Không tiếc tiền cho các "tiểu chủ"
Vào một buổi chiều đầy nắng giữa tháng 10, Leia đã dành sinh nhật lần thứ ba để nhâm nhi bữa ăn ba món với gà, thịt bò với cá hồi kèm chiếc bánh làm từ sữa chua trên nhà hàng tầng thượng sang chảnh ở Bắc Kinh. Leia là chú chó phốc hươu nhỏ giống Đức (Miniature Pinscher) và là một trong hàng triệu thú cưng ở Trung Quốc được chủ nhân chiều chuộng như con đẻ.
Giới nuôi thú cưng và chịu chi cho bạn đồng hành đặc biệt này ở Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh bất chấp xu hướng tiêu dùng đi xuống kéo theo doanh số bán lẻ sụt giảm ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhiều người cho rằng xu hướng này phát triển mạnh do lối sống sống độc thân và không sinh con đang ngày càng lan rộng tại quốc gia Đông Á này. Người sở hữu vật nuôi tại các đô thị ở quốc gia đông dân nhất thế giới dành tới 202 tỷ nhân dân tệ (28,6 tỷ USD) cho vật nuôi trong năm 2019, cao hơn 19% so với năm 2018, theo nghiên cứu của Goumin.com, mạng xã hội Trung Quốc dành cho người nuôi thú cưng.
Nền kinh tế lớn nhất châu Á này đang sở hữu số lượng chó và mèo lớn nhất thế giới với 188 triệu cá thể, vượt Mỹ vào năm 2018, theo dữ liệu từ Euromonitor International. Đây cũng là năm số liệu về tỷ lệ sinh con ở Trung Quốc giảm mạnh. Ước tính tới năm 2024, Trung Quốc sẽ có khoảng 248 triệu con chó và mèo, so với 172 triệu con ở Mỹ. Xu hướng này mở ra cơ hội phát triển lớn cho các công ty sản xuất thức ăn thú cưng trên thế giới như Mars Petcare US và Nestle Purina Petcare.
Tỷ lệ sinh đẻ giảm ở Trung Quốc cũng đi đôi với hiện tượng dành tình cảm cho thú cưng gia tăng. Theo Goumin.com, gần một nửa số người nuôi thú cưng ở Trung Quốc là người trẻ sinh vào thập niên 1990, và 88% trong số đó là phụ nữ. Kết quả khảo sát tại các thành phố lớn ở Trung Quốc chỉ ra khoảng một nửa số chủ vật nuôi đều độc thân, và 9 trong 10 người coi thú cưng như con hoặc thành viên trong gia đình. Trong khi đó, mức sinh của Trung Quốc đã giảm xuống mức 15 triệu đứa trẻ vào năm ngoái, mức thấp nhất trong 6 thập kỷ.
Ông Song Xuan, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quan hệ Lao động Trung Quốc, nói với China Youth Daily rằng nhiều người trẻ đang chuyển sang nuôi thú cưng vì cảm thấy thiếu mối quan hệ thân mật và mong muốn có bạn đồng hành. Ông Song chỉ ra rằng nhiều người sinh sau những năm 1980 là những đứa con một trong gia đình. Đa số làm việc ở các thành phố lớn và từ chối kết hôn sớm. "Đối với những người trẻ tuổi độc thân, thú cưng có thể giúp họ cảm thấy bớt cô đơn. Đôi khi họ còn coi chúng như con mình", giáo sư nói.
Do đó, ngày càng có nhiều người Trung Quốc không tiếc tiền cho những "người bạn lông xù" của mình, trong đó nhiều người không ngần ngại chi hàng trăm USD mỗi tháng chỉ để mua thức ăn và đưa thú cưng đi spa. Thú vui này cũng khiến cho thị trường dịch vụ thú nuôi trở thành một "mảnh đất" màu mỡ với những dịch vụ xa xỉ đến không tưởng. Có thể kể đến sự xuất hiện các công ty du lịch dành riêng cho thú cưng hay dịch vụ bảo hiểm thú cưng ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt.
Nắm bắt được xu hướng mới, nhiều công ty đã nhanh nhạy đưa ra thị trường các dịch vụ chất lượng cao và tùy chỉnh theo nhu cầu như thức ăn chuyên biệt cho từng loại thú cưng. Đây cũng được cho sẽ là xu hướng phát triển chính của ngành dịch vụ này tại Trung Quốc trong thời gian tới. Hiện có hơn 30.000 cửa hàng dịch vụ chăm sóc thú cưng được mở tại các thành phố lớn của Trung Quốc, cao gấp 3 lần so với con số này tại Mỹ. Vào thời điểm diễn ra Lễ hội mùa Xuân, các cửa hàng chăm sóc thú nuôi lại được dịp "kiếm bộn tiền" khi nhu cầu gia tăng mạnh. Cụ thể, người mua sẽ phải chi 40-60 nhân dân tệ/ngày (tương đương 6-9 USD) để chăm sóc và trông nom một chú chó cưng. Thậm chí, việc chăm có một chú chó lớn cũng có giá lên tới gần 100 nhân dân tệ/ngày (khoảng 14,6 USD). Ước tính, giá trị của thị trường chăm sóc thú cưng tại Trung Quốc đã lên tới 97,9 tỷ nhân dân tệ (tương đương 14,2 tỷ USD), trong đó đồ ăn cho vật nuôi và dịch vụ chăm sóc hàng ngày đang là những mảng kinh doanh "ăn nên làm ra" nhất.
Thám tử thú cưng
Tưởng chừng thám từ là ngành nghề phục vụ công tác phá án và điều tra manh mối nhưng thật bất ngờ khi tại Trung Quốc đang có những thám tử thú cưng, chuyên dò tìm thú cưng bị mất cho khổ chủ. Dịch vụ thám tử thú cưng đang trở nên phổ biến hơn tại Trung Quốc. Trong 2 năm qua, khoảng 10 thám tử thú cưng khác đã xuất hiện, đem lại niềm vui cho khách hàng và những người bạn bốn chân của họ. Sun Jinrong, người đàn ông được truyền thông Trung Quốc mệnh danh là thám tử thú cưng đầu tiên của nước này là một người yêu động vật. Nhiệm vụ của anh là giải quyết các vụ mất tích bí ẩn và tìm lại những con vật yêu quý cho chủ nhân nhờ các thiết bị công nghệ cao trị giá hàng ngàn đô. Mỗi chuyến hành nghề, Sun đem theo rất nhiều thiết bị như máy dò nhiệt, camera giám sát, phi tiêu thổi thuốc an thần,...
Tính đến nay, Sun đã giúp đoàn tụ cho khoảng 1.000 vật nuôi bị mất tích kể từ khi anh mở dịch vụ tìm thú cưng thất lạc cách đây 7 năm về trước. Thông thường khách hàng phải trả khoảng 8.000 nhân dân tệ (khoảng 1.130 USD) cho dịch vụ tìm thú cưng do công ty của Sun cung cấp. Công ty của anh hiện có 10 nhân viên và có trụ sở tại Thượng Hải. Giờ giấc làm việc của anh Sun rất thất thường vì anh thường nhận các cuộc gọi từ những chủ thú cưng vào ban đêm, thậm chí ở những địa điểm rất xa trụ sở, anh Sun cũng sẵn sàng di chuyển tới để giúp khách hàng vì sự đồng cảm với họ. Sun tự hào nhờ kinh nghiệm đã có nên tỷ lệ tìm thấy thú cưng của anh khá cao, từ 60-70%. Anh cho biết thêm, ngành nghề của anh gần như chưa từng có trong ngành công nghiệp. Tất cả mọi kiến thức và kinh nghiệm đều do anh tự học hỏi và chiêm nghiệm từ những người thợ săn. Ví dụ như việc phải cẩn thận khi bắt thú cưng. Không nên dùng lưới để bắt những con chó nhỏ như Pomeranian vì sự hoảng sợ có thể giết chết chúng. Đội của anh Sun thường làm việc chủ yếu vào đêm khuya khi không gian tĩnh mịch hơn, nhờ đó làm tăng cơ hội tìm thấy những con vật bị mất tích vì chúng sẽ rời khỏi nơi ẩn náu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn