"Cầu nối" ngoại giao văn hóa
Với Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Thị Hòa, áo dài có thể giúp quảng bá văn hóa Việt. Bản thân bà từng có kỷ niệm sâu sắc với chiếc áo dài trong buổi trình Quốc thư lên Quốc vương Hà Lan năm 2017. Thời gian đó là vào tháng 1, tiết trời châu Âu rất lạnh nhưng Đại sứ Ngô Thị Hoà vẫn muốn mặc áo dài trong sự kiện quan trọng này để thể hiện nét đẹp văn hóa Việt. "Sau buổi trình Quốc thư, thực sự tôi cũng lạnh nhưng kết quả rất tốt đẹp. Khi tiếp xúc, tôi cảm thấy sự ấm cúng và thân thiện mà Nhà Vua dành cho tôi. Hôm sau, tôi nhận được một bức thư của người hàng xóm ở đối diện đại sứ quán. Đó là một vị luật sư. Trong thư ông viết nhìn thấy tôi đi trình Quốc thư trong bộ áo dài rất đẹp, sang trọng nhưng băn khoăn không biết tôi có lạnh hay không", Đại sứ Ngô Thị Hòa kể lại.
Họa sĩ Việt kiều Thụy Điển Văn Dương Thành cũng bày tỏ sự yêu thích mặc áo dài trong các buổi lễ tân hay triển lãm tranh. "Ở bất cứ thời đại nào, tôi tin rằng áo dài luôn là biểu tượng gắn liền với người phụ nữ Việt đảm đang. Là họa sĩ, tôi đã đưa những hình vẽ trong tranh của mình lên áo dài và được nhiều người bạn nước ngoài sưu tập: Từ những rừng hoa dại đơn sơ đến đàn hạc bay, phố cổ, đầm sen… bốn mùa đều có thể hòa hợp với áo dài", hoạ sĩ Văn Dương Thành chia sẻ.
Tự hào tà áo quê hương
Ở Ukraina, nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý đang đón thêm một mùa xuân xa xứ. Xuân này không có tuyết rơi nên chiếc áo dài duyên dáng thỏa sức khoe sắc trong nhà hàng Cầu Vồng, nơi diễn ra buổi tiệc do Đại sứ quán Việt Nam tại Kiev tổ chức chiêu đãi. Bên cạnh những bộ vets lịch lãm, tà áo dài thêm tinh tế hơn bao giờ hết. Điệu múa "Bèo dạt mây trôi" với màu vàng điểm lá sen xanh; những bài hát ca ngợi mùa xuân đất nước với muôn màu áo hồng, xanh, vàng, tím, đỏ… khiến chị Hoa Lý rưng rưng, khóe mắt cay cay.
"Đẹp biết bao, quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu. Dù ở đâu… Paris, London hay những miền xa…". Những câu hát trong bài "Một thoáng quê hương" của nhạc sĩ Từ Huy - Thanh Tùng mà chị Phương Nguyễn (định cư ở Mỹ từ năm 1995) rất tâm đắc. Một trong những hành trang mà chị mang theo khi đến Mỹ là "bộ sưu tập" áo dài mà chị thường mặc khi ở Việt Nam. "Tà áo dài gợi nhớ biết bao hình ảnh đẹp của quê hương, mang cốt cách của dân tộc", chị Phương Nguyễn nói.
Chị Phương cho biết, hồi mới định cư ở Mỹ, chị rất muốn mặc áo dài đi làm nhưng công việc không cho phép nên chị chỉ mặc vào 2 ngày cuối tuần. Chị vẫn duy trì thói quen đó đến hôm nay. Những người Việt sinh sống trên nước bạn như chị Phương diện áo dài như một sự trân quý trang phục truyền thống. Chiếc áo dài Việt Nam không những được duy trì và gìn giữ trên xứ người mà ngày càng khẳng định chỗ đứng trong văn hóa Mỹ. Từ năm 2016, Thượng viện bang California (Mỹ) đã thông qua dự thảo nghị quyết số 73 công nhận ngày 15/5 hằng năm là Ngày Áo dài của bang này.
"Mục tiêu lớn nhất của tôi trong thời gian tới là truyền bá tình yêu áo dài đến mọi người", cô nữ sinh Úc Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết. Không chỉ sở hữu hơn 100 bộ áo dài, trên trang web aodaiaroundtheworld.com, thông qua dự án có tên "Áo dài quanh thế giới" của Thu Thủy, hình ảnh tà áo dài Việt Nam duyên dáng trong gió bên cạnh tháp Eiffel (Pháp), trong mùa thu vàng ở Hàn Quốc rồi ở Úc… Trang web này có một bản đồ tương tác. Bất kỳ ai đều có thể gửi hình ảnh và chia sẻ câu chuyện, kỷ niệm của mình liên quan đến áo dài. Dự án của Thủy được nhiều người đón nhận vì nó không chỉ giới thiệu nét văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế mà còn giúp những người con xa quê cảm thấy gần gũi với quê hương hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn