Khởi sắc nông nghiệp ở vùng cao

23:28 | 17/11/2022;
Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đồng bào các dân huyện Bảo Thắng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Theo đánh giá, nông nghiệp của địa phương vùng cao đang dần khởi sắc.

Chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả cao

Sau khi Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy Lào Cai được ban hành, huyện Bảo Thắng đã tập trung đồng bộ các giải pháp để phát triển nông nghiệp hàng hóa. Trong đó, huyện đã hỗ trợ người dân kinh phí để phát triển nông nghiệp, đồng thời liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. 

Tại xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng), việc xây dựng vùng rau an toàn đang được địa phương đẩy mạnh, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.

Chị Vương Thị Loan (thôn Soi Cờ, xã Gia Phú) cho biết, trước đây diện tích đất của gia đình được trồng ngô nên thu nhập không cao. Sau khi được chính quyền xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đưa những cây, con giống có năng suất, chất lượng tốt vào gieo trồng, thay thế những loại cây trồng hiệu quả thấp, gia đình chị đã quyết định thực hiện theo.

Khởi sắc nông nghiệp ở vùng cao - Ảnh 1.

Nông dân xã Gia Phú thu hoạch dưa leo

Theo đó, gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng 3 sào dưa leo G7. Đây là giống cây do công ty TNHH 2 thành viên dưa leo quê vùng miền Bắc Giang cung ứng và liên kết bao tiêu sản phẩm. 

Sau 45 ngày chăm sóc, vườn dưa leo của gia đình chị đã cho thu hoạch. Với giá thu mua liên kết hiện nay của công ty là 6.000 đồng/1kg, ước tính vụ dưa leo năm nay sẽ cho gia đình chị thu về khoảng trên 3 tấn quả với trị giá trên 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình chị còn mở rộng diện tích trồng cây đậu cô ve lên 3 sào. Hiện nay, cây trồng này đang được gia đình chị chăm sóc tốt, đã đậu quả và chuẩn bị cho thu hoạch.

Tương tự, vụ đông này gia đình chị Đoàn Thị Thương (thôn Soi Cờ) cũng thực hiện chuyển đổi sang trồng 3 sào đậu đũa leo dàn. Chị Thương cho biết, tham gia dự án này, gia đình chị được công ty TNHH 2 thành viên dưa leo quê vùng miền Bắc Giang liên kết bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, gia đình chị cũng như nhiều hộ tham gia dự án rất yên tâm về đầu ra. Giá được công ty thu mua tại vườn với 8.000 đồng/kg. Hiện nay, đậu đỗ của gia đình chị Thương đang cho thu hoạch chính vụ. Ước tính, vụ này gia đình chị sẽ thu được hơn 3,5 tấn quả, trừ chi phí cho thu lãi khoảng 20 triệu đồng.

Khởi sắc nông nghiệp ở vùng cao - Ảnh 2.

Vườn rau cải bắp của nông dân xã Gia Phú phát triển tươi tốt

Trong khi đó, gia đình chị Trần Thị Hảo (thôn Soi Cờ) lại chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng rau hàng hóa theo định hướng của chính quyền địa phương. Nhìn 3 sào bắp cải lên xanh mướt cũng hứa hẹn mang lại nguần thu đáng kể cho gia đình chị Hảo trong vụ đông năm nay. Đây cũng là mô hình nằm trong dự án được công ty TNHH 2 thành viên dưa leo quê vùng miền liên kết bao tiêu sản phẩm. 

Nhiều hỗ trợ cho nông dân phát triển nông nghiệp

Ông Lưu Hoàng Điểu, Chủ tịch UBND xã Gia Phú cho biết, trong vụ Đông năm nay, xã Gia Phú có 20 hộ được huyện hỗ trợ đầu tư làm dàn lưới cột bê tông để trồng đậu đỗ, dưa chuột vùng miền với tổng diện tích 3ha. Tổng cộng, mỗi ha được hỗ trợ 150 triệu đồng.

Theo ông Điểu, hiện nay, Gia Phú có khoảng 40 ha cây rau màu các loại. Trong đó, có khoảng 20 ha rau an toàn nằm tại các thôn: Tả Thàng, Xuân Lý, Xuân Tư, Bản Bay. Sản lượng bình quân xuất ra thị trường từ 8-10 tấn rau các loại/ngày.

Khởi sắc nông nghiệp ở vùng cao - Ảnh 3.

Đoàn công tác đánh giá hiệu quả của mô hình

Đặc biệt, 3ha diện tích chuyển đổi từ đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng rau, củ, quả đang được hỗ trợ chuyển đổi sản xuất theo các chính sách của huyện, tỉnh, tập trung vào 3 thôn Bến Phà, Chính Tiến, và Soi Cờ. Đối với các hộ tham gia dự án, còn được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Được biết, sau khi Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy Lào Cai về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa được ban hành, huyện Bảo Thắng đã tập trung đồng bộ các giải pháp để phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Theo đó, Cấp ủy, chính quyền huyện Bảo Thắng đã xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm của nông nghiệp huyện là: Thu hút đầu tư vào nông nghiệp; Phát triển sản xuất, thâm canh các ngành hàng lợi thế của huyện; Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Bên cạnh những cây trồng chủ lực, huyện Bảo Thắng xác định các loại rau, củ, quả là cây trồng tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Bởi vậy, huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển vùng trồng rau hàng hóa để nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân.

Hiện nay, trên địa bàn huyện đã bước đầu xây dựng được vùng sản xuất rau hàng hóa với quy mô trên 50ha. Người dân cũng tham gia liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ bởi vậy giá cả ổn định, tiêu thụ thuận lợi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn