Lạc (đậu phộng) rất giàu chất dinh dưỡng và được mệnh danh là "hạt trường thọ". Ăn lạc thường xuyên sẽ có rất nhiều lợi ích cho cơ thể. Hạt lạc chứa chất béo, protein, đường, vitamin A, B6, E và khoáng chất phốt pho, canxi, sắt... Lạc cung cấp các chất như lecithin, axit amin, axit béo không bão hòa, carotene và choline cần thiết cho cơ thể.
Nó có thể giúp ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch như: huyết áp cao, bệnh tim, xuất huyết não… Đây cũng là loại thực phẩm có thể ngăn ngừa sự tích tụ cholesterol trong mạch máu và gây xơ cứng động mạch, thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể và giúp chúng ta sống thọ hơn.
Hạt lạc chứa rất nhiều Vitamin E, lecithin, protein cùng các dưỡng chất dễ hấp thu khác. Chúng là nền tảng của sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng và ngăn ngừa cơ thể rơi vào trạng thái suy dinh dưỡng do thiếu chất. Ngoài ra, Vitamin E còn hỗ trợ ngăn ngừa nếp nhăn, giúp chị em trẻ lâu và sống trường thọ hơn bình thường.
Trong hạt lạc sở hữu phong phú các loại axit amin như lysine hay axit glutamic tốt cho sức đề kháng. Chỉ cần ăn lạc thường xuyên, cơ thể sẽ ngày càng tăng cường khả năng miễn dịch và chống lại sự xâm nhập của các loại virus gây bệnh nguy hiểm. Hạt lạc cũng chứa hàm lượng beta-sitosterol (SIT) khá cao. Những chất này có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi ung thư bằng cách ức chế sự phát triển của khối u.
Có nhiều cách ăn lạc, phổ biến là lạc luộc, lạc rang, lạc tẩm gia vị... Hôm nay chúng ta hãy ăn lạc theo một cách khác, không chiên hay luộc mà cho thêm 3 quả trứng để tạo nên một món bánh ngon. Cách làm đơn giản mà bổ dưỡng, thơm ngon, ngay cả trẻ con cũng rất thích. Hãy cùng tham khảo cách thực hiện nhé!
Lạc: 200 gam
Trứng gà: 3 quả
Bột mì: 400 gam
Muối: 3 gam
Dầu ăn; hành lá thái nhỏ; bột tiêu
Bước 1: Hạt lạc sau khi rửa sạch thì vớt ra cho vào tô. Đập thêm 3 quả trứng vào đó và dùng đũa khuấy đều. Sau đó cho lạc và trứng vào máy xay, thêm 200 ml nước, xay nhuyễn thành hỗn hợp bột lạc. Bạn có thể xay nhiều lần, hương vị sẽ tinh tế và thơm ngon hơn. Sau khi xay xong hãy đặt sang một bên.
Bước 2: Lấy một cái tô lớn sạch, đổ 400 gam bột mì và 3 gam muối vào dùng đũa khuấy đều. Cho phần lạc đã xay nhuyễn vào để nhào bột. Vừa đổ vừa dùng đũa khuấy đều. Sau khi cho hết phần lạc đã xay vào bột thì cho 10 gam dầu ăn vào. Nhào đều tay để tạo thành khối bột mịn có độ cứng vừa phải.
Bước 3: Phết một ít dầu ăn lên mặt bột để bột không bị khô. Sau đó dùng màng bọc thực phẩm bọc lại và để bột nghỉ 1 tiếng.
Trong thời gian bột nghỉ, chúng ta chuẩn bị hỗn hợp bột mỡ hành. Bạn cho 30g bột mì, một thìa cafe bột tiêu, nửa thìa canh muối, hành lá đã thái nhỏ vào tô. Sau đó bạn đun nóng già khoảng 3 thìa canh dầu ăn và đổ vào. Dùng đũa khuấy đều là hỗn hợp.
Bước 4: Bột sau khi ủ, bạn lấy ra để lên mặt phẳng sạch. Không cần nhào lại bột mà tạo luôn thành dải dài. Sau đó cắt thành nhiều miếng nhỏ có kích thước đồng đều. Lúc này bạn nhào lại từng phần bột nhỏ và vê lại thành hình tròn.
Bước tiếp theo phết một lớp dầu ăn lên mặt phẳng để chống dính cho bột. Sao đó cho từng phần bột lên dùng dụng cụ cán bột dàn phẳng thành hình chữ nhật có độ dày khoảng 1-2mm.
Bước 5: Dùng thìa lấy một ít bột mỡ hành, phết đều lên mặt bột đã cán. Sau đó tạo hình miếng bột lại như gấp một chiếc quạt giấy origami.
Sau khi gấp xong, véo hai đầu dải bột và kéo dài từ từ bằng một lực nhỏ. Đồng thời đập nó xuống vài lần trong khi kéo dài (tương tự như kéo dài mì ramen). Chỉ cần kéo dài ra thêm gấp rưỡi rồi cuộn tròn một đầu lại. Khi đã cuộn xong thì ấn đầu cuối của dải bột xuống dưới rồi dùng tay ấn nhẹ vào là đã có ngay một chiếc bánh. Sau khi toàn tạo hình xong cho những chiếc bánh, dùng màng bọc thực phẩm bọc lại và để nghỉ khoảng 10 phút.
Bước 6: Làm nóng chảo, không cần phết dầu. Lần lượt cho các phần bánh vào, có thể dùng tay ấn nhẹ để khi chín sẽ vàng đều khắp mặt bánh. Bạn áp chảo bánh ở mức lửa nhỏ trong khoảng 3 phút. Khi mặt bánh đã vàng thì lật mặt kia áp chảo tiếp với khoảng thời gian tương tự.
Bước 7: Khi cả 2 mặt bánh đã vàng, bạn lật đi lật lại bánh thêm vài lần nữa để bánh chính chính hoàn toàn, vàng đều. Bạn có thể dùng xẻng ấn vào thấy vỏ bánh giòn, các phần nếp gấp trong, có độ mềm nhất định thì bánh chín hẳn. Lấy bánh khỏi chảo và bày ra đĩa. Lúc này bạn sẽ có những chiếc bánh vàng thơm nức mùi lạc và hành lá, nhìn rất ngon miệng.
Món bánh lạc làm theo cách này giòn bên ngoài, mềm bên trong và rất nhiều lớp. Vỏ bánh có thêm lạc nên ăn rất thơm ngon lại bổ dưỡng hơn. Chắc chắn món bánh lạc này khi làm ra ngay cả trẻ nhỏ cũng sẽ yêu thích.
Mẹo nhỏ cho bạn khi làm bánh lạc:
Thêm muối vào bột có thể làm tăng gluten cho bột. Cách làm bánh này không cần phải cho men để nhào bột.
Bột sau khi nhào xong cần để đủ thời gian nghỉ để bột nở ra, dễ cán mỏng và to hơn. Lớp bánh cần đủ dày dặn, thơm ngon, để khi nguội không bị cứng.
Đây là một món bánh bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe, bạn hãy làm ngay cho gia đình mình thưởng thức nhé!
Chúc các bạn thành công và ngon miệng với món bánh !
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn