Làn sóng dịch Covid 19 thứ tư đã xâm nhập vào Việt Nam, cả nước lại một lần nữa phải căng mình chống dịch.
Nhiều tỉnh thành phố trên cả nước xuất hiện người mắc Covid 19. Hơn 10 tỉnh thành phải cho học sinh nghỉ học, nhiều khu vực bị phong tỏa, hàng nghìn người phải cách ly, nhiều bệnh viện phải phong tỏa...
Tất nhiên đó chỉ là những con số có thể đo đếm và dễ nhận thấy. Phía sau là cả một nền kinh tế bị ảnh hưởng, hành ngàn doanh nghiệp vốn đã căng sức gồng mình với dịch hơn 1 năm qua giờ lại gần với bờ vực phá sản hơn bao giờ hết, là cuộc sống của hàng triệu lao động bị ảnh hưởng của hàng triệu hộ dân khó khăn vật lộn với mưu sinh hàng ngày. Chưa hết đó còn là hàng chục ngàn chiến sĩ biên phòng phải cắm chốt ở đường biên giới, hàng trăm ngàn cán bộ nhân viên y tế phải lao vào giành giật sự sống với tử thần...
Nhưng tất cả những điều đó đến từ đâu. Cơ quan chức năng cũng xác định đợt dịch này đa dạng về chủng virus, đa nguồn lây nhưng có một thực tế khá rõ ràng làn sóng dịch thứ tư bùng phát mạnh trong đó phần lớn có sự "giúp sức" từ chính những hành vi vi phạm phòng chống dịch, và đáng nói hơn đây là những hành vi cố tình.
Loại hành vi thứ nhất đó là những người môi giới đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Liên tiếp trong thời gian từ đầu tháng 5 đến nay, công an các tỉnh: Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Long An, Quảng Ninh, Đà Nẵng... đã khởi tố nhiều vụ án tổ chức môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép
Với đường biên giới dài hàng ngàn km, địa hình phức tạp nhiều đường mòn lối mở việc ngăn chặn người nhập cảnh trái phép trong thời gian dịch bệnh là một khó khăn rất lớn của cơ quan chức năng trong đó bộ đội biên phòng là chủ lực. Tết cổ truyền năm 2021, 100% lực lượng biên phòng đã phải bám chốt, trực chiến, nói cách khác họ đã hoàn toàn không có Tết. Sang năm 2021 tình hình dịch bệnh căng thẳng, lực lượng biên phòng ở các bộ phận tiếp tục phải tăng cường "rải người" trên các chốt bám đường biên.
Tuy nhiên, không ít người vì mục đích tư lợi sẵn sàng môi giới hỗ trợ người từ bên kia biên giới nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Nhập cảnh trái phép đồng nghĩa với việc họ hoàn toàn không khai báo y tế và mang một nguy cơ rất lớn lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Trong khi bản thân hành vi nhập cảnh trái phép đã là vi phạm pháp luật, thậm chí có thể bị khởi tố nếu hội đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Nhưng bên cạnh hành vi xâm hại trật tự quản lý đường biên giới, giờ đây việc nhập cảnh trái phép tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Hơn 1 năm qua, dịch bệnh đã lần lượt tàn phá rất nhiều nước vùng lãnh thổ bất chấp sự khác biện về vị trí địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu, chủng tộc và thậm chí cả trình độ phát triển kinh tế xã hội. Gần đây nhất dịch bệnh "tấn công" châu Á và những tấm gương lớn như Ấn Độ là bài học về sự lơ là coi thường dịch bệnh.
Đầu năm 2021 dịch bệnh xuất hiện và gia tăng chóng mặt ở các nước láng giềng thậm chí là các nước có chung đường biên giới với Việt Nam. Hơn lúc nào hết nguy cơ dịch bệnh lây lan từ các nước này là điều hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Các cấp các ngành đã quán triệt và đề cao nguyên tắc phòng chống dịch bệnh trong đó ngăn chặn những vụ nhập cảnh trái phép qua đường biên là một trong những biện pháp trọng tâm. Nhưng dù lực lượng chức năng có cố gắng đến đâu cũng khó lòng ngăn chặn tuyệt đối những vụ đưa người nhập cảnh trái phép.
Ở trong nước, dịch bệnh cũng lại lây lan "dựa vào" những hành vi vi phạm pháp luật khác. Khai báo gian dối, không khai báo y tế, bỏ qua các quy định về phòng chống dịch thậm chí tụ tập tại những cơ sở kinh doanh "nhạy cảm" là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh lây lan với tốc độ cao.
Nếu như trong làn sóng dịch trước đó quán bar Buddha ở TP Hồ Chí Minh có liên quan đến nhiều ca lây nhiễm, thì ở làn sóng lần này một quán bar khác là Sunny lại là một trong những điểm đáng chú ý khi tạo thành một ổ dịch mới siêu lây nhiễm.
Từ đầu tháng 5 các cơ quan có thẩm quyền đã phải xử lý những cán bộ quản lý lơ là phòng chống dịch hoặc chính họ là người khai báo gian dối làm lây lan dịch. Mới đây nhất Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc bị đình chỉ công tác, Giám đốc công ty xây dựng tại Hà Nội bị công an điều tra về hành vi khai báo y tế không trung thực...
Cơ quan chức năng đã thể hiện một quyết tâm có những biện pháp mạnh mẽ cứng rắn nhất đối với những người vi phạm quy định khiến dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên việc xử lý xét cho đến cùng vẫn chỉ giải quyết phần ngọn, là biện pháp khi sự đã rồi và chủ yếu chỉ có tác dụng răn đe mà không thể đảo ngược những hậu quả mà những người vi phạm quy định đã gây ra.
Dịch bệnh đã xuất hiện và hoành hành hơn 1 năm, khó thể bao biện cho những hành vi vi phạm bằng lý do vô tình, thiếu hiểu biết. Tất cả những hành vi này đều phải khẳng định được thực hiện một cách cố ý với tâm lý coi thường pháp luật và coi thường sự an toàn của cộng đồng cũng như toàn xã hội.
Nhìn sang nước bạn, mới đây Campuchia đã bắt giam trung tướng Sum Pov, Phó chủ tịch Cơ quan nghiên cứu chiến lược quân sự, vì đưa trái phép 28 người Trung Quốc ra khỏi vùng phong tỏa.
Trước đó, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đã quyết định khai trừ Phó chánh văn phòng Ủy ban Cảnh sát quốc gia Ong Chanthuok ra khỏi ngành cảnh sát, theo đề nghị của Thủ tướng Hun Sen. Vị thiếu tướng 45 tuổi còn bị tước hết quân hàm.
Ngoài ra Thứ trưởng Bộ Lao động và dạy nghề Campuchia, ông Veng Heang, bị cách chức sau khi lan truyền thông tin sai sự thật liên quan COVID-19 trên mạng xã hội.
Những biện pháp cứng rắn, quyết liệt đối với hành vi cố tình vi phạm phòng chống dịch là cần thiết và cũng là một trong những công cụ chống dịch, nâng cao ý thức mỗi người dân...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn