Không khó để trở thành ông bố tuyệt vời trong mắt con

16:29 | 28/02/2018;
Không ít ông bố quá nghiêm khắc, độc đoán với con vì sợ trẻ hư hỏng mà không biết rằng, hệ lụy của việc dạy con theo phương pháp độc tài sẽ biến con thành đứa trẻ tự ti và dễ bị tổn thương về tâm lý.
Không ít ông bố dạy con theo phương pháp độc đoán vì sợ con hư hỏng. Ảnh minh họa

Anh Đặng Quốc Bình (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) giờ khá thành danh nhờ sự nghiêm khắc của bố. Thế nhưng, những tổn thương mà tuổi thơ anh gánh chịu từ người bố hà khắc luôn ám ảnh và kéo dài đến suốt cuộc đời sau này.

Anh Bình cho biết, ngày nhỏ anh vốn hiếu động, ngày nào cũng bị đòn đến tóe máu từ chiếc roi mây, dây thép trong nhà. Bố anh soi xét con cái từng lời nói, hành vi và chỉ cần không chuẩn chỉ thì “ăn vả” ngay lập tức. Bố anh cũng đòi hỏi con cái rất cao trong việc học. Chỉ cần trượt khỏi top 2 ở lớp là bắt con nhịn đói, sỉ nhục con hàng tuần liền. Bố luôn huấn luyện các con bằng cách tạo cho con cảm giác xấu hổ, tội lỗi. Đó cũng là lý do mà suốt những năm sau này, khi tốt nghiệp ĐH đi làm, anh vẫn rất mất tự tin trong cuộc sống.

Anh Bình chia sẻ, chính sự nghiêm khắc của bố khiến anh học hành tốt hơn. Thế nhưng, anh sợ bố, ghét bố và mong bố đi đâu thật xa đừng có trở về. Nhìn những đứa trẻ có người bố hiền lành, anh thèm khát, ước ao. Có một khoảng cách xa vời vợi với bố mà đến giờ anh vẫn không thể lấp đầy.

Hiện nay, có không ít ông bố vẫn sử dụng phương pháp độc đoán để dạy con với suy nghĩ “không nghiêm khắc thì sau này con hử hỏng, biến thành… giặc”.

Theo nhà tâm lý giáo dục trẻ em Trần Hùng John, tác giả cuốn sách "Cây to bắt đầu từ mầm nhỏ", cách dạy con kiểu này của các ông bố phần nào tác động xấu tới sự phát triển của trẻ. Các ông bố cho rằng mình là người chỉ huy và con cái phải làm theo các yêu cầu mà không được hỏi han, góp ý kiến và nhất quyết là không có thương lượng. Hậu quả sẽ khiến trẻ em sẽ trở nên kém tự tin, dễ bị tổn thương về tâm lý và tình cảm.

Các bố đừng ngại thể hiện tình yêu đối với con trong suốt thời gian trẻ lớn lên. Ảnh minh họa 

Anh Trần Hùng John có một vài gợi ý để các ông bố trở nên tuyệt vời trong mắt con cái. Các ông bố nên chủ động hơn, dành nhiều thời gian cho con hơn. Sau một ngay dài làm việc vất vả, nhiều ông bố chỉ muốn về nhà nghỉ ngơi. Tuy nhiên, bố hãy dành thời gian với con, cần biết tham gia vào cuộc sống của con, đọc sách cho con nghe, đưa con đi chơi, quan tâm tới việc học của con và đảm nhiệm vai trò ngang bằng với người mẹ trong việc dạy con cái. Những đứa trẻ có người bố như vậy thường sẽ đạt kết quả học tâp tốt hơn ở trường.

Bố cũng đừng ngại thể hiện tình yêu đối với con trong suốt thời gian con lớn lên. Rất nhiều người bố thấy ngại ngùng khi thể hiện tình yêu với con nhưng những cái ôm và những nụ hôn sẽ khiến con cảm thấy được yêu thương, nâng niu và trân trọng bởi cả mẹ và bố. Việc này sẽ có ích lâu dài giúp con phát triển tâm lý và tình cảm một cách lành mạnh.

Các bố hãy đối xử với con theo cách mà mình từng muốn được đối xử khi còn nhỏ. Hãy nhớ lại cách mà cha mình đã hoặc không thể hiện tình yêu với bạn. Nhớ lại cách cha bạn đã kỷ luật, khuyến khích, chỉ trích và uốn nắn bạn. Nếu bạn từng có một người cha tuyệt vời hãy học hỏi và bắt chước cách làm cha của ông. Nếu cha bạn đã không làm được những điều bạn mong muốn khi bạn còn nhỏ, đây là cơ hội để bạn trở thành một người cha tốt hơn, nhạy cảm hơn, yêu thương hơn và biết cách gắn bó với con hơn.

Bố rất cần có những cuộc hội thoại cởi mở với con ngay từ sớm. Hãy lắng nghe con và sau đó nói chuyện. Nhớ rằng giao tiếp phải là con đường hai chiều.

Bố có thể thiết quân luật với con một cách công bằng và yêu thương. Bởi, trẻ em đều cần sự chỉ dẫn và kỷ luật, chứ không chỉ có các hình phạt. Hãy nhắc nhở con về hậu quả mà những hành động của con có thể gây ra, giúp con thực sự hiểu vấn đề. Người bố nên đưa ra kỷ luật cho con một cách bình tĩnh và công bằng để tránh các phản ứng gay gắt và hung hăng. Hãy nhớ khen ngợi, thưởng cho các hành vi tốt của con. Và luôn nhớ rằng củng cố tích cực hiệu quả hơn củng cố tiêu cực.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn