Tiến sĩ Lu Qi, giáo sư tại trường Y học Nhiệt đới và Y tế Công cộng thuộc Đại học Tulane, ở New Orleans (Mỹ) và nhóm cộng sự đã thực hiện nghiên cứu chất lượng giấc ngủ đối với 400.000 người trưởng thành tại Anh và theo dõi chất lượng giấc ngủ và tình trạng sức khỏe của họ từ độ tuổi 37 đến 73. Kết quả cho thấy, những người có tất cả 5 thói quen ngủ lành mạnh có tỷ lệ mắc chứng suy tim thấp hơn 42% so với những người thiếu một hoặc vài thói quen trong nhóm này. Kết quả nghiên cứu được công bố trực tuyến trên tạp chí Circulation vào ngày 16/11/2020.
Theo tiến sĩ Qi, những thói quen ngủ lành mạnh mà nhóm nghiên cứu hướng đến bao gồm: ngủ từ 7 đến 8 giờ mỗi đêm, không ngáy, hiếm khi khó ngủ, không mệt mỏi vào ngày hôm sau và có thói quen thức dậy sớm. Tuy nhiên, tiến sĩ Qi cho biết, nghiên cứu lần này không chỉ ra được nguyên nhân và kết quả của chứng suy tim mà chỉ tập trung nghiên cứu mối liên kết giữa chất lượng giấc ngủ và khả năng mắc chứng bệnh nguy hiểm này.
Suy tim là tình trạng hoạt động bơm máu của tim bị suy yếu, lượng máu tim bơm đi không đủ cho nhu cầu của cơ thể khiến người bệnh cảm thấy tức ngực, khó thở, mệt mỏi, hụt hơi mỗi khi vận động. Theo Hiệp hội Tim mạch New York (Mỹ), suy tim được phân chia thành 4 cấp độ: suy tim độ 1 (suy tim tiềm tàng), suy tim độ 2 (suy tim nhẹ), suy tim độ 3 (suy tim mức trung bình) và suy tim độ 4 (suy tim nặng).
Ngoài phát hiện tỷ lệ mắc suy tim của những người có thói quen ngủ lành mạnh thấp hơn 42% so với những người không có đầy đủ những thói quen này, nghiên cứu còn chỉ ra, những người bị mất ngủ có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim cao hơn so với những người bình thường. Điều này cũng đúng đối với những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ, một chứng bệnh với các biểu hiện như ngủ ngáy, ngáy rất to và người bệnh có cơn ngừng thở được người thân chứng kiến.
Tiến sĩ Nieca Goldberg, bác sĩ tim mạch tại NYU Langone Health, ở thành phố New York (Mỹ) cho biết, triệu chứng ngáy mãn tính khi ngủ và mệt mỏi vào ngày hôm sau là những dấu hiệu đặc trưng của chứng ngưng thở khi ngủ.
Với vai trò là người phát ngôn của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, tiến sĩ Goldberg cho biết thêm, chất lượng của giấc ngủ kém không hẳn là nguyên nhân trực tiếp gây ra suy tim. Thay vào đó, nó tác động lên các nguyên nhân gây ra suy tim như huyết áp, hormone căng thẳng và nhịp tim.
Theo số liệu thống kê, trong khoảng gần 10 năm đã có 5.221 người trưởng thành tham gia nghiên cứu được chẩn đoán mắc bệnh suy tim. Nhìn chung, nhóm nghiên cứu phát hiện những người có tất cả 5 thói quen ngủ lành mạnh có tỷ lệ mắc chứng suy tim thấp hơn 42% so với những người không có bất cứ hoặc chỉ có một trong những thói quen này.
Trên thực tế, những người có thói quen ngủ lành mạnh thường có xu hướng quan tâm đến sức khỏe. Vì vậy, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Qi đã tính đến tác động của luyện tập thể dục, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc và uống rượu của những người tham gia nghiên cứu. Ngoài ra, yếu tố thu nhập cá nhân và trình độ học vấn của từng người cũng được tính đến.
Tiến sĩ Roneil Malkani, trợ lý giáo sư thần kinh học tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern, ở Chicago đồng ý rằng những phát hiện của nghiên cứu giúp chẩn đoán sớm các nguy cơ mắc bệnh về tim ở những người gặp vấn đề đối với giấc ngủ và giải thích một phần nguyên nhân các bệnh lý về tim gây ra vấn đề đối với giấc ngủ.
Hơn nữa, tiến sĩ Malkani cho biết thêm, dấu hiệu buồn ngủ hoặc mệt mỏi vào ban ngày có thể là thói quen ảnh hưởng trực tiếp đến việc suy giảm sức khỏe tim mạch. "Trong số 5 thói quen mà nhóm nghiên cứu chỉ ra, khả năng không buồn ngủ vào ban ngày có liên quan đến chứng suy tim nhiều nhất", tiến sĩ cho biết.
Sau cùng, trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Qi cho biết, những người ngủ từ 7 đến 8 giờ vẫn lành mạnh hơn so với những người chỉ ngủ từ 5 đến 6 giờ mỗi đêm. Đối với những người mắc chứng khó ngủ hoặc khó ngủ kinh niên, tiến sĩ Qi khuyên họ nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để có những biện pháp điều trị kịp thời và tránh nguy cơ mắc suy tim và các bệnh lý khác về tim.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn