Không chỉ là ma túy tem giấy

11:44 | 18/09/2016;
Trang Facebook của tôi tuần rồi dày đặc bài viết về “kinh hoàng tem giấy dán lưỡi” do mọi người share. Đúng là những dòng tin quá sốc, đánh thẳng vào tim bất cứ ba mẹ nào. Đúng là tem giấy LSD rất nguy hiểm, là một trong những loại ma túy mạnh. Nhưng...

Các báo hùa nhau gây nên một cơn chấn động lớn, nào là: Ma túy tem giấy dán lưỡi “bủa vây trước cổng trường” “giá quá rẻ và dễ mua như kẹo”, “bán tràn lan và dễ dàng mua được”, “tem giấy tràn vào học đường”, “bán công khai trước cổng trường” “Mua dễ như rau” “Tem giấy dễ tiếp cận và dễ sử dụng nên được giới trẻ đón nhận rầm rộ”...

5634_tem_giay_2.jpg

Ba mẹ share về FB, tag ngay con vào. Những bữa cơm chiều trở thành màn “lên lớp”, dọa dẫm rằng là “nguy hiểm ghê gớm”, rằng là “chết rồi thế này thì sao mà tôi có đầu óc nào để mà đi làm kiếm tiền nữa!”. “Hay là sáng đưa con tới trường rồi ngồi ở cổng trường đợi con, tới chiều đưa con về tận nhà!”. Lo lắng và căng thẳng.

Một học sinh liên lạc với tôi, kể nhóm bạn vừa manh nha dự tính tự đi học, hay có kế hoạch làm thêm, học thêm gì đó bị cấm tiệt, vì nơi nào ba mẹ cũng nhìn thấy cạm bẫy.

Đúng là tem giấy LSD rất nguy hiểm, là một trong những loại ma túy mạnh nhất hiện nay. Nhưng nó hoàn toàn KHÔNG BÁN LA LIỆT TRƯỚC CỔNG TRƯỜNG VÀ CŨNG KHÔNG DỄ MUA!

Tới giờ này, tôi chưa gặp được ai “mua tem giấy dễ như mua rau”, “dễ như mua kẹo”, cũng chưa nhìn thấy trường học nào “bị tem giấy bủa vây và tràn vào trường” hết.

Bạn nào có thông tin về những trường học đó vui lòng liên lạc với tôi ngay nha, để tôi xuống tận nơi xem nó “tràn vào”, nó “bủa vây” thế nào nha!

Bản năng bào vệ, bản năng duy trì sự sống làm chúng ta luôn chú ý tới những tin nguy hiểm, những tin tiêu cực nhiều hơn. Và báo chí, do chiều theo thị hiếu, do sức ép đếm view cứ giật đùng đùng mọi chuyện lên như thể tất cả sắp chết tới nơi.

Cũng như vài tháng trước, bài viết về trẻ bị bắt cóc cướp giật em bé ngay trên tay mẹ, ngay lập tức công phá lớn như trái bom ngàn cân, hàng chục ngàn lượt share. Bất cứ góc chợ, cổng siêu thị, trung tâm học thêm, nơi đón con ở trường học nào cũng nghe kể lại.

Rồi câu chuyện em bé bị một tên vô lại lạm dụng tình dục trẻ em được lan truyền khắp nơi. Nay lập tức có những clip làm thế nào để vùng chạy khỏi tay 1 kẻ bắt cóc, làm thế nào để tránh người lạ, được ba mẹ bắt teen thuộc lòng.

Tuy nhiên, đa phần thì nguy hiểm không tới từ người lại nhiều bằng tới từ người quen biết! Có thống kê rằng 93% những kẻ lạm dụng trẻ em là không phải người lạ, nạn nhân biết thủ phạm là ai. Trong đó: 34.2% là thành viên trong gia đình. 58.7% là người có quen biết với trẻ. Chỉ 7% trong số các kẻ bạo hành là người lạ. Nếu chúng ta chỉ tập trung phòng tránh người lạ thì vẫn còn tới 93% nguy cơ đáng sợ hơn đang rình rập :’(

Năm nào cũng có nỗi lo mới, ngoài những nỗi lo thường trực từ ngàn năm. Năm kia là thuốc ho Recotus, (loại thuốc ho này đúng là dễ mua vì nó bán hợp pháp trong các nhà thuốc), một số (rất ít) học sinh lạm dụng, uống để tìm cảm giác lâng lâng. Rồi khí cười, bóng cười (funkyball) - bơm khí nitrous oxide (N2O) hít vào để cười, rồi mới nhất tuần này là tem dán...

“Thế giới ngầm” luôn đi trước luật pháp và các nhà quản lý một bước. Sự thật là chúng ta sẽ cứ hết phải đối mặt với nguy cơ này rồi lại đối mặt với nguy cơ khác, cái sau càng ngày càng có vẻ nguy hiểm hơn cái trước :’(

Làm sao để con cái chúng ta có thể mạnh mẽ và tỉnh táo để vượt qua những cạm bẫy chết người này?

Thứ 5 tuần rồi tôi trả lời HTV9, về stress trẻ em. Người lớn thường hay nói: “Tuổi học trò vô tư, hồn nhiên, thời gian đi học là sung sướng nhất, chẳng có gì mà phải âu lo, muộn phiền!”. Không hẳn như thế. Tuổi nào thì cũng có nỗi buồn của tuổi ấy!

Tuổi học trò thường có những cảm giác trống rỗng trong lòng. Các con thường bị ba mẹ và thầy cô ép học thật giỏi, đạt thật nhiều kiến thức trong đầu, nhưng kỹ năng sống thì chẳng coi trọng, và quan trọng nhất là tình yêu thương thì hầu như lúc nào cũng thiếu thốn.

Và chính vì cảm giác thiếu thốn tình yêu thương, cảm giác trống rỗng trong lòng, dễ tìm tới hay dễ bị rủ rê vào những loại ma túy nguy hiểm.

a4de_ich-mau-loi-nhi-tinh-me.jpg

Thế nên, cái cần nhất không phải là share về những bài báo để nâng cao cảnh giác, mà phải là đi trước khi nó tung hoành. Ba mẹ nên tìm cách để cho con cái nghiền ba mẹ trước đi, để ma túy, nghiện games online và các tệ nạn xã hội khác không còn đường mà chen chân vào con mình!

Nhớ hôm tới nhà cô Hồng Anh, Xu Sim cùng anh Mộc và Như Tường ngồi nghe cô Hồng Anh hỏi 1 câu rất triết: “Học để làm gì?” 5 cô cháu thảo luận suốt 1 buổi, và rồi cả nhóm kết luận: Chúng ta đi học không phải để đi thi, không phải để hơn con nhà người ta, mà sao cho chính mình HIỂU BIẾT ĐỂ SỐNG TỬ TẾ VÀ KHỎE MẠNH hơn!

Vậy thì, đừng chỉ lo học để thi, hay học để hơn con người ta! Học như thế, có thể con sẽ không có nhiều bạn bè tốt, không có sức mạnh nội tâm đủ lớn, không biết trân trọng yêu thương sự sống của mình, hay sự sống của người khác!

Và điều đó thì đáng sợ hơn ma túy!

https://www.facebook.com/thu.ha.39545464/posts/1312207432137194

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn