Khởi sắc ở một xã vùng biên

16:45 | 31/08/2019;
Những năm gần đây, cuộc sống của đồng bào Vân Kiều ở xã Thuận, một xã vùng biên của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã thay đổi, thu nhập trung bình đạt 16 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều xã miền xuôi.

Giảm nghèo gắn với xây dựng NTM

Xã Thuận là xã biên giới nhưng cũng là xã duy nhất của huyện Hướng Hoá được tỉnh Quảng Trị chọn làm điểm xã xây dựng nông thôn mới (NTM). Ông Hồ Văn Láo, Bí thư Đảng ủy xã Thuận cho biết, đồng bào dân tộc ít người chiếm 75% dân số. Trước đây, kinh tế địa phương chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nhiều mặt còn thấp so với mặt bằng chung của huyện.

Năm 2009, xã Thuận được chọn là xã điểm xây dựng NTM. Đảng ủy, UBND xã xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt cũng là cơ hội để thúc đẩy kinh tế, giúp dân xóa đói, giảm nghèo. Ngay sau đó, cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể đã tiến hành họp dân rà soát đánh giá thực trạng, xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí theo lộ trình thời gian, lựa chọn các tiêu chí ưu tiên phù hợp với điều kiện của từng thôn, bản và công khai lấy ý kiến nhân dân.

Tuy nhiên, cái khó với địa phương là các công trình công cộng còn yếu kém, trường mầm non của xã chưa có, trường cấp 1, cấp 2 thì xuống cấp… muốn xây mới thì nguồn vốn nhà nước cấp chưa có, cuộc sống của dân còn còn nhiều khó khăn nên không thể đóng góp. Sau nhiều cuộc họp, Đảng ủy, Chính quyền địa phương quyết định vận động người dân hiến đất làm các công trình công cộng.

img_0569.JPG
Người dân thu hoạch chuối tây

 Đối với nhiều địa phương thì việc vận động người dân hiến đất gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, xã Thuận đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này nhờ sự vào cuộc tích cực của cộng đồng. Ông Láo cho biết, tại thôn 7, trước đây đường giao thông nhỏ, hẹp, có những đoạn chỉ là lối mòn nên việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Vì thế, sản phẩm nông nghiệp làm ra thường bị ứ đọng, bà con phải chở bằng xe máy đi bán. Khi Đảng ủy xã vận động hiến đất, ông Pả Ký, khi đó là trưởng bản, đã họp bản. Ông phân tích những thiệt hơn khi có con đường rộng vào làng. Nếu có đường, đi lại sẽ thuận lợi, sau là đưa cơ giới hoá vào phục vụ sản xuất, xe ô tô vào mua các sản phẩm bà con làm ra được dễ dàng.

Bà con lắc đầu, ông Ký làm phép tính: “Nếu dùng xe máy thồ 2 tạ sắn tươi đi 20km đường từ nhà ra thị trấn bán được 100.000 đồng, trừ 15.000 đồng tiền xăng, rồi ăn sáng mất 10.000 đồng, còn lại 70.000 đồng. Đó là chưa kể mất nửa ngày công, nếu đi làm thuê cũng được 50.000 đồng. Có đường lớn, ô tô vào tận nơi thu mua cũng với giá đó, vừa không mất tiền xăng, bán lại được nhiều và còn có thời đi làm thuê nữa”.

 Để làm gương, ông là hộ đầu tiên tự nguyện chặt bỏ một số cây ăn quả sắp được thu hoạch để hiến 4.000m2 đất làm đường của xóm. Số đất ấy nếu đền bù theo quy định của nhà nước thì số tiền gia đình ông được đền bù khoảng trên 100 triệu đồng nhưng ông không lấy một đồng.

img_0509.JPG
Người dân xã Thuận tập kết chuối tây cho thương lái

 Thấy trưởng bản Pả Ký hiến đất, nhiều hộ dân cũng làm theo. Có ngày hàng chục người xếp hàng đến UBND xã chờ đăng kí hiến đất. Ngoài ra, người dân còn tự nguyện chặt cây, dọn đường cho máy ủi, máy kéo đến làm việc. Các hộ hiến nhiều đất phải kể đến các ông Pả Phương (thôn 8), Nguyễn Văn Thử (thôn Thuận Hòa), Hồ Văn Hạnh (thôn 7), Hồ Văn Hạnh,… mỗi người đã hiến bình quân 1.500m2 đất. Chỉ trong một thời gian ngắn, người dân đã hiến tổng cộng gần 55ha đất để chính quyền xây dựng hệ thống đường, trường, trạm và các hạ tầng khác theo chuẩn NTM.

Giao thông đi trước, kinh tế theo ngay

Khoảng hơn chục năm trước, không ai nghĩ xã nghèo vùng biên như xã Thuận lại có ngày trù phú như bây giờ. Để giúp người dân thoát nghèo, địa phương đã phối hợp với Đồn biên phòng 361 tìm hướng mới cho sản xuất nông nghiệp. Sau khi tham khảo, phân tích và đánh giá, địa phương quyết định đưa cây chuối tây là cây trồng chủ lực. Chỉ sau một thời gian, cây chuối đã chứng minh đó là hướng lựa chọn đúng. Cây chuối tây hợp khí hậu, thổ nhưỡng, sinh trưởng nhanh, cho quả to tròn, vị ngọt thơm. Cây chuối từ lác đác trong vườn nhà đã nhanh chóng xuất hiện dọc triền sông Sê Pôn, theo chân người lên nương rẫy. “Năm nay khí hậu thuận lợi, chuối phát triển nhanh, buồng chuối rất đẹp. Chẳng uổng công vợ chồng mình chăm trồng”, chị Pí Tá Ngà khoe.

Hơn chục năm trước, gia đình chị Ngà thuộc diện nghèo nhất xã. Cuộc sống của 7 miệng ăn trong gia đình chị chỉ trông vào hơn 1ha sắn. Vì thế, mỗi năm, nhà chị thường thiếu đói vài ba tháng. Cái ăn chưa đủ, các con chị cũng phải nghỉ học để giúp mẹ mưu sinh. Năm 2005, được Đồn Biên phòng 613 tư vấn, chị Ngà trồng hơn 1ha chuối tây. Cây chuối hợp đất phát triển xanh tốt, sau một năm đã bắt đầu cho thu hoạch, với giá bán thời điểm đó là 4.500 đồng/kg, chị thu được 20 triệu đồng trong năm đầu. Sang năm thứ hai, thu nhập đã tăng lên 30 triệu đồng/ha. Thấy cây chuối có thể giúp gia đình thoát nghèo, chị xin nhận thêm đất hoang trong xã, khai hoang đầu tư nâng tổng diện tích đất trồng chuối lên 6ha, với thu nhập trung bình mỗi năm đạt gần 200 triệu đồng.

Theo chị Ngà, trồng chuối tây có ưu điểm là đầu tư vốn, công sức ít, tất cả bộ phận của cây chuối có thể tận dụng triệt để như quả đến bán cho thương lái, lá, thân làm thức ăn cho trâu bò. Có tiền, chị làm ngôi nhà sàn mới khang trang hơn, các con được đi học cái chữ.

Thấy chị Ngà trồng chuối cho thu hoạch cao hơn các loại cây trồng khác, nhiều gia đình trong bản đến học hỏi. Đến nay, cây chuối tây đã “lan” ra cả một vùng rộng lớn. Khi quỹ đất địa phương khan hiếm, người dân nơi đây còn lặn lội sang các xã lân cận, thậm chí là nước bạn Lào, bắt tay “liên doanh, liên kết” để trồng chuối, rồi chuối sinh trưởng cả trên đất bạn Lào. Bình quân 1ha chuối cho thu nhập 30 triệu đồng/năm. Hộ trồng ít cũng hơn 1ha chuối, còn hộ trồng nhiều hơn 10 ha. Hiện nay, diện tích chuối trong xã đã lên đến gần 350 ha, gần bằng diện tích đất trồng sắn từ hàng chục năm nay. Mỗi năm, nguồn thu từ cây chuối mang về cho địa phương từ 20 đến 30 tỷ đồng. Đặc biệt, chuối xuất khẩu sang Trung Quốc thường có giá thành cao gấp đôi. Thế nên, số lượng "vua chuối", "triệu phú chuối" ở xã Thuận ngày càng tăng. Nhiều gia đình đã được công nhận là thành viên “Câu lạc bộ 100 triệu đồng/năm”.

Ngoài chuối, các loại cây ăn khác cũng được khuyến khích mở rộng như xoài, nhãn, vải, cà phê, cao su tiểu điền, đồng thời phát triển xen canh cây cao su trên đất nương rẫy. Cả một vùng đồi hoang hóa trước kia giờ đây được phủ xanh bởi chuối, cao su, sắn và cây ăn quả.

Song song với phát triển kinh tế, đời sống văn hóa của người dân được chính quyền địa phương rất quan tâm. Điện sinh hoạt, sản xuất đến 100% hộ dân, 100% khu dân cư có đường điện do dân đóng góp, các thôn đều có đội vệ sinh thu gom rác thải. Hơn 70% người dân có tivi, 60% có xe máy, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến lớp.

60828718_1265626453584766_4755591990056321024_n_2.jpg
Trụ sở Đảng ủy- UBND xã Thuận

 Ngoài ra, để nâng cao vai trò của Đảng ủy, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân nhân dân, năm 2015, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị và huyện ủy huyện Hướng Hóa đã điều động sĩ quan quân đội tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Thuận.

3 bí quyết thành công

Với những giải pháp đồng bộ, sau 10 năm, xã Thuận đã đạt chuẩn NTM mới giai đoạn 2015 - 2017. Cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư, đường giao thông liên thôn, liên xã và các trục đường phục vụ sản xuất đã được bê tông hoá và nhựa hoá với tổng chiều dài là 32,71km; Trạm Y tế xã đã đạt chuẩn Quốc gia, các trường học được đầu tư cơ bản đảm bảo phục vụ dạy và học; cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tăng dần về thương mại, dịch vụ (25%). Thu nhập bình quân đạt 16 triệu đồng/người/năm (tăng 9,5 triệu đồng so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo theo đa chiều giảm còn 27,46%;

Ngoài ra, từ một Đảng bộ với số lượng Đảng viên ít, thậm chí có những thôn, bản trắng đảng viên, Đảng ủy đã xã đã xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên, phân công từng đồng chí cấp ủy theo dõi, bồi dưỡng, giới thiệu đi học các lớp Bồi dưởng đối tượng kết nạp Đảng. Năm 2015, từ một Đảng bộ có 9 chi bộ/69 đảng viên, đến nay đã xóa được 07 thôn, bản không có tổ chức cơ sở Đảng, 100% thôn, bản đã có tổ chức cơ sở Đảng; Đảng bộ hiện có 17 chi bộ /105 đảng viên.

Để đạt được kết quả được kết quả đó, ông Láo cho biết địa phương có 3 bí quyết chính. Thứ nhất, phải làm sao khơi dậy và phát huy nội lực, tạo sự đồng thuận của bà con. Phát huy tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên và các tổ chức, cá nhân. Áp dụng phương châm dễ làm trước, khó làm sau, không chủ quan, nóng vội, vừa làm vừa học tập kinh nghiệm, vừa đúc kết thực tiễn. Tập trung cao để thực hiện các tiêu chí bức xúc và thiết thực nhất đối với người dân, vừa tạo khí thế phấn khởi cho dân, vừa được lòng dân. Trong quá trình làm phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Nói lần 1, lần 2 dân chưa thông thì phải nói lần 3, lần 4. Không tuyên truyền được ở nhà thì lên nương rẫy, chọn già làng, trưởng bản và phụ nữ là những người có ảnh hưởng để vận động.

Ngoài ra, các thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo sẽ phụ trách từng địa bàn, theo dõi, chỉ đạo, chịu trách nhiệm thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu giảm nghèo theo kế hoạch được giao. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị- xã hội lồng ghép các chương trình, dự án xây dựng các mô hình kinh tế giúp hội viên thoát nghèo.

Thứ hai, kế thừa và phát huy các bài học kinh nghiệm thành công từ phong trào xây dựng xã văn hoá để có vận dụng một số cách làm hay vào xây dựng xã NTM. Đồng thời, thực hiện tốt tinh thần dân chủ theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”.

Thứ ba, phát triển kinh tế phải bắt đầu từ mỗi cá nhân, chính quyền chỉ định hướng cho các thôn/bản về mặt chủ trương, còn xây dựng phương án và tổ chức thực hiện là do họ tự thực hiện. Chính quyền sẽ giới thiệu những kinh nghiệm sản xuất kinh doanh để người dân tham khảo; vận động nhân dân tích cực áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tham gia các chương trình phát triển kinh tế của xã. Mặt khác, chính quyền xã thường xuyên mở các đợt kiểm tra, rà soát lại tỷ lệ hộ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo ở từng gia đình, từ đó chọn ra phương án phù hợp giúp người dân thoát nghèo. 

         

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn