Sinh ra tại xã Tân Thạnh Tây (Củ Chi, TPHCM), vậy nhưng khi đã bước sang tuổi lục tuần, bà Gái vẫn chỉ quanh quẩn ở cái nơi chôn nhau cắt rốn này. Bà kể: “Chồng tôi là một người lính. Khi kết hôn, ổng không có gì ngoài những vết thương do chiến tranh để lại. 4 đứa con lần lượt ra đời, gia đình nghèo khó nhưng đùm bọc lẫn nhau, làm đủ nghề để sống”. Khi cậu con trai út chuẩn bị bước vào lớp 6, chồng bà mất sau một thời gian lâm bệnh. Kể từ đó, mọi gánh nặng dồn cả lên đôi vai gầy của người mẹ.
Bà Gái đang điều trị tại viện (ảnh chụp tháng 6/2014)
Gần 15 năm vừa làm mẹ, vừa làm cha của 4 đứa con, bà Gái làm đủ mọi nghề để mưu sinh. “Khi đó, nghề chính của tôi là dệt chiếu theo đơn đặt hàng tại các chợ, nhưng để có thêm tiền nuôi con, tôi tranh thủ ai thuê gì làm nấy. Sau này, khi con lớn hơn một chút, tôi chuyển qua bán xôi và bắp cho đến bây giờ. Dậy từ 3 giờ sáng chuẩn bị nấu, tới 5 giờ thì dọn hàng, khoảng 9 giờ là hết, rồi về nhà lo đi chợ nấu cơm. Gần 10 năm rồi, cuộc sống trôi đi như thế”, bà Gái tâm sự.
Những tưởng sẽ được an hưởng tuổi già khi các con đều đã trưởng thành và có mái ấm riêng, thế nhưng căn bệnh ung thư tử cung ập đến khiến bà Gái không kịp chuẩn bị bất kỳ điều gì. “Đó là một ngày cuối tháng 7 cách đây 2 năm. Khi tôi đang bán xôi, bỗng nhiên máu ra quá trời. Không ai biết chuyện gì xảy ra. Mọi người thuê xe chở tôi lên bệnh viện ở Củ Chi rồi họ chuyển thẳng tôi tới Bệnh viện Hùng Vương. Sau vài xét nghiệm, họ nói tôi bị ung thư tử cung, cần phẫu thuật điều trị gấp. Tôi nghĩ mình đã lớn tuổi, nghe thấy ung thư cũng không hy vọng gì nên từ chối điều trị. Các bác sĩ giải thích, khuyên nhủ, các con cũng động viên, cuối cùng tôi đồng ý. Sau phẫu thuật, họ nói u của tôi lành, không cần xạ trị nhưng phải tái khám 3 tháng 1 lần, sau đó là 6 tháng”.
Bệnh đã di căn sang phổi?
Trở về khi vừa bước qua “cửa tử”, bà Gái lại tiếp tục công việc quen thuộc: Bán xôi kiếm sống và chăm sóc các cháu. Trong suy nghĩ của bà, “đó là lần nhập viện đầu tiên và có lẽ cũng là lần cuối cùng, trước khi tôi “về” với chồng”. Dù nhà xa, giao thông đi lại khó khăn và khá tốn kém nhưng bà Gái chưa bao giờ bỏ lịch hẹn tái khám, bởi “có bệnh thì phải lo, tái khám để biết có gì bất thường. Bác sĩ bảo vậy nên tôi tuân thủ lắm”. Vừa nói, bà Gái vừa lật cho tôi xem cuốn sổ nhỏ xíu ghi lại chi tiết từng ngày, tháng trong mỗi lần bà trở lại bệnh viện tái khám.
Kể về việc “bỗng dưng” bị chuyển qua Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bà Gái cho biết: “Trong lần kiểm tra mới đây, họ bảo phát hiện thấy một vết nám nhỏ ở phổi nên chuyển tôi qua đây. Tôi ở phòng này được gần 10 ngày rồi nhưng bác sĩ bảo phải ở thêm 3 ngày nữa mới có kết quả. Tôi không thấy triệu chứng gì cả, vẫn khỏe lắm nhưng xin về thì họ không chịu. Mỗi ngày, y tá vào phát cho tôi 3 lọ thuốc gì đó, uống sáng, trưa, chiều. Tôi sợ bệnh của mình đã di căn lên phổi, chắc bác sĩ đã có kết quả rồi nhưng họ muốn giấu tôi?”.
Chưa kịp trả hết khoản nợ phải mượn trong lần phẫu thuật điều trị 2 năm trước, bà Gái lại phải gom hết số tiền ít ỏi dành dụm từ gánh xôi để chi trả cho khoản tạm ứng khi nhập viện. Trong phòng bệnh nồng nặc mùi cồn, bà gấp gọn bộ đồ bệnh nhân, để lên đầu giường rồi nói: “Sáng dậy là tôi đi xin cơm và nước uống, con cái đến thăm rồi về vì tôi rất khỏe, không có dấu hiệu gì là đang mang bệnh cả. Tôi không thích mặc đồ bệnh viện, khi nào y tá vào chích thuốc, tôi mới mặc”.
Nhìn những người bệnh cùng phòng đang ngủ thiếp đi, bà Gái nhẹ giọng: “Ở cái tuổi này, tôi không còn sợ hãi với bất kỳ điều gì nữa. Nếu kết quả đã di căn sang phổi, tôi cũng không buồn vì tôi nghĩ ai cũng có số mạng hết. Nếu bệnh ở giai đoạn đầu, có thể tôi sẽ đồng ý tiếp tục chữa trị nhưng nếu đã quá muộn, tôi muốn dành thời gian còn lại để trở về với cuộc sống thường ngày của mình, bán xôi và vui vẻ bên con cháu”.
TS.BS Nguyễn Hữu Lân (Phó giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TPHCM) |
Ung thư phổi là bệnh lý ác tính ở hệ thống phế quản - phổi. Triệu chứng thường gặp là ho, ho ra máu, khó thở, đau ngực, khó nuốt, sút cân nhanh… Các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư phổi: Khói thuốc lá đến nay là yếu tố nguy cơ chính và quan trọng nhất đối với bệnh ung thư phổi, nó gây ra hơn 80% của tất cả các ca ung thư phổi trên toàn thế giới. Hít phải khói thuốc lá cũng có thể gây ung thư phổi ở những người không hút thuốc. Một người tiếp xúc càng nhiều với khói thuốc lá, nguy cơ bị ung thư phổi càng cao. Các yếu tố nguy cơ khác của bệnh ung thư phổi bao gồm radon (một khí phóng xạ hoạt tính), amiăng, thạch tín, crôm, niken và ô nhiễm không khí. Những người có các thành viên gia đình bị ung thư phổi có thể tăng nhẹ nguy cơ mắc bệnh. Điều trị ung thư phổi phụ thuộc vào giai đoạn và loại tế bào ung thư phổi. Các phương pháp điều trị ung thư bao gồm: Phẫu trị; Xạ trị; Hóa trị (lựa chọn bao gồm kết hợp các loại thuốc); Liệu pháp nhắm trúng đích; Điều trị ung thư phổi thường kết hợp nhiều phương pháp điều trị. Khi thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng hô hấp nào ở bệnh nhân hút thuốc, người trên 40 tuổi, đều phải nghĩ đến ung thư, đặc biệt khi có thay đổi tính chất ho, ho máu, đau ngực không đáp ứng giảm đau… nhất là khi có kèm theo hội chứng trung thất, hạch to và tràn dịch màng phổi. Bệnh nhân cần đến các trung tâm y tế để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị kịp thời. |