Chúng tôi được biết đến một loại trà có tên thật mỹ miều và đậm nữ tính: Mỹ nhân Phương Đông không phải ở nơi khởi nguồn của loại trà này mà ngay tại Hà Nội, trong một buổi giới thiệu và trình diễn văn hóa trà Đạo Đài Loan do bà Tống Dũng Huy, Phu nhân trưởng Đại diện Văn phòng Kinh tế & Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội, thực hiện. Trong không gian ấm cúng, bà Tống Dũng Huy mang đầy đủ dụng cụ cho một buổi tiệc trà: 3 khay trà bằng đá, 3 chiếc nhiệt kế đo nhiệt độ, ấm trà, chén trà….
Theo bà Tống Dũng Huy, trà Đài Loan có nhiều loại và có 5 loại trà chính: Trà trắng, trà xanh, trà ô long, trà đen, “trà lên men”. Tất cả các loại trà này có cùng nguồn gốc từ cây chè và được pha từ cùng một lá trà. Sự khác biệt về hương vị giữa các loại trà chỉ xuất hiện sau quá trình chế biến. Riêng trà đạo công fu là đỉnh cao văn hóa trà Đài Loan. Đó là một nghệ thuật nghi lễ và khoa học nghiêm ngặt nhằm tạo ra một tách trà thơm ngon từ cùng một loại lá. Nhờ cách sử dụng trà, buổi lễ trà đạo công fu trở thành nghi thức đáng tin cậy nhằm đánh giá hương vị trà.
Tại buổi giới thiệu và trình diễn văn hóa trà, chúng tôi có dịp được thưởng thức trà Mỹ nhân Phương Đông, một loại trà duy nhất được sản xuất tại Đài Loan mang tên một nữ vương. Loại trà này chỉ thu hái một lần trong năm vào dịp tháng 6 và chỉ ở một số khu vực của Đài Loan. Một đặc điểm nữa là khi lá chè bị côn trùng cắn, để bảo vệ, cây chè đã tiết ra một thứ chất để dụ một loại nhện đến để ăn côn trùng, bảo vệ lá chè. Thật bất ngờ, những loại chất đó lại tạo cho lá chè một hương vị thật đặc biệt.
Được biết, trà Mỹ nhân Phương Đông có giá khá cao, khoảng 20 triệu đồng/1kg. Cũng như các loại trà khác, mỗi ấm trà có thể pha từ 4-6 lần thì Mỹ nhân Phương Đông có thể pha 4 lần để thưởng thức. Để tận hưởng đúng hương vị trà thì mỗi lần pha đòi hỏi thời gian ủ trà trong ấm khác nhau. Lượng trà cũng phụ thuộc vào số người thưởng thức.
Được trải nghiệm cách pha trà đúng kiểu Đài Loan khiến chúng tôi vô cùng thích thú bởi lẽ ở nhà, chúng tôi cũng thường pha trà đãi khách nhưng chúng tôi dường như không được chỉ dẫn và chỉ pha theo thói quen nên rõ ràng dù là trà gì đi nữa, của Việt Nam hay của nước ngoài, sẽ không bao giờ có được hương vị như mong muốn. Hay như, mặc dù, mỗi lúc rảnh rỗi, những người được cho là “sành” trà, ngồi trà chén nhẵn quán vỉa hè, cũng có lẽ khó có được một ly trà như ý.
Vì thế, pha trà đúng cách rất quan trọng. Nhưng, trong cuộc sống bận rộn hiện
nay, nhiều người e ngại, để pha một ấm trà đúng cách sẽ tốn nhiều thời gian. Thực tế thì không phải như vậy. Chỉ cần để ý một chút, chịu khó học hỏi một chút, tốn công ban đầu một chút, việc có được một ấm trà thơm, ngon, hương vị tinh tế không hề khó.
Hãy cùng trải nghiệm cách pha trà đạo công fu và các loại trà khác của người Đài Loan hợp lý mà đơn giản và có thể áp dụng cho các loại trà dưới đây:
- Đầu tiên tra phải được đong đo cẩn thận vì nếu lượng quá nhiều, trà sẽ bị đắng.
- Tất cả các đồ pha trà phải được tráng bằng nước sôi khiến trà không bị lạnh và mất hương vị khi pha.
- Cho trà vào ấm, dội nhanh nước sôi lên ấm để loại bỏ bụi (đây được coi là lần rửa ấm thứ hai và là một cách để tráng chén trà).
- Bước cuối cùng là pha trà. Bước này được lặp lại nhiều lần cho đến khi trà không còn hương vị.
Lưu ý: Mỗi loại trà cần độ nước sôi khác nhau, thông thường là 850C. Thời gian ủ mỗi lần pha trà cũng khác nhau. Ví như trà Mỹ nhân Phương Đông, thời gian ủ trà khi pha lần 1 là 50 giây, lần 2 là 40 giây, lần 3 là 1 phút và lần 4 là 1 phút 20 giây. Hương vị trà cũng rất khác nhau ở mỗi lần pha. Lần 1, trà Mỹ nhân Phương Đông có vị thơm dịu và ngọt của mật ong, lần 2 nếu người sành trà có thể nhận biết vị sâu cắn lá trà, lần 3 có thể cảm nhận được các loại côn trùng trên cây chè, lần 4 là vị gỗ, côn trùng và hoa quả do côn trùng mang đến và để lại trên cây chè.
Đặc biệt, người thưởng trà cũng không nên bỏ qua việc thưởng thức hương trà thơm trước khi uống trong lần pha đầu tiên bằng cách rót trà vào chén hoặc cốc “thử hương” rồi nâng chén lên mũi, hít hà nhẹ hương trà nhằm thỏa mãn khứu giác (giác quan đóng vai trò then chốt trong thử hương vị của con người).
Vào những ngày cuối tuần hoặc những dịp lễ tết, được thưởng thức một thức uống tinh tế, bỗng thấy cuộc đời dịu nhẹ, thơ thái lạ.