Về vấn đề này, chuyên viên pháp lý Phạm Hồng Thía (THƯ VIỆN PHÁP LUẬT) giải đáp:
Căn cứ khoản 1 Điều 6 và điểm d khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, trường hợp không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh (trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác) thì người sử dụng lao động bị xử phạt như sau:
- Đối với người sử dụng lao động là cá nhân thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
- Đối với người sử dụng lao động là tổ chức thì mức tiền phạt là gấp đôi cá nhân vi phạm (bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng).
Đồng thời, theo điểm a khoản 3 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, buộc người sử dụng lao động trả tiền lương cho người lao động nữ tương ứng với thời gian người lao động nữ không được nghỉ trong thời gian hành kinh theo quy định của pháp luật.
Căn cứ khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, nghỉ trong thời gian hành kinh của lao động nữ được quy định như sau:
- Lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động.
- Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định nêu trên thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
- Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn