Trước khi tìm hiểu vấn đề không ho nhưng có đờm ở cổ họng là bệnh gì thì bạn cần hiểu về cơ chế sinh đờm và chất nhầy của cơ thể.
- Chất nhầy giống như gelatin, có chức năng bôi trơn, giữ ấm cho các cơ quan và "bẫy" lọc tác nhân xâm nhập từ bên ngoài (như bụi, khói, vi khuẩn) được tạo ra bởi các tế bào mô lót từ mũi tới phổi. Mỗi ngày màng nhầy tiết ra từ 1 - 1,5l chất nhầy trong suốt và bạn sẽ nuốt phần lớn chất nhầy mà không biết, lượng còn sót lại sẽ giúp giữ ấm cho đường thở của bạn cũng như giữ cho các cơ quan khác được ngậm nước tốt hơn. Chất nhầy thường được tống ra qua đường mũi.
- Đờm là dạng chất nhầy do đường hô hấp dưới tạo ra (không phải ở mũi hay xoang) để phản ứng với chứng viêm và kích ứng tại phổi và đường thở, chẳng hạn như viêm phế quản hay viêm phổi. Đờm thường được tống ra khỏi phổi qua cơn ho.
Có nhiều nguyên nhân có thể gây tăng tiết chất nhầy hay tăng tiết đờm tại cổ họng mà không ho. Dưới đây là một số nguyên nhân do bệnh lý và lối sống phổ biến mà bạn có thể tham khảo. Lưu ý rằng, bạn cần kết hợp với các triệu chứng xuất hiện kèm theo khác để thăm khám bác sĩ ngay khi có bất thường nếu như các biện pháp giảm nhẹ tại nhà không có hiệu quả.
- Nhiễm trùng đường hô hấp
Khi hệ miễn dịch bị tấn công bởi vi sinh vật thông qua đường hô hấp thì cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tăng tiết chất nhầy giúp tống thải các dị nguyên này ra bên ngoài. Trong nhiễm trùng đường hô hấp sẽ có nhiễm trùng đường hô hấp trên và nhiễm trùng đường hô hấp dưới.
+ Nhiễm trùng đường hô hấp trên bao gồm mũi, vòm họng, cổ họng, xoang, thanh quản và khí quản bị viêm nhiễm thường có kèm theo nghẹt mũi và chảy nước mũi nhầy liên tục; có thể ho hoặc không ho; đau ngứa rát cổ họng; đau nhức đầu; biếng ăn...
+ Nhiễm trùng đường hô hấp dưới bao gồm viêm nhiễm tại khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi. Triệu chứng nhiễm trùng này thường kèm theo cả đờm và ho; khó thở, khàn giọng; các triệu chứng tương tự dễ nhầm lẫn với cảm cúm...
- Viêm amidan
Amidan là cửa ngõ đón đầu vi khuẩn, virus khi xâm nhập qua đường họng nên thường dễ bị viêm nhiễm. Biểu hiện chính của viêm amidan là sưng tấy đỏ amidan kèm theo đau cổ họng kèm đờm, đau tai, khó nuốt, xuất hiện các hạch ở cổ kèm sốt...
- Trào ngược axit dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản hay Gastroesophageal Reflux Disease (GERD) là tình trạng dịch dạ dày (bao gồm thức ăn, men tiêu hóa, hơi...) trào ngược lên thực quản. Khi axit trào ngược lên khiến cổ họng dễ sưng viêm và dần tích tụ các chất nhầy.
Chất nhầy gây kích ứng họng nên dễ bị nhầm lẫn với các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp như cảm cúm, viêm họng.. Vì thế nếu thấy các triệu chứng như đầy hơi, ợ nóng, ợ chua, họng đờm (có thể kèm ho hoặc không), khó nuốt, tăng tiết nước bọt, đắng - hôi miệng... thì cần thăm khám bác sĩ sớm.
- Lệch vách ngăn mũi
Lệch vách ngăn mũi khiến đờm không tiêu hóa/thoát ra được và loanh quanh ở vùng cổ họng. Dịch tiết ra nhiều khiến đờm bị vướng lại nên thường phải hắng giọng, khịt khạc liên tục. Các triệu chứng khác của lệch vách ngăn mũi có thể là nghẹt mũi, khó thở...
Lệch vách ngăn mũi cũng là nguyên nhân gây ra các tình trạng sức khỏe khác như viêm xoang, viêm xoang dị ứng...
- Chảy dịch mũi sau
Một nguyên nhân khác gây đờm thường bị vướng ở họng là do chảy nước mũi sau. Khi cơ thể tăng sinh sản xuất dịch nhầy bạn có thể cảm thấy dịch chảy từ phía sau mũi xuống họng với các triệu chứng đi kèm như ngứa họng, buồn nôn do chất nhầy dư thừa đi vào dạ dày, hôi miệng. Tùy tình trạng chảy dịch mũi sau có kích ứng họng hay không mà bạn có thể bị ho hay không.
- Túi thừa thực quản
Túi thừa thực quản hay còn gọi là túi thừa Zenker xảy ra khi có một túi bất thường xuất hiện tại thực quản ngăn thức ăn di chuyển xuống dạ dày. Tình trạng này đôi khi khiến chất nhầy mắc kẹt trong cổ họng. Mặc dù bệnh hiếm gặp nhưng nếu xuất hiện các biến chứng khó nuốt, đau ngực, tăng tiết nước bọt, hơi thở có mùi hôi, ợ chua... thì cần thận trọng. Điều trị túi thừa Zenker thường là phẫu thuật theo chỉ định bác sĩ.
- Viêm họng hạt
Đặc trưng bởi cảm giác ngứa ngáy tại họng khiến người bệnh hay phải húng hắng hoặc khạc ra để dễ chịu hơn. Viêm họng hạt có thể gây ho khan, ho có đờm hoặc không kèm ho. Nếu thấy xuất hiện các hạt hồng/đỏ tại cổ họng và lồi cao hơn hẳn vùng niêm mạc xung quanh; khó nuốt thức ăn và nước uống; sốt; nổi hạch cứng đau thì cần thăm khám sớm.
Viêm họng hạt nếu không được điều trị đúng có thể khiến các tổ chức xung quanh bị viêm nhiễm và tiến xa tới các cơ quan khác rất khó điều trị. Một số trường hợp viêm họng hạt mãn tính làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng.
Một số tình trạng không ho nhưng có đờm cổ họng có thể từ ảnh hưởng của lối sống hàng ngày. Chẳng hạn như:
- Môi trường sống ô nhiễm khiến đường hô hấp liên tục kích ứng phải tăng tiết chất nhầy đào thải các tác nhân ô nhiễm như bụi bẩn, khói thuốc lá xâm nhập.
- Công việc thường xuyên tiếp xúc với khó bụi, các loại hóa chất, lông động vật; MC, ca sĩ phải hát nói liên tục...
- Uống ít nước, uống nhiều rượu bia, chất kích thích, cà phê
- Các lối sống kém lành mạnh khiến sức đề kháng bị suy giảm, tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới đường hô hấp...
Để giảm đờm và chất nhầy trong cổ họng, đầu tiên bạn cần xác định nguyên nhân gây ra là gì. Nếu nguyên nhân gây đờm trong cổ họng mà không ho là do bệnh lý thì cần thăm khám bác sĩ sớm để điều trị dứt điểm, tránh ảnh hưởng tới sinh hoạt sau này.
Trong trường hợp muốn giảm nhẹ, bạn cần:
- Uống đủ nước
Uống đủ nước giúp làm loãng chất nhầy và ngăn chặn sự tích tụ bên trong cổ họng. Ngoài nước lọc, bạn có thể bổ sung nước bằng súp, nước trái cây... Ưu tiên uống nước ấm để làm mềm chất nhầy giúp tống thải ra ngoài dễ hơn.
- Súc miệng bằng nước muối
Súc miệng bằng nước muối cũng giúp làm loãng đờm và thông thoáng cổ họng. Bạn nên súc miệng bằng nước muối ấm trong vài giây ở tư thế ngửa đầu ra sau để nước muối thấm vào cổ họng tốt hơn. Nếu cảm thấy đờm nhiều hơn, có thể súc miệng 2 - 3 tiếng/1 lần. Súc miệng nước muối còn giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp trên hiệu quả.
- Uống trà bạc hà
Trà bạc hà chứa tinh dầu bạc hà giúp giảm các triệu chứng như ho, đờm, sổ mũi, nghẹt mũi và đau nhức đầu nên thích hợp để giảm nhẹ triệu chứng tại nhà. Ngoài ra bạc hà có tính kháng khuẩn nên giúp giảm viêm và giảm thời gian phục hồi bệnh.
- Xông nước ấm, tắm vòi sen bằng nước ấm
Xông nước ấm có nhỏ một chút tinh dầu như bạch đàn hay hương thảo và một chút muối có thể giúp màng nhầy được cấp ẩm và loãng đờm cũng như thông mũi.
Ngoài các biện pháp kể trên bạn cũng cần xây dựng lối sống lành mạnh, tránh xa khói thuốc lá, bảo vệ đường hô hấp ở môi trường ô nhiễm, không uống rượu và các chất kích thích như cà phê, bổ sung các thực phẩm giúp tăng cường miễn dịch và hô hấp...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn