‘Không ai sinh ra đã là phụ nữ, mà họ trở thành một người phụ nữ’

19:21 | 19/10/2018;
Trong không khí hân hoan đón chào Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/2018), bà Babeth Ngoc Han Lefur - Giám đốc Quốc gia, tổ chức Oxfam tại Việt Nam - đã có bài viết về nữ quyền.
"Không ai sinh ra đã là phụ nữ, mà họ trở thành một người phụ nữ", chúng ta có quyền lựa chọn để trở thành người như thế nào
 
Từ lịch sử cổ đại đến nay, phụ nữ Việt Nam đã đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, đi đầu trong nhiều sứ mệnh bảo vệ và phát triển đất nước. Hình ảnh Hai Bà Trưng và các nữ anh hùng dân tộc là biểu tượng trong trái tim mỗi người Việt Nam về tinh thần độc lập, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam. Trong suốt chiều dài các cuộc chiến tranh và cách mạng Đông Dương, người phụ nữ Việt Nam đã đóng góp nhiều vai trò quan trọng. Ngày nay, nhiều người trong số họ là Chủ tịch Quốc Hội, Quyền Chủ tịch nước, Bộ trưởng, lãnh đạo doanh nghiệp, luật sư hay các nhà hoạt động vì nữ quyền. Thực ra, phụ nữ ngày nay có thể trở thành bất cứ ai họ muốn, vậy điều gì đang cản trở họ?
 
Một suy nghĩ đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam từ xa xưa là, trách nhiệm chính của người phụ nữ nằm ở bổn phận gia đình và họ luôn bị đánh giá bằng những khuôn mẫu, rập khuôn, định kiến. Bạo hành gia đình và bạo hành giới không có dấu hiệu suy giảm và chênh lệch thu nhập giữa phụ nữ và nam giới là một ví dụ điển hình về bất bình đẳng giới hiện nay.
 
babeth-ngoc-han-lefur-5.jpg
Bà Babeth Ngọc Hân Lefur - Giám đốc Quốc gia, tổ chức Oxfam tại Việt Nam

 

Ngày hôm nay, chúng ta cùng biểu dương những bước tiến của luật pháp trong việc công nhận vai trò và vị thế quan trọng của phụ nữ trong xã hội. Cùng với những đóng góp to lớn của phụ nữ đối với nền kinh tế và sự phát triển của đất nước, họ ngày càng có nhiều cơ hội trong các lĩnh vực xã hội, chính trị và kinh tế. Sau Hiến pháp năm 1949 với công nhận “phụ nữ bình đẳng với nam giới về mọi mặt”, nhiều bộ luật tiến bộ đã ra đời: Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 tiếp tục nâng cao quyền và lợi ích của phụ nữ, việc phê chuẩn Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử Chống lại phụ nữ (CEDAW, 1982), Luật Bình đẳng giới (2006) và Luật Phòng chống bạo lực gia đình (2007). Hiện tại, Oxfam đang làm việc với các đối tác trong nước và quốc tế để thực thi các quy định này và mở rộng các cam kết bình đẳng giới như trong Bộ luật Lao động đã được sửa đổi.
 
Kỷ niệm ngày Phụ nữ cũng là một lời nhắc rằng chúng ta vẫn cần có một ngày dành riêng cho phụ nữ, đồng nghĩa với chúng ta vẫn phải tiếp tục thừa nhận những khuôn mẫu xã hội và định kiến cá nhân đang chính là rào cản lớn nhất đối với sự tiến bộ của phụ nữ nói riêng và tiến bộ xã hội nói chung. Thay đổi trong thái độ và hành vi hàng ngày phụ thuộc vào hành động của mỗi công dân, tại nhà và nơi làm việc.
 
Nếu có thể, tôi sẽ nói với:
Các doanh nghiệp, hãy tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng cách thúc đẩy đa dạng giới và bình đẳng giới trong và ngoài công ty của quý vị;
 
Các chính phủ, hãy tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các bộ luật nhằm bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ và Công ước của Liên Hợp Quốc về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ;
 
Những người mẹ, mẹ chồng và mẹ vợ, hãy giáo dục con trai và con gái của mình để trước tiên, và quan trọng nhất, chúng sẽ trở thành người tốt và là những công dân bình đẳng bất kể giới tính của mình;
 
Các nhóm nữ quyền, hãy đi đầu trong những phong trào vì quyền lợi của người phụ nữ Việt Nam thế kỷ 21;
 
Và với tất cả phụ nữ, hãy nhớ rằng bạn được sinh ra ngày hôm nay, ngày mai và mỗi ngày. Simone de Beauvoir, một trong những người truyền cảm hứng cho tôi, đã viết trong cuốn "The Second Sex" (tạm dịch: Giới tính thứ hai) (1949): “Không ai sinh ra đã là phụ nữ, mà họ trở thành một người phụ nữ". 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn