Không làm tổn thương đôi tai của con

16:07 | 06/01/2016;
Tai là bộ phận rất dễ bị tổn thương nếu không biết cách chăm sóc. Đặc biệt với trẻ nhỏ, việc vệ sinh và chăm sóc tai không đúng có thể làm bé bị viêm tai, sưng tai hoặc tổn thương đến thính lực.
Mỗi lỗ tai chia thành 3 vùng: Tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài và tai giữa có vai trò trong tập hợp, dẫn truyền sóng âm vào tai trong. Ở tai trong, âm thanh sẽ được phân tích và diễn giải, ngoài ra ở đây còn chứa những cấu trúc liên quan đến thăng bằng cơ thể.
Tất cả các biện pháp vệ sinh và chăm sóc tai thông thường chỉ có thể ở vùng tai ngoài. Việc chăm sóc tai cho bé gồm chăm sóc về thính lực tai và vệ sinh tai. Phụ huynh cần lưu ý:
Chăm sóc thính lực tai: Không nên cho trẻ nghe những âm thanh có cường độ lớn trong thời gian dài như tiếng nhạc mở âm lượng cao, nghe âm thanh trò chơi điện tử liên tục trong thời gian dài, thường xuyên đeo headphone, điện thoại… Ngưỡng nghe bình thường vào khoảng 0-20 dexibels. Nếu trẻ liên tục phải chịu đựng những âm thanh có cường độ lớn hơn 30 dexibels và kéo dài trên 8 giờ sẽ làm tổn thương vĩnh viễn thính lực.

 Không ngoáy tai bừa bãi, chỉ dùng tăm bông để vệ sinh phần ngoài tai một cách nhẹ nhàng (Ảnh minh hoạ)

Vệ sinh tai: Sau khi cho trẻ tắm xong, cần dùng những loại tăm bông nhỏ, thấm nước muối sinh lý (tỉ lệ 0,08%) để lau sạch vành tai, các ngách trong vành tai… Ráy tai thường khô và tự rơi ra ngoài mà không cần phải lấy. Nếu bé có ráy tai quá nhiều, cứng gây bít ống tai, ù tai, làm giảm thính lực thì có thể dùng loại nước muối sinh lý nhỏ vào ống tai để ráy tai mềm và dễ dàng lấy ra. Không nên dùng tăm bông sẽ đẩy ráy tai vào sâu bên trong, rất khó lấy, cũng không dùng bất kỳ vật nhọn nào để ngoáy tai cho trẻ.
Nếu thực hiện theo cách trên không hiệu quả, bạn hãy đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng để khám và lấy ráy tai. Không cho bé lấy ráy tai tại các tiệm cắt tóc vì nếu không đảm bảo vệ sinh có thể gây nhiễm trùng hoặc lây các bệnh khác.
Khi đi bơi hoặc tắm biển, nên nhét nút bịt tai để tránh nước vào làm ướt tai, tạo thuận lợi cho vi trùng phát triển, dễ dẫn đến viêm tai, ngứa tai. Nếu sau khi tắm bị ướt ống tai thì dùng tăm bông có thấm alcool giúp mau bay hơi để lau khô tai cho bé.
Bảo vệ đôi tai: Cần thường xuyên theo dõi trẻ, không để trẻ nghịch ngợm, nhét vật lạ vào tai, mũi. Nếu thấy bé thường than đau tai hoặc phát hiện tai bé chảy dịch bất thường, mùi hôi, thì đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị ngay. Trường hợp thấy con chậm nói, hoặc trẻ lớn mà có dấu hiệu “nghễnh ngãng”, phụ huynh nên cho trẻ đi khám tai, đo thính lực. Ngoài ra, cũng cần kiểm tra thính lực ngay sau khi bé mắc những bệnh như sởi, quai bị, thủy đậu, những trận sốt cao…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn