Từ khi còn là 1 cậu bé, Ryan Stewart (New York, Mỹ) luôn được giao nhiệm vụ dắt cún cưng của gia đình đi dạo. Tình cảm dành cho người bạn 4 chân cũng như kinh nghiệm làm việc này đã hình thành từ ngày ấy. Sau này khi chọn theo đuổi khiêu vũ chuyên nghiệp mà không học đại học, Ryan đã nhận thấy rằng dắt cún đi dạo có thể là việc giúp tăng thu nhập.
Năm 2002, anh chàng bắt đầu "Ryan for Dogs" - dịch vụ dắt cún cưng đi dạo nhưng trong nửa năm đầu tiên, Ryan chỉ có đúng 2 vị khách. Còn hiện tại, sau 20 năm gắn bó, công việc này đã trở thành công việc toàn thời gian, đem lại khoản tiền 120.000 USD/năm (hơn 2,8 tỷ đồng) cho anh chàng.
Ryan Stewart (Ảnh: Internet)
Cụ thể anh kiếm được khoảng 60 USD cho mỗi giờ đưa cùng lúc từ 3 đến 5 chú cún đi dạo. Khoảng một nửa số khách hàng của anh là từ giới thiệu, nửa còn lại đến từ nguồn trang web mà anh thành lập. Đáng nói, đây chỉ là 1/10 số yêu cầu mà Ryan nhận được từ trang web.
Về lịch làm việc, Ryan làm 6 ngày/tuần và khoảng 6 tiếng/ngày. Tất cả các kỹ năng chăm sóc, quản lý và xử lý những chú cún đều đến từ kinh nghiệm của anh. Ryan cho biết điểm hạn chế của công việc này là anh phải tự đóng bảo hiểm, không có ngày nghỉ hưởng nguyên lương và phải thường xuyên dọn chất thải của những chú chó. Ngoài ra các khách hàng cũng ngày càng có xu hướng đòi hỏi nhiều hơn, khiến anh cảm thấy bị giám sát và ảnh hưởng đến công việc.
Tuy nhiên Ryan vẫn khá hài lòng, nhất là thu nhập đáng kể với một người không có bằng đại học như anh. "Tôi vốn là người yêu chó nên công việc này cũng dễ dàng hơn đối với tôi. Điều tuyệt vời nhất là tôi không cần có bằng đại học để kiếm được thu nhập sáu con số mỗi năm. Đồng thời, tôi cũng được làm điều mình yêu thích", Ryan chia sẻ với CNBC.
Nhân vật này là Park Yoo-jin, sinh năm 2001, đến từ Hàn Quốc. Yoo-jin bắt đầu việc tiết kiệm từ ngày 23/9/2019, và đến 21/7/2022, cô đã sở hữu 100 triệu won (tương đương 1,7 tỷ VND) trong tài khoản tiết kiệm, trong chỉ chưa đầy 3 năm. Bí quyết thành công đến từ kế hoạch chi tiêu siêu tiết kiệm và sự chăm chỉ của cô.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Yoo-jin chọn đi làm mà không học đại học. Cô làm việc ở công ty 5 ngày/tuần và làm thêm nhiều công việc bán thời gian khác vào cuối tuần, từ phòng tập thể dục đến thu ngân tại cửa hàng tiện lợi.
Để tiết kiệm tối đa, Yoo-jin tận dụng thu gom các thực phẩm hết hạn sử dụng tại cửa hàng tiện lợi để tiết kiệm chi tiêu. "Tôi có thể dùng chúng để nấu cho các bữa ăn của mình vào hôm sau. Nó đã giúp tôi tiết kiệm rất nhiều tiền", cô bật mí. Song song với đó, Yoo-jin chăm chỉ nấu cơm nhà mang đi làm vì vấn đề "lạm phát bữa trưa".
Yoo-jin có lối sống cực kỳ tiết kiệm (Ảnh chụp màn hình)
Nhờ lối sống tiết kiệm như vậy, 80 - 90% tiền lương hàng tháng của Yoo-jin sẽ được đưa vào tài khoản tiết kiệm. Cụ thể tổng thu nhập của cô khoảng 2,77 triệu won/tháng (hơn 48 triệu VND), trong đó 2,3 triệu won (hơn 40 triệu VND) được tiết kiệm, còn lại dành cho chi phí sinh hoạt - đi lại, quỹ khẩn cấp và chu cấp cho gia đình.
Cuối năm 2018, Brian Jung (21 tuổi, Mỹ) quyết định bỏ học đại học để theo đuổi công việc kinh doanh toàn thời gian. Điều này khiến bố mẹ anh rất ngạc nhiên, họ biết con trai có buôn bán và có làm kênh YouTube nhưng cũng lo lắng rằng chúng không mang lại sự đảm bảo tài chính lâu dài cho bằng việc đại học. Tuy nhiên chàng trai vẫn quyết tâm thực hiện quyết định này.
Brian Jung
Đến tháng 12/ 2019, Jung hoàn toàn tập trung vào YouTube. Các video thành công nhất của anh ấy là về nội dung đánh giá thẻ tín dụng. Tại thời điểm đó, kênh có khoảng 6.000 người đăng ký và kiếm được từ 200 đến 300 USD/ ngày. Năm 2021, giữa cơn sốt tài chính, kênh của Jung thực sự đã thành công, tăng từ 100.000 người lên 900.000 người đăng ký trong vòng chưa đầy một năm.
Hiện tại, Jung đã 25 tuổi, kênh YouTube cũng có hơn 1 triệu người đăng ký. Trong năm 2021, anh chàng kiếm được khoảng 3,7 triệu USD, phần lớn nhờ vào kênh YouTube về tài chính cá nhân của mình. Ngoài ra Jung cũng mua cổ phần trong một nhà hàng thịt nướng Nhật Bản, mang lại thêm 5.500 USD/ tháng.
Nhìn lại quá khứ, Jung cho biết quyết định bỏ học đại học để trở thành một doanh nhân kiêm YouTube là một "thời điểm quan trọng" trong cuộc đời mình. Nó cho phép anh chàng dành nhiều thời gian hơn cho kênh và phát triển thành một doanh nghiệp.
Năm 16 tuổi, Jake Slinn (sinh năm 2000, Anh) bỏ học trung học để học việc trong ngành công nghiệp chất thải. Sau một thời gian, anh được thăng chức lên vị trí quản lý tại công ty tái chế phế liệu và kim loại nơi bố anh làm việc. Thời điểm này, Slinn nhận ra lỗ hổng trên thị trường và nảy ra ý tưởng khởi nghiệp.
Jake Sinn (Ảnh: Internet)
Theo đó, ưu tiên số 1 đối với các hãng vận tải hàng hóa là đảm bảo rằng khi tàu cập cảng, container được dỡ xuống và làm trống càng nhanh càng tốt để phục vụ chuyến hàng khác. Tuy nhiên, điều đó không phải lúc nào cũng dễ thực hiện, đôi khi hàng trăm nghìn container đã bị bỏ lại.
Container càng nằm lâu ở bến cảng thì các hãng tàu càng tốn tiền để duy trì nên họ sẽ tìm đến dịch vụ tiêu hủy, tái chế và trục vớt hàng hóa của Slinn. Ở thời điểm dịch bệnh, việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn, công việc của anh chàng lại ăn nên làm ra.
Năm 18 tuổi, Slinn bắt đầu khởi nghiệp với số tiền tiết kiệm vỏn vẹn 460 USD. Sau 4 năm, JS Global Group của Slinn đã đạt mốc doanh thu hàng triệu USD. Slinn cho biết công ty có thể đạt doanh thu 1,6 triệu USD vào cuối năm nay. "Chúng tôi chưa bao giờ từ chối bất kỳ yêu cầu tiêu hủy nào", anh nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn