Không dám nghỉ hưu vì phải bao bọc con

11:55 | 03/08/2015;
Bà Tuyên dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục bị trói buộc vào các lớp dạy thêm vì bà sợ nếu mình không mở lớp, các con bà biết trông vào đâu, rồi nhỡ bà ốm đau thì lấy đâu tiền thuốc men.

Bà Tuyên là giảng viên một trường cao đẳng. Bà dạy giỏi nên kiếm được rất nhiều tiền từ các lớp luyện thi. Có bao nhiêu tiền, bà dồn cả vào mua đất, mua vàng. Khi con cái học trung học, vợ chồng bà đã có một ngôi nhà 3 tầng khang trang mặt phố, 3 suất đất liền kề trong khu đô thị mới, và sổ tiết kiệm hơn 20 cây vàng.

Nhưng số tài sản ấy dường như chưa đủ, bà Tuyên vẫn ra sức mở lớp dạy thêm. Hậu quả là bà luôn trong tình trạng mệt mỏi, bơ phờ vì làm việc quá sức. Hằng đêm, bà thức tới 1-2 giờ sáng soạn giáo án luyện thi là chuyện thường.

Bà than thở, càng ngày các kỳ thi càng ra đề phức tạp, học trò bỏ tiền ra cũng đòi hỏi cao hơn, nên mình luôn phải cập nhật kiến thức nâng cao, rất áp lực. Bà chảy máu dạ dày phải vào bệnh viện cấp cứu nhưng bà đổ tại cái hạn tuổi 49, chứ không chịu nhìn nhận là mình làm việc quá tải triền miên. Bà cũng bị viêm họng mạn tính và chớm mắc bệnh tim, nhưng lại đổ tại bệnh nghề nghiệp.

Bà Tuyên bị trói buộc vào các lớp dạy thêm vì bà sợ nếu mình không mở lớp, các con bà biết trông vào đâu. Ảnh minh họa

Trong khi đó, con trai bà đi học đại học thì sống như một thiếu gia. Bà thuê cho con một chỗ ở riêng, không ở chung trong ký túc xá với bạn, cộng tiền học, tiền ăn, tiền chơi, mỗi tháng chi cho cậu quý tử không dưới 15 triệu đồng.

4 năm học đằng đẵng qua đi, đến nay cậu quý tử tốt nghiệp, bà không dám cho cậu xin việc ở Thủ đô, cách nhà bà 50 km vì sợ cậu hư hỏng. Hình như trong sự bao bọc quá đáng của bà, cậu con trai 22 tuổi vẫn chưa thực sự lớn.

Con gái bà đã có việc làm, lấy chồng và sinh con, nhưng hàng tháng bà Tuyên vẫn đều đặn chu cấp cho con gái 5 đến 7 triệu đồng, gọi là tiền bỉm sữa. Bà cũng đang chuẩn bị dồn tiền để mua căn hộ chung cư cho vợ chồng con gái ở.

Cứ như vậy, giờ đây đến tuổi về hưu, bà Tuyên vẫn không được nghỉ ngơi, đi du lịch như bà từng mong ước. Bà vẫn tiếp tục bị trói buộc vào các lớp luyện thi vì bà sợ, nếu mình không mở lớp, các con bà biết trông vào đâu, rồi nhỡ ra ốm đau thì lấy đâu tiền thuốc men...

Bà Tuyên chỉ là trường hợp điển hình của sự chiều con thái quá. Thực tế, không ít bậc cha mẹ cũng đang bị ý nghĩ con cái chưa trưởng thành, cần bố mẹ hỗ trợ như thế. Họ bị trói chân vào việc kiếm tiền kể cả khi đã nghỉ hưu, suốt đời cặm cụi kiếm tiền và kiếm tiền chỉ để phục vụ cho các con mà quên nhu cầu bản thân.

Thay vì lo dựng lên những tấm lá chắn bao bọc quanh con, để rồi suốt đời lo đi chống giữ, các bậc cha mẹ hãy dám thay đổi và sống hạnh phúc hơn với chính mình. Có như vậy, con cái cũng sẽ hạnh phúc hơn.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn