thống của dân tộc Hà Nhì

20:40 | 29/08/2023;
Khởi nghiệp không bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt là khởi nghiệp ở huyện nghèo vùng cao như xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Điều này, cũng không phải là ngoại lệ đối với Pờ Hu Pư. Người phụ nữ dân tộc Hà Nhì này đã khởi nghiệp với nghề may trang phục truyền thống.

Mỗi sản phẩm đều mang dấu ấn của thiên nhiên

Xác định khởi nghiệp, phát triển kinh doanh để tạo việc làm và phát triển kinh tế hộ gia đình, khi được mẹ và chị gái dạy may, thêu thổ cẩm, làm trang phục truyền thống của người Hà Nhì, Pờ Hu Pư bắt đầu khởi nghiệp vào năm 2016, với rất nhiều khó khăn. 

Thời gian ấy, các con còn nhỏ, chồng thường xuyên đi công tác xa nên chị rất vất vả. Bên cạnh đó, kinh tế gia đình của chị còn eo hẹp, vì vậy việc mua sắm vật tư phụ kiện để may trang phục cũng hạn chế. Tuy nhiên, chị được gia đình ủng hộ nhiệt tình.

Người lưu giữ “nhân sinh quan”, “thế giới quan” trong trang phục truyền thống Hà Nhì - Ảnh 1.

Với bàn tay khéo léo cùng với sự cần cù, chăm chỉ, chị Pư đã tạo ra nhiều bộ váy áo đẹp mắt, rực rỡ mang đậm bản sắc truyền thống của dân tộc Hà Nhì.

Có lẽ, do tập tục của người Hà Nhì có cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, nên trang phục truyền thống của họ cũng mang đầy màu sắc như những bông hoa rừng. Tình yêu của Pư với trang phục truyền thống lớn dần theo năm tháng, khiến chị ngày càng say mê.

Bí quyết thành công của chị Pờ Hu Pư

  • Có sự đam mê, cần cù, chăm chỉ
  • Đặt niềm tin vào bản thân
  • Mạnh dạn khởi nghiệp
  • Nỗ lực vượt khó, tìm kiếm khách hàng để phát triển kinh doanh
  • Tận dụng lợi thế công nghệ như Zalo, Facebook…

Ấn tượng bắt mắt nhất là chiếc mũ (khăn) đội đầu của người phụ nữ. Chiếc mũ được Pư làm rất cầu kỳ, kèm theo những phụ kiện nhỏ như quả bông, hạt nhựa… Theo quan niệm tín ngưỡng của người Hà Nhì, ngoài tác dụng làm đẹp, giữ ấm, chiếc mũ (khăn) đội đầu còn chứa đựng tâm linh sâu sắc. Theo họ, linh hồn luôn ngự trị ở trên đầu nên ngay khi thức dậy là phải đội mũ (khăn), nhất là khi đứng trước bàn thờ tổ tiên. Có lẽ vì thế, nên mũ (khăn) của họ không chỉ làm rất cầu kỳ từ cách làm, đến cách đội.

Mỗi bộ trang phục truyền thống của người Hà Nhì đều mang đến sự độc đáo về quan niệm nhân sinh quan, thế giới quan cũng được Pư đưa vào trong bộ trang phục truyền thống dân tộc của mình. Qua những đường thêu từ đơn giản đến phức tạp, bộ trang phục dân tộc của người Hà Nhì đã phản ánh được cuộc sống của con người với thiên nhiên. Như hình ảnh của vũ trụ, mặt trăng, mặt trời, sông, núi được thể hiện qua các đường thẳng thêu gấp khúc, hình quả trám, hình đa giác. Gần gũi hơn là những con vật gắn liền với con người, những hình hoa, lá… Mỗi nét hoa văn trên trang phục đều là những hình ảnh gần gũi, thân thương về núi rừng quê hương.

Góp phần lưu giữ di sản văn hóa của người Hà Nhì

Bắt đầu từ việc chọn nguyên liệu đến cắt, khâu, thêu, chắp nối các mảnh vải lại với nhau từ những bộ phận chi tiết để tạo thành một chiếc áo hoàn chỉnh. Bộ trang phục truyền thống của người Hà Nhì được làm khá công phu, mất nhiều thời gian. 

Chị Pư chia sẻ: "Trang phục mang nhiều ý nghĩa của cuộc sống, nên thời gian để may được một chiếc áo, mũ là rất lâu. Tôi phải ra chợ mua hạt nhựa, hạt nhôm, chỉ, len các màu. Sau đó, ngồi tẩn mẩn thêu mất vài ba tháng. Nếu làm chậm hoặc bận việc khác, có khi làm chiếc áo, mũ sẽ mất cả năm. Nhiều lúc muốn tìm những người lớn tuổi phụ giúp, họ rất nhiệt tình và yêu thích công việc này nhưng tiếc là mắt họ lại rất kém nên không làm được. Người trẻ thì đa phần đi làm công ty nên cũng khó theo được nghề này".

Người lưu giữ “nhân sinh quan”, “thế giới quan” trong trang phục truyền thống Hà Nhì - Ảnh 3.

Chị Pờ Hu Pư chuẩn bị may trang phục truyền thống

Không chỉ may trang phục truyền thống Hà Nhì, chị còn nhận may trang phục của người La Hủ, Si La. Những lần đi giao sản phẩm cho khách gần khu vực sinh sống, chị còn giúp đỡ chị em dân tộc Mông có hoàn cảnh khó khăn, như nấu cơm, nấu cháo, hỗ trợ tiền…

"Tôi rất vui khi sản phẩm trang phục truyền thống của dân tộc mình được nhiều người biết đến và yêu thích. Mặc trang phục truyền thống của người Hà Nhì, tôi cùng gia đình ra Quảng Ninh chơi, nhiều người đã đến và chụp ảnh chung với tôi. Đó không chỉ là niềm vui, là hạnh phúc mà còn là cách để góp phần quảng bá về bản sắc văn hóa dân tộc Hà Nhì của chúng tôi", chị Pư nói.

"Hiện nay, trang phục truyền thống thường được người dân mặc vào ngày lễ, tết hoặc vào các dịp có sự kiện trong cộng đồng. Do đó, trang phục truyền thống của dân tộc Hà Nhì đang có nguy cơ mai một. Chính quyền địa phương chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề bảo tồn nét di sản văn hóa phi vật thể này và hết sức ủng hộ, khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, làm chủ, như chị Pờ Hu Pư có điều kiện phát triển. Để từ đó, chị em có thể vươn lên xóa đói, giảm nghèo và nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong thời hội nhập".

Bà Vàng Minh Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Chung Chải

Trang phục không chỉ là đáp ứng nhu cầu của mỗi người, mà trang phục còn mang đậm bản sắc dân tộc và văn hóa truyền thống. Vừa qua, tri thức dân gian nghệ thuật làm trang phục của người Hà Nhì đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố Quyết định số 1404/QĐ-BVHTTDL vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Hỗ trợ đồng bào Hà Nhì bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Nhé đã tổ chức lớp truyền dạy nghề may trang phục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đây là hoạt động giúp họ có ý thức giữ gìn tốt hơn về loại hình di sản văn hóa có nguy cơ mai một. Trang phục truyền thống là một thành tố không thể thiếu trong di sản văn hóa.

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể là góp phần phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương. Việc Pờ Hu Pư khởi nghiệp thành công từ trang phục truyền thống của người Hà Nhì là tấm gương điển hình khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm cho chị em phụ nữ người DTTS phát triển kinh tế hiện nay. 

Liên hệ: Chị Pờ Hu Pư

Địa chỉ: Bản Đoàn kết, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Điện thoại: 038 999 4015

Facebook: https://www.facebook.com/po.pu.71697

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn