Không dám có bạn trai vì sợ kết cục buồn

11:49 | 01/02/2016;
Vì định kiến mà một số bạn gái lo sợ khi cơ thể không có đầy đủ vài đặc điểm sinh dục thứ phát, sau khi đã qua tuổi dậy thì.
Atx---Khimaihien.jpg

Nếu không có lông mu nhưng vẫn có kinh nguyệt thì chức năng làm vợ và làm mẹ có thể hoàn toàn bình thường (Ảnh minh họa)

Dấu hiệu tuổi dậy thì

Tuổi dậy thì đánh dấu giai đoạn chuyển biến từ bé gái để trở thành thiếu nữ, thông thường khoảng từ 9 đến 13 tuổi. Cơ thể người con gái có những sự thay đổi rõ rệt: 2 tuyến vú phát triển to lên, lông xuất hiện ở nách và cơ quan sinh dục. Dấu hiệu đặc trưng và quan trọng nhất của tuổi dậy thì là hiện tượng kinh nguyệt. Độ tuổi dậy thì có thể khác nhau ở từng người nhưng nếu đến 18 tuổi mà vẫn chưa thấy xuất hiện những đặc điểm kể trên thì cần phải đi khám để tìm nguyên nhân.

Lông mu được xếp vào nhóm đặc điểm sinh dục thứ phát. Ở phụ nữ, lông mu xếp theo hình tam giác với đáy ở trên và đỉnh quay xuống dưới. Lông mu chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố như nội tiết, di truyền và chủng tộc. Một số ít trường hợp phụ nữ đã qua tuổi dậy thì mà vẫn không có lông mu, có thể gặp 2 dạng sau:

Thứ nhất: Kinh nguyệt và các đặc điểm sinh dục thứ phát khác bình thường. Nhóm này có thể coi là bình thường và chức năng sinh sản ít bị ảnh hưởng. Không có lông mu có thể là do các nang lông ở đây không có thụ thể hoặc các thụ thể không đáp ứng với nội tiết tố.

Thứ hai: Không có kinh nguyệt, không có lông nách, hệ thống sinh dục không phát triển hoàn thiện (không có buồng trứng, tử cung, cổ tử cung và âm đạo thì thường không có hoặc rất ngắn), bộ phận sinh dục ngoài là nữ, tuyến vú có thể phát triển bình thường, cho ra kiểu hình nữ nhưng thực ra đây lại là một người đàn ông với bộ nhiễm sắc thể là 46XY. Vì sao một cá thể 46XY mà không có biểu hiện nam tính mà lại cho ra kiểu hình nữ? Có thể trong cơ thể nhóm này thiếu nội tiết tố nam testosterone hoặc các thụ thể không đáp ứng với testosterone. Lượng nội tiết tố nữ estrogene được tinh hoàn tiết ra vẫn đủ để tuyến vú và bộ phận sinh dục ngoài phát triển. Tất nhiên, nhóm này không thể có con. Những trường hợp này nên đi khám để tìm vị trí của tinh hoàn. Nếu tinh hoàn còn nằm trong ổ bụng thì cần phải cắt bỏ để tránh biến chứng ung thư hóa của tinh hoàn.

Định kiến sai lầm

Nếu chưa quá 18 tuổi, các bạn gái có thể chờ đợi. Còn nếu không có lông mu nhưng vẫn có kinh nguyệt thì chức năng làm vợ và làm mẹ có thể hoàn toàn bình thường. Nhóm này rất thường gặp. Tuy nhiên, trong cuộc sống, họ lại chịu rất nhiều định kiến khắt khe. Nào là sẽ khiến chồng luôn gặp xui xẻo, hay ly kỳ hơn là chỉ cần “tra kiếm vào chiếc vỏ vô mao” là có thể chết bất đắc kỳ tử, hoặc độc địa hơn là “thứ ấy vừa không thể sinh con vừa khiến gia đình chồng mạt vận”… Những quan niệm này rõ ràng là vô căn cứ. Đã có không ít trường hợp tan vỡ khi người chồng phát hiện chỗ kín của vợ nhẵn nhụi như trẻ con. Cũng vì những định kiến này mà có nhiều bạn gái đã không dám có bạn trai vì sợ một kết cục buồn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn