Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Ước mơ có được con đường bê tông phẳng lì chạy qua bản Khâu Ban, xã Mường Trai, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, đã thành hiện thực. Từ khi có đường ô tô vào bản, việc làm ăn của bà con nơi đây thuận lợi hơn.
Gia đình chị Lường Thị Hương trước đây chỉ làm mấy thửa ruộng nước và chăn con gà, con vịt quanh nhà. Sống ở vùng sâu, vùng xa, nên hết mùa là cả nhà chẳng có việc gì làm. "Đất sản xuất thì ít, nghề phụ không có. Bao năm vợ qua, vợ chồng tôi cũng cố gắng làm lụng nhưng cuộc sống vẫn khó, vẫn nghèo", chị Hương chia sẻ.
Năm 2015, gia đình chị được Hội LHPN xã vận động các tổ chức xã hội hỗ trợ chị tiền để mua 2 con bò giống. Nhận được sự giúp đỡ, chị Hương vui lắm. Gia đình chị dựng chuồng trại sạch sẽ để đón 2 chú bò giống về. Ngoài ra, chị còn trồng thêm cỏ voi, để mỗi khi đông về đám bò có nguồn thức ăn dự trữ. Từ 2 con bò giống ban đầu, đến giờ, gia đình chị đã gây lên thành 5 con bò.
Đàn bò tăng lên, để tận dụng nguồn chất thải từ chúng, chị Hường đã cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả như nhãn, xoài, mít… Sau mỗi năm, thu nhập của gia đình chị dần tăng lên. Từ một hộ nghèo của bản, đến nay, chị Hương đã trở thành hộ khá của bản.
"Tôi đã xây được ngôi nhà kiên cố, mua 1 xe tải cho chồng đi chở hàng thuê. Cuộc sống giờ không còn thiếu thốn như trước kia nữa", chị Hương nói.
Mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi của gia đình chị Lò Thị Xuân ở bản Bó Ban được đánh gia cao. Trước đây, kinh tế của gia đình chị gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn và kiến thức. Được sự giúp đỡ của Hội LHPN xã Mường Trai, chị được tham gia các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi. Có kiến thức, gia đình chị mạnh dạn đầu tư vào mô hình nuôi cá lồng và làm trang trại. Trang trại của gia đình hiện có chục con lợn và 200 con gà. Năm 2011, gia đình chị đã thu được cả trăm triệu đồng.
Giúp hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình là một trong những thế mạnh của Hội LHPN xã Mường Trai. Trong những năm gần đây, nhiều chị em phụ nữ được hỗ trợ vốn đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Phụ nữ cũng mạnh dạn thay đổi cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nếu như những năm trước đây, ở xã Mường Trai chỉ trồng duy nhất một vụ lúa, nay nhiều hộ trong xã đã mạnh dạn trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc và nuôi cá. Sự thay đổi đó đã làn nên một diện mạo mới của xã miền núi này.
Năm 2012, xã Mường Trai bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, như: Điện, đường, trường, trạm, thu nhập bình quân đạt gần 5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo cao... Theo ông Lèo Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Mường Trai, xã đã thống kê, rà soát các danh mục cơ sở hạ tầng cần đầu tư, nâng cấp để có giải pháp phù hợp với điều kiện, đặc thù của xã, theo phương châm "dễ làm trước, khó làm sau".
Ngoài ra, xã cũng huy động các đoàn thể cùng vào cuộc giúp đỡ các hộ khó khăn phát triển kinh tế. Đặc biệt là Hội LHPN xã luôn đi đầu trong việc giúp hội viên phụ nữ vay vốn để cải tạo vườn tạp, đầu tư chăn nuôi. Xã Mường Trai có 10 chi hội, với 339 hội viên. Hội đã vận động chị em tích cực lao động sản xuất, thâm canh tăng vụ. Hội cũng thường xuyên tuyên truyền và hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.
"Để giúp chị em có vốn phát triển sản xuất, chúng tôi đã vận động các hội viên quyên góp quỹ tiết kiệm. Từ nguồn quỹ đã tạo điều kiện cho họ tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay, quỹ tiết kiệm được gần 100 triệu đồng, cho gần 40 hội viên vay. Bên cạnh đó, chúng tôi đã lồng ghép các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: Chương trình 30a, 135; hỗ trợ cây, con giống như: Cây xoài, nhãn, bò, dê sinh sản… cho các gia đình hội viên nghèo có điều kiện sản xuất, nâng cao đời sống", chị Cầm Thị Minh, Chủ tịch Hội LHHN xã Mường Trai cho biết.
Hiện nay, phụ nữ xã Mường Trai đã xây dựng được 22 mô hình sản xuất, trong đó hiệu quả nhất là mô hình nuôi cá lồng và bò sinh sản. Nhờ vậy, mà đời sống của nhiều chị em từng bước được nâng lên. Nhiều hội viên đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn