"Tiền thuê nhà quá cao, tôi thấy có lỗi với bố mẹ, nhưng không thay đổi được!" - Hiện trạng của giới trẻ Hàn Quốc đương đại.
Một nữ nhân viên công ty 34 tuổi đang thuê nhà ở Gangwon-do, Hàn Quốc, chia sẻ rằng vấn đề nan giải về "bất bình đẳng nhà ở" rất khó giải quyết.
"Tôi 30 tuổi, có hai con nhỏ, nhưng tôi chưa có nhà riêng. Cả bố và mẹ của chúng tôi cũng đều không có nhà riêng. Mặc dù chúng tôi có thể đủ điều kiện để mua một căn hộ thông qua bốc thăm, nhưng ngay cả khi có bốc trúng một căn hộ xịn xò, chúng tôi vẫn sẽ cần mất thêm 10% phí hợp đồng. Tôi đã không đăng ký bốc thăm vì tôi thậm chí không có đủ tiền để trả phí hợp đồng. Thực ra thì cuộc sống hiện tại của chúng tôi vẫn rất tốt, chỉ có điều khi nghe nói rằng có người sở hữu tới 600 căn nhà, có người còn cho đứa con chưa tới 10 tuổi đứng tên một căn nhà, tôi lại cảm thấy hiện thực khốc liệt như đang bày ra trước mắt và tôi không muốn làm gì cả."
Trước đây cô làm việc ở Seoul với tiền thuê nhà hàng tháng là 550.000 won (khoảng 9 triệu đồng). Sau khi sinh đôi, cô trở về quê hương Gangwon-do. Chồng đi tàu cao tốc mỗi ngày để tới Seoul làm việc.
Cô ấy thở dài: "Bạn có thể nghĩ rằng nếu chúng tôi tiết kiệm tiền đi lại, chúng tôi có thể mua một ngôi nhà, nhưng vào thời điểm đó, giá nhà đất ở Seoul chắc chắn sẽ tăng trở lại, và chúng tôi thậm chí không thể mua được một căn phòng dưới tầng hầm. Hai năm sau, tiền thuê nhà sẽ tăng lên, nghĩ tới chuyện sau này sẽ phải chuyển nhà vì lũ trẻ cũng cần có phòng riêng, chúng tôi lại cảm thấy lo lắng."
Cơ quan thăm dò ý kiến của Hàn Quốc "Human and Data" đã tiến hành phỏng vấn sâu 28 nam và nữ ở độ tuổi 20 và 30, chia họ thành 4 nhóm và kết quả không mấy lạc quan.
Nhận thức của công chúng về tài sản chỉ có một từ, và đó là "tuyệt vọng". Ngay cả khi họ học hành chăm chỉ và thành công tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp đại học, giá nhà đất tăng cao vẫn là một "chướng ngại vật" mà họ không bao giờ có thể vượt qua.
Sự không hài lòng với bất động sản bùng phát và cách duy nhất để kiếm được nhiều tiền hơn là đầu cơ vào tiền hoặc cổ phiếu.
Một nam thanh niên 25 tuổi được "Human and Data" phỏng vấn cho biết: "Tôi đã tốt nghiệp đại học và tìm được việc làm ở Seoul. Nhiều bạn bè của tôi đã mua ô tô. Còn tôi thì vẫn đang mắc kẹt ở chuyện nhà cửa. Nếu tốt nghiệp đại học và tìm việc làm, bạn thường có thể kiếm được mức lương khởi điểm 35-40 triệu won (khoảng 640 triệu – 740 triệu đồng) mỗi năm, nhưng nếu bạn tiết kiệm được 10 triệu won (khoảng 180 triệu đồng) một năm, sau 30 năm làm việc, bạn tiết kiệm được 300 triệu won (khoảng 5.5 tỷ đồng), vì vậy trừ khi có thể kiếm tiền bằng đầu tư, nếu không thì bạn sẽ không bao giờ mua được nhà riêng (giá trung bình ở Seoul là 240 triệu đồng mỗi mét vuông)."
Những người trẻ ở độ tuổi 20 cũng thường gặp những khó khăn tương tự, trước khi có được sự nghiệp thành công, họ đã sớm được nếm mùi của cảm giác thất vọng.
Một cô gái ngoài 20 đang theo học tại Đại học Quốc gia Seoul cho biết: "Người lớn xung quanh tôi đều nói rằng tôi mới 20, chuyện nhà cửa vẫn còn xa, nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng tương lai đó không còn xa nữa. Chỉ khi bạn có một công việc, tự lập, không phụ thuộc vào cha mẹ, bạn mới có thể sống cuộc sống mà bạn muốn. Tiền đề của sự tự do này là vấn đề nhà cửa. Tuy nhiên, những người bạn xung quanh tôi cũng thất vọng vì đây không phải là thứ mà mức lương công việc mới của họ có thể mua được. Tôi đau đớn nhận ra rằng thế hệ tiếp theo sẽ được sinh ra với khoản nợ 100 triệu won (khoảng 1.8 tỷ đồng)."
Đối với những người trẻ tuổi này, trả tiền thuê nhà là vấn đề cấp thiết trước mắt. Hiện tại, giá nhà đất cao ở Hàn Quốc buộc giới trẻ phải chọn cách thuê nhà, nhưng đây là một gánh nặng rất lớn. Giá thuê trung bình hàng tháng ở Hàn Quốc là 500.000-1.000.000 won (khoảng 9-18 triệu đồng). Giá thuê nhà cao đồng nghĩa với việc những người trẻ tuổi thường không có tiền tiết kiệm và phải làm việc vô cùng chăm chỉ để kiếm sống qua ngày.
Dù có tiết kiệm, tiền lương hàng tháng cũng không thể làm gì trước giá bất động sản tăng chóng mặt hàng chục lần tại Hàn Quốc. Đó là lý do tại sao những người trẻ tuổi cố gắng huy động mọi phương tiện có được để mua nhà và tại sao số người quan tâm đến đầu tư vào tài sản rủi ro hơn lại cao bất thường.
Một thanh niên sống một mình ở Seoul nói về giá nhà đất hiện tại: "Bạn bè xung quanh tôi đã bắt đầu đầu tư vào tài sản rủi ro, có thể là vì mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn."
Ở Hàn Quốc, có một thực tế phũ phàng là tiết kiệm tiền đồng nghĩa với việc họ không thể mua bất động sản, vì vậy họ có xu hướng đầu cơ vào những khoản thu nhập bị động và tiêu tiền vào đầu tư.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn