Cuộc chia ly hơn 40 năm trước
Vốn sống trong cô nhi viện, đến giữa tháng 4/1975, Tâm được đưa qua Mỹ làm con nuôi, còn Loan được cặp vợ chồng người Úc nhận làm con nuôi từ Sài Gòn. Thời điểm ấy, 2 cô bé chỉ mới 2 tuổi rưỡi. Tất cả các chi tiết mà Tâm và Loan giờ được biết, là do sự thu thập và giữ gìn thông tin rất cẩn thận của cha mẹ nuôi. Hành trình để họ gặp nhau rất dài và cũng không dễ dàng gì.
Thời điểm này, theo Tâm và Loan, 2 bên gia đình dù cách nhau rất xa, nhưng lại vô cùng gắn bó. Mỗi năm, vào dịp Giáng sinh, họ đều hẹn hò nhau để dành kỳ nghỉ cuối năm ở Mỹ hoặc Úc. Gia đình nhỏ của họ, bao gồm chồng và lũ trẻ cũng rất thân thiết.
Lần trở về Sài Gòn mới đây, Tâm và Loan đã tới gặp thám tử để nhờ một việc, đó là giúp họ phân biệt được ai là chị, ai là em. Khi Tâm và Loan được mang đi khỏi Sài Gòn, cha mẹ nuôi của họ đã không để ý chi tiết này. Hoặc để ý mà cũng chẳng thể biết được. Qua rất nhiều đầu mối chỉ dẫn của người y tá đã chăm sóc lũ trẻ trong cô nhi viện trước đây, Tâm và Loan được biết họ có một người bà con thỉnh thoảng ghé qua cô nhi viện thăm. Người ấy khá trẻ, là nam giới, bị mắc bệnh vẩy nến nặng nên không có mấy ai dám tới gần. Nghe nói, người đàn ông ấy sống ngay sát chợ B., làm công việc giao đồ cho các tiểu thương trong chợ. Nếu tìm được người chú ấy, thì cũng có nghĩa vừa gặp được người thân trong gia đình, vừa có lời giải đáp cho Tâm và Loan về ngôi thứ chị em. Họ rất tha thiết được biết việc này.
Chị em lưu lạc lâu, họ phải tìm thám tử để nhờ một việc, đó là giúp họ phân biệt được ai là chị, ai là em (Ảnh minh họa) |
“Mò kim” vẫn thấy
Thông tin mà Tâm và Loan cung cấp cho văn phòng thám tử hết sức mơ hồ. Người đàn ông ấy, nếu vẫn còn sống, nếu vẫn ở sát chợ B., thì năm nay cũng đã ngoài 70 tuổi. Một chi tiết mà chúng tôi cảm thấy tự tin nhất, lại chính là chi tiết căn bệnh vẩy nến của người cần tìm. Hầu hết những người mắc bệnh vẩy nến từ khi còn trẻ, thì ít ai lập gia đình. Do vậy, chúng tôi đã triển khai phải bám sát vào chi tiết đặc biệt này.
Chúng tôi tới chợ B. vào lúc 8h sáng, thời gian đang đông khách. Tiểu thương buôn bán tấp nập. Tâm và Loan cũng đi cùng để vừa nghe ngóng thông tin, vừa muốn trải nghiệm cuộc sống dân dã tại Sài Gòn. Thấy 1 người phụ nữ có khuôn mặt tròn trịa phúc hậu bán giày dép trong chợ, chúng tôi hỏi thăm. Bà rất vui vẻ, nhưng nói rằng vì là người miền Bắc mới vô để coi hàng giúp con trai và con dâu, nên cũng không rành người và việc tại đây. Bà chỉ cho chúng tôi sang gian hàng khác, nơi có anh thanh niên trẻ đang đóng hàng cho khách: “Bà ngoại của cậu kia là một trong những người bán buôn lâu nhất trong chợ. Các con thử hỏi sẽ biết”.
Khi chúng tôi tới hỏi, thì anh thanh niên cho biết ngoại anh đang bị nhức đầu, nằm tại nhà. Căn nhà ấy, được anh chỉ dẫn rất tỉ mỉ nên chúng tôi kiếm được không quá khó. Dù đang rất mệt, song bà Giàu vẫn ráng gượng dậy tiếp khách. Nghe hỏi thăm về người đàn ông mắc bệnh vẩy nến vẫn làm chân sai vặt trong chợ, bà Giàu “à” lên một tiếng. Bà nói, khoảng chục năm nay thì ông Tấn, có lẽ là người mà chúng tôi đang cần tìm, đã vào làm công quả trong ngôi trường dành cho trẻ tự kỷ gần đó.
Chúng tôi đưa Tâm và Loan tới ngôi trường ấy vào giờ nghỉ trưa. Nghe 2 cô gái trình bày câu chuyện, các cô giáo đã gọi ông Tấn giùm. Đúng là quả đất tròn, người với người vẫn có duyên gặp lại. Sau mấy chục năm xa cách, ông Tấn và 2 cô cháu gái khóc cạn nước mắt vì xúc động và vui mừng. Cuộc gặp gỡ nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Qua lời trò chuyện, ông Tấn cho biết, Loan chính là chị, còn Tâm là em. Cha mẹ các cô đã bị tai nạn xe khi đi từ miền Tây lên Sài Gòn. Chính ông Tấn là người đưa 2 đứa cháu vào trong cô nhi viện sống. Cảm thương các bé không có ai bên cạnh, thỉnh thoảng ông Tấn lại ghé vô thăm. Thời điểm Loan và Tâm được người ta đưa đi, ông Tấn không hề biết.
(Ảnh minh họa) |
Trong cuộc đời có những câu chuyện thật sự khó ngờ. Tâm và Loan đã nắm tay các thám tử thật chặt, như lời cám ơn chân thành. Giờ thì họ đã biết ai là chị, ai là em và còn tìm thấy người bà con giàu tình cảm. Hai người phụ nữ có thêm lý do để trở về Sài Gòn thăm quê hương và người thân hàng năm.