Nhiều dư địa
Sau bữa trưa cùng vài đồng nghiệp, chị Lan Anh, luật sư làm việc tại một công ty luật (có trụ sở tại phố Thụy Khuê, Hà Nội) rút tấm thẻ thanh toán của ngân hàng đưa cho nhân viên quán ăn: “Em quẹt thẻ thanh toán và gửi lại chị hóa đơn”. Chưa đầy một phút, việc thanh toán hoàn tất, nhân viên gửi lại biên lai cho khách. Quán bún đậu Cây Đa trên phố Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) luôn đông khách, nhưng việc thanh toán luôn diễn ra rất nhanh chóng, khách không phải chờ lâu. Câu chuyện loay hoay tìm tiền lẻ để trả lại cho khách, với chủ quán đã thành câu chuyện cũ của 3 năm về trước.
Quán bún Cây Đa chỉ là một trong số hàng trăm quán ăn khác tại Hà Nội đã sử dụng máy POS, thanh toán qua thẻ cho khách hàng mà không cần dùng đến tiền mặt.
Nếu như cách đây 5 năm, thanh toán bằng quẹt thẻ mà không dùng tiền mặt chỉ hiện diện tại các siêu thị lớn, thì giờ đây, chiếc máy POS đã thành vật phổ biến ở nhiều cửa hàng, quán ăn, thậm chí cả ở những quán cà phê “cóc” với diện tích không quá 20m2. Tiện lợi, nhanh chóng, chính xác, đầy đủ biên lai, đó là những ưu điểm vượt trội hơn thanh toán bằng tiền mặt và được nhiều người lựa chọn. “Tại sao phải cầm cả cái ví tiền mặt to đùng trong khi chỉ cần cầm một cái thẻ. Dùng thẻ sẽ tiện hơn rất nhiều”, Nguyễn Minh, sinh viên năm cuối, trường ĐH Bách khoa Hà Nội nói. Với Minh, mỗi lần đi ăn cùng bạn bè, việc quẹt thẻ thanh toán đôi khi còn là thể hiện sự… sành điệu.
Nhưng không chỉ có nhóm người dùng trẻ tuổi mới dùng thẻ thanh toán. Thanh toán không dùng tiền mặt cũng đang được nhóm khách hàng là người cao tuổi sử dụng. Trong quán cà phê bên cạnh Bảo tàng Dân tộc học (phố Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội), PGS.TS Đỗ Xuân Tùng (nguyên giảng viên Nhạc viện Hà Nội) gọi đồ uống và thanh toán chỉ bằng vài cái nhấp đầu ngón tay trên điện thoại. Dường như giữa vị nhạc sĩ già ngoài bảy mươi tuổi với chiếc smartphone có cài sẵn app ví điện tử không hề có khoảng cách, thay vào đó là sự tiện lợi cho người già. Cũng theo nhạc sĩ Đỗ Xuân Tùng, ông sử dụng thanh toán bằng thẻ đã vài năm nay thay vì dùng tiền mặt.
Một khảo sát về hành vi sử dụng và xu hướng khách hàng về dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam của IDG Vietnam cho thấy, các giải pháp về ngân hàng điện tử đang ngày càng được sử dụng phổ biến, được đánh giá cao về tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian. Nếu như năm 2015, tỉ lệ người dùng sử dụng các giải pháp e-banking chỉ ở mức 21% thì năm 2017 con số này đã tăng lên 81% (gấp gần 4 lần).
Các dịch vụ của ngân hàng điện tử nói trên chính là tiền đề để hình thành thói quen sử dụng dịch vụ ngân hàng số. Tại Việt Nam, một số ngân hàng thương mại đã và đang bắt đầu quan tâm đến mô hình ngân hàng số, việc triển khai áp dụng ngân hàng số đã đạt được những kết quả nhất định ở một số hoạt động nghiệp vụ, nhưng vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng đúng tiêu chuẩn của mô hình này.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, năm 2018, hầu hết các ngân hàng đã triển khai dịch vụ ngân hàng trực tuyến trên Internet Banking và Mobile Banking cho khách hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã cấp phép cho hơn 20 ví điện tử được cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam (như MoMo, Bankplus, VTC Pay, WePay...). Tuy nhiên, ví điện tử cần thêm thời gian để phát triển tương xứng nhu cầu khách hàng và tiềm năng thị trường và mỗi ví điện tử đều được tổ chức tín dụng đề ra chiến lược phát triển riêng và phục vụ những phân nhóm khách hàng riêng.
Thiếu khung pháp lý
Ngân hàng số (Digital Banking) là hình thức ngân hàng số hóa tất cả những hoạt động và dịch vụ ngân hàng truyền thống. Nói cách khác, tất cả những gì khách hàng có thể thực hiện ở các chi nhánh ngân hàng bình thường được số hóa và tích hợp vào một ứng dụng ngân hàng số duy nhất. Thông qua ứng dụng này khách hàng không cần phải đến chi nhánh ngân hàng mà vẫn có thể thực hiện được tất cả các giao dịch, đồng thời các hoạt động của ngân hàng như quản lý rủi ro, nguồn vốn, phát triển sản phẩm, marketing, quản lý bán hàng... cũng được số hóa.
Trong khi Online Banking/E-Banking là hệ thống dịch vụ ngân hàng điện tử (bao gồm các dịch vụ con như Internet Banking, SMS Banking, Mobile Banking) được tạo ra để bổ sung cho các dịch vụ trên nền tảng ngân hàng truyền thống thì Digital Banking là một loại hình ngân hàng có ảnh hưởng đến toàn bộ cấu trúc hệ thống của một ngân hàng, từ cơ cấu tổ chức đến quy trình làm việc, sản phẩm dịch vụ, vấn đề pháp lý, chứng từ và phương thức giao dịch với khách hàng.
Tuy hình thức hoạt động đều dựa trên Internet nhưng E-Banking là một dịch vụ phát triển thêm vào của ngân hàng, tập trung vào những tính năng chính như chuyển tiền, thanh toán và tra cứu số dư tài khoản. Còn Digital Banking sẽ có tất cả chức năng của một ngân hàng đích thực như đã kể trên, mọi giao dịch đều tiến hành online và khách hàng có thể gửi yêu cầu, thắc mắc chỉ bằng thiết bị di động.
Hiện nay, phần lớn hệ thống core-banking của các ngân hàng đã lạc hậu, không đủ điều kiện để tích hợp ứng dụng số hóa dựa trên dữ liệu lớn (Big Data), hoặc có chuyển đổi nhưng không mua hết các tính năng của core-banking hiện đại. Về tích hợp dữ liệu trên core, đa phần các ngân hàng chưa triển khai điện toán đám mây do đặc trưng dữ liệu nhạy cảm, hệ thống dữ liệu phức tạp và chưa đồng bộ. Hiện chỉ có một số ít ngân hàng đã hoàn tất việc đưa dữ liệu lên private cloud như VietABank (giai đoạn 2014-2017).
Với thị trường được đánh giá là tiềm năng nhưng việc triển khai ngân hàng số mới ở giai đoạn đầu, các ngân hàng thương mại phải đối mặt với nhiều khó khăn (nguồn vốn, sự cạnh tranh với các công ty công nghệ trong các dịch vụ tài chính, thanh toán đã thâm nhập thị trường Việt Nam như Samsung Pay, Amazon…).
Đánh giá về thực trạng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam hiện nay, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, từng là người Việt Nam đầu tiên lập ngân hàng tư nhân tại Mỹ, cho rằng, hiện nay ngân hàng số ở Việt Nam vẫn đang thiếu hành lang pháp lý đầy đủ để hoạt động đúng với các chức năng của mình. “Tôi cho rằng ngân hàng số tại Việt Nam vẫn đang phát triển rất chậm, chủ yếu là chưa có khung pháp lý đầy đủ”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Thị Giang Thu, giảng viên Trường ĐH Luật Hà Nội cũng cho rằng, thách thức số (Digital Challenge) mà các tổ chức tín dụng, ngân hàng và các cơ quan có thẩm quyền đang đối mặt ngày càng tăng, đòi hỏi Việt Nam cần sớm hoàn thiện pháp luật để phục vụ trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, trong đó có ngân hàng số là trọng tâm. Đơn cử, hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc như cân nhắc mở rộng chủ thể tham gia vào hoạt động ngân hàng theo hướng cho phép thực hiện hoạt động Fintech của các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng.
Trên thực tế, để hướng đến xây dựng ngân hàng số, năm 2017, Ban chỉ đạo Fintech của Ngân hàng Nhà nước đã được thành lập. Nhưng hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng khung pháp lý cho lĩnh vực Fintech như nghiên cứu công nghệ blockchain/sổ cái phân tán (DLT), sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp lý cho hoạt động của các công ty cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, nghiên cứu ban hành quy định về hoạt động huy động vốn và cho vay ngang hàng (P2P lending), nghiên cứu vấn đề về giao diện chương trình ứng dụng mở (Open API) trong lĩnh vực ngân hàng, công nghệ định danh và nhận biết khách hàng điện tử (e-ID/e-KYC).
Ngoài ra, các cơ quan quản lý hiện vẫn còn xem xét về việc có nên cho phép các tổ chức tín dụng được truy cập vào hệ thống dữ liệu căn cước công dân hoặc hệ thống dữ liệu thông tin doanh nghiệp tại sở KH&ĐT của các tỉnh/thành hay không. Đây cũng được xem là những lực cản khiến ngân hàng số phát triển chậm chạp trong thời gian qua.
Cần quy định cụ thể
Hiện nay, quy định về đơn vị ủy quyền của ngân hàng vẫn chưa hoàn thiện. Ví dụ, Viettel được hiểu như đại lý ủy quyền của ngân hàng, tuy nhiên, Thông tư 39/2014/TT-NHNN lại chưa xác định rõ điều kiện cho các tổ chức thực hiện ủy quyền cung ứng dịch vụ đại lý ủy quyền cung cấp dịch vụ thanh toán. Vì vậy, nếu việc xác định rõ điều kiện cho các tổ chức thực hiện hoạt động nêu trên sẽ tạo sự thuận lợi và giảm chi phí tiếp cận khách hàng của ngân hàng và chính khách hàng.
Hay như xây dựng hành lang pháp lý cho các hình thức của hợp đồng thông minh trong ngân hàng số như thế nào, hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng trong luật. Hợp đồng thông minh vừa được xác định bằng mã lệnh lại vừa được thực thi bởi mã lệnh tự động mà không có sự lựa chọn nào khác. Câu hỏi đặt ra liệu có thể sử dụng hợp đồng thông minh thay thế cho các hợp đồng được thiết lập trong quá trình kinh doanh ngân hàng hiện nay hay không và hợp đồng thông minh có thể được ký kết tại đâu?
Hiện nay, việc xác định địa điểm hay yếu tố địa lý của việc giao kết gắn với những phát sinh từ địa điểm giao kết như việc xác định luật áp dụng, xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp được quy định tại Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2015 (sửa đổi): “Quy định địa điểm giao kết hợp đồng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận thì là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết”. Như vậy, theo luật hiện hành thì địa điểm khi giao kết hợp đồng (truyền thống) phải được xác định, nhưng với hợp đồng thông minh trong các giao kết của ngân hàng số thì yếu tố địa điểm không còn phù hợp, nhưng hiện nay cũng chưa có bất kì quy định mang tính ràng buộc nào của pháp luật, dẫn đến khó giải quyết khi có các rủi ro hay tranh chấp xảy ra.
|