Không công bố đề thi minh họa, Bộ GD-ĐT đánh đố cả thầy lẫn trò

17:17 | 09/10/2017;
Thêm phạm vi ôn tập chương trình lớp 11, nhưng không công bố đề minh họa kỳ thi THPT Quốc gia 2018, điều này đang khiến nhiều phụ huynh và ngay cả các giáo viên hoang mang, lo lắng.

“Thêm chương trình lớp 11, đề sẽ thế nào?”

Có con đang học lớp 12 nên thông tin đề thi sẽ mở rộng cả kiến thức trong chương trình lớp 11, nhưng lại không công bố đề thi minh họa khiến chị Hà Phương (Ngã Tư Sở, Hà Nội) lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Con sẽ không biết phải ôn tập trong phạm vi nào của lớp 11? Nếu phải ôn toàn bộ chương trình lớp 11 thì quá nặng. Đây chính là lý do khiến tôi cũng như nhiều phụ huynh khác muốn Bộ GD&ĐT sẽ công bố đề thi minh họa để giải tỏa tâm trạng lo lắng cho cả phụ huynh và các con.

Không chỉ phụ huynh hoang mang mà hầu hết giáo viên luyện thi cho HS năm nay cũng băn khoăn. Điều đầu tiên là sẽ tạo tâm lý không yên tâm cho cả cô và trò khi chỉ vài tháng nữa sẽ bước vào kỳ thi.

Một trong những lo lắng lớn nhất, theo cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên Lịch sử, trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), là tính công khai, minh bạch trong việc ra đề cũng như sự lúng túng trong việc ôn và luyện thi của học trò.

“Việc đề thi có chương trình lớp 11 sẽ làm cho đề thi phong phú, có biên độ rộng và có thể là phân hóa tốt hơn. Vì Bộ không công bố nên cô trò đành xoay bằng cách tham khảo các đề thi năm ngoái, thêm các câu hỏi chương trình lớp 11 để luyện cho các em”- cô Thảo chia sẻ.

Thí sinh thi THPT Quốc gia 2017. Ảnh minh họa 

Còn theo thầy Nguyễn Cao Cường, giáo viên dạy Toán luyện thi tại Hà Nội, việc ra đề minh họa là cần thiết, từ đó giúp giáo viên và học sinh còn xác định được việc dạy và học. Nếu dạy đúng chương trình thì học sinh chỉ có nửa tháng 5 và nửa tháng 6 để ôn lại phần kiến thức lớp 11 mà khối lượng kiến thức lớp 11 tương đối lớn.

“Đây là năm thứ 2 triển khai thi môn Toán theo hình thức trắc nghiệm và theo lộ trình là có kiến thức lớp 11. Vậy thi những nội dung nào? Phân bổ điểm cho lớp 11 là bao nhiêu? 30%, 25% hay thấp hơn, cao hơn? Bên cạnh đó, số câu vận dụng cao cho lớp 11 là bao nhiêu câu?” -  thầy Cường băn khoăn.

Thầy Cường cho rằng, nếu Bộ không công bố đề thi minh họa sẽ không công bằng cho các thí sinh. Thí sinh cần biết để việc ôn tập được thuận lợi và hiệu quả. Giáo viên cũng cần biết để việc dạy học và thiết kế các đề ôn tập phù hợp với yêu cầu đề thi. Bên cạnh đó là sự yên tâm của phụ huynh học sinh, dư luận xã hội.

Trong khi đó, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy luyện thi Hóa học, sẽ không thuyết phục khi Bộ GD&ĐT cho rằng, định dạng đề thi THPT 2018 sẽ giống với năm 2017. Băn khoăn của giáo viên và học sinh là có cơ sở khi từ 2015 trở lại đây, việc thi cử thay đổi nhiều về hình thức lẫn nội dung.

Nam giáo viên cho rằng, năm nay thầy cô, học sinh không nắm được ma trận đề thi ra sao, lượng kiến thức lớp 11 chiếm bao nhiêu phần trăm và xuất hiện ở dạng câu hỏi như thế nào. Nếu không có đề minh họa, học sinh và giáo viên khó nắm được tỷ lệ phần trăm kiến thức phân bổ trong đề thi.

“Nếu không công bố đề minh họa, ít nhất Bộ nên công bố tài liệu ôn tập, tương tự các cuốn cẩm nang hướng dẫn thi tốt nghiệp dành cho học sinh như trước khi gộp 2 kỳ thi”- thầy Ngọc nói.

Cần thiết phải có đề minh họa

Với những băn khoăn trên, nhiều giáo viên bày tỏ nguyện vọng muốn Bộ công bố đề thi minh họa như các năm trước. Nếu Bộ chỉ ban hành một hướng dẫn chung chung thì chẳng khác gì “đánh đố” cả giáo viên và học sinh.

Cô Huyền Thảo đề nghị Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa, với nội dung lớp 11-12 có tỷ lệ 30-70%. Ngoài ra, để ôn thi hiệu quả môn Lịch sử, giáo viên và học sinh nên tập trung ôn tập vào những kiến thức cơ bản, vấn đề chính của từng bài, đồng thời đọc kỹ sách giáo khoa.

“Các em nên tập trung vào chương trình lớp 12, rồi đan xen với lớp 11. Lịch sử lớp 12 là tiếp nối của 11 và nhiều kiến thức của lớp 12 phải lồng thêm kiến thức 11 mới có thể hiểu được. Nên giáo viên sẽ đưa kiến thức lớp 11 có liên quan để giảng cho HS hiểu. Từ đó các em vừa học, vừa ôn và kiến thức được tổng hợp lại”- cô Thảo đưa ra lời khuyên.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần thiết phải có đề minh họa năm nay, các giáo viên cho rằng, nếu yêu cầu các em ôn tập cả chương trình lớp 11 thì quá nặng, mà tự ý ôn trọng tâm phần này, bỏ phần kia cũng không được vì sẽ rất mạo hiểm. Việc công bố đề minh họa chỉ cần một lần thay vì công bố hai lần như năm trước.

Trong trường hợp nếu Bộ GD&ĐT vẫn không công bố đề thi minh họa thì cần có hướng dẫn cụ thể về tỷ lệ phần kiến thức của lớp 11 là bao nhiêu, yêu cầu mức độ kiến thức như thế nào, đặc biệt là một số môn mới đưa vào thi trắc nghiệm từ năm 2017 như Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân... để giáo viên và học sinh có thể định lượng và chủ động hơn trong việc ôn tập.

Theo các giáo viên, đến khi nào việc ôn tập ổn định về phạm vi ôn tập, định hướng ôn tập, ma trận đề thi… thì lúc đó Bộ mới tính đến việc dừng công bố đề thi minh họa. Còn nếu như chương trình ôn tập vẫn tiếp tục mở rộng ra các lớp 11 và cả lớp 10 trong những năm tới, thì việc có đề minh họa vẫn là một phương án cần thiết, đồng thời là liều thuốc tâm lý hữu hiệu cho sĩ tử trước mùa thi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn