Không đặt mua online, bỗng mất 79.000 đồng cho 1 chiếc kẹp giấy

14:13 | 09/01/2019;
“Mẹ mình ở nhà không biết nên nhận một đơn hàng mà mình không hề đặt. Vì giá trị đơn hàng không lớn (79.000đ) nên mẹ trả tiền cho bên giao hàng luôn mà không gọi hỏi lại. Khi mở gói hàng được ghi là “phụ kiện thời trang” ra thì chỉ có... 1 cái kẹp giấy”, chị L.D (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ câu chuyện của mình liên quan đến việc mua hàng qua mạng.

Chiếc kẹp giấy 79.000đ…  “từ trên trời rơi xuống”

Đơn hàng mà chị L.D nhận được nhìn bề ngoài rất chuyên nghiệp, được dán nhãn và ghi đầy đủ đơn vị gửi hàng. Hóa đơn có địa chỉ từ SenGo (nền tảng vận chuyển của Sendo), còn cửa hàng gửi đồ cho chị thì ghi là “Shop Hàng hót”, đầy đủ số điện thoại và địa chỉ từ Thái Nguyên.

 

d1.jpg
Đơn hàng oái ăm mà chị L.D. bất ngờ nhận được. Ảnh: NVCC 

Tuy nhiên, khi chị L.D gọi số điện thoại ghi trên hóa đơn thì không liên lạc được, tra địa chỉ thì lại ra… cửa hàng phụ tùng ô tô. Khi gọi điện cho Giao hàng nhanh công ty chuyển hàng thì chị L.D truy ra nguồn hàng từ Sendo.

Vấn đề đáng nói ở chỗ, chị L.D chưa bao giờ đăng ký tài khoản mua hàng trên Sendo và chưa có bất kỳ hoạt động mua bán gì trên trang này nên không thể hiểu là tại sao Sendo lại có được tài khoản mua hàng của chị.

“Thông thường để mua bán trên các chợ online thì phải có xin xác nhận đơn hàng qua nhiều kênh (tài khoản trên app, email) nhưng tôi đâu có tài khoản gì nên đương nhiên không xác nhận ở kênh nào hết. Vậy Sendo căn cứ vào đâu để xác lập đơn hàng? Sendo xác minh các cửa hàng trên hệ thống của mình như thế nào mà để shop gửi cho khách hàng một cái kẹp giấy với giá 79.000đ?” – chị L.D. băn khoăn.

d2.jpg
Chiếc kẹp giấy trị giá 79.000đ đến từ SenGo - đơn vị vận chuyển của Sendo 

Sau sự cố, chị L.D cho biết đã gọi cho tổng đài Sendo và được tư vấn viên xác nhận đơn hàng với mã số chị cung cấp đúng là từ Sendo. Sendo cũng xác nhận việc chị L.D. không hề có lịch sử giao dịch và chưa từng đăng ký tài khoản nào trên hệ thống.

“Tuy nhiên, Sendo cho rằng mình chỉ là bên trung gian, nền tảng SenGo hoạt động như dịch vụ bưu điện, trong đó có chức năng chuyển hàng cho các shop và thu tiền hộ nên họ không chịu trách nhiệm về vấn đề phát sinh với hàng hoá và cho rằng trách nhiệm đó là của bên bán hàng. Vậy thì trách nhiệm bảo vệ khách hàng với cái tên Sendo được thể hiện ở đâu?” – chị D. cho hay.

Chiêu lừa đảo tinh vi?

Câu chuyện của chị L.D cho thấy, có nhiều chi tiết bất thường liên quan đến việc mua hàng online, mà ở đây là một trang web quen thuộc như Sendo và việc mua bán hàng online đang trở nên phổ biến hơn. Theo chị, khi được yêu cầu truy xuất nguồn gốc của shop bán hàng đã gửi hàng cho chị, phía Sendo cho hay đây là shop mới, tài khoản được tạo từ 3/1/2019 và cho đến giờ vẫn chưa liên lạc được với shop đó.

Thông qua câu chuyện của mình, chị L. D đặt ra nhiều băn khoăn về tính bảo mật thông tin khách hàng qua các kênh mua bán hàng trực tuyến. Điều mà chị L.D lo ngại là người tiêu dùng tham gia vào các giao dịch thương mại điện tử hiện nay được bảo vệ như thế nào? Các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử (TMĐT) cần có trách nhiệm để quản lý, có chế tài phù hợp? Các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT cũng cần đảm bảo về an toàn thông tin, an toàn giao dịch của khách hàng...

Điều đáng lưu tâm nữa là qua tìm hiểu mới biết, hóa ra không chỉ có chị L.D. mới rơi vào tình cảnh này, mà còn mốt số khách hàng nữa cũng nhận được các đơn hàng mà mình không hề đặt, xuất phát từ dịch vụ SenGo.

Sáng 9/1, liên hệ điện thoại với bộ phận chăm sóc khách hàng của Sendo để thông tin và nhờ kết nối với bộ phận có liên quan đến khiếu nại của chị L.D để phản hồi, nhân viên chăm sóc khách hàng cho biết, sẽ kết nối với đơn vị cao hơn trực tiếp xử lý vụ việc để họ liên lạc lại và phản hồi.

Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi số điện thoại của bộ phận này để chủ động trao đổi thông tin và sau khi chờ trong nhiều phút (để nhân viên này thao tác kết nối), thì nhân viên này cho biết: đơn vị “có trách nhiệm cao hơn” này không cung cấp thông tin liên hệ, chỉ đề nghị sẽ sớm chủ động liên lạc lại.

PNVN sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin về vụ việc.

Theo giới thiệu trên website của mình, tháng 9/2012, sendo.vn ra mắt người tiêu dùng, xuất thân là một dự án Thương mại Điện tử do Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) phát triển.

Ngày 13/5/2014, Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ được thành lập, trực thuộc Tập đoàn FPT, là đơn vị chủ quản Siêu chợ Sen Đỏ. Đơn vị này có 29 ngành hàng thiết yếu, hơn 10 triệu sản phẩm từ cộng đồng shop lớn nhất Việt Nam với hơn 200.000 shop.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn