Sốt nhẹ được hiểu là tình trạng sốt từ 37,5 độ C đến dưới 38,5 độ C kéo dài hơn 24 giờ và sốt nhẹ dai dẳng thường định nghĩa là bị sốt nhẹ kéo dài hơn 10 - 14 ngày.
Thông thường, sốt là phản ứng sinh học của hệ miễn dịch cơ thể với các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài như virus hoặc vi khuẩn gây cúm, cảm lạnh, viêm họng liên cầu khuẩn,... hoặc các tác nhân gây sốt ngoài nhiễm trùng. Thậm chí sốt nhẹ kéo dài dai dẳng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư.
Theo Very Well Health, có khoảng 18% - 30% trường hợp sốt không rõ nguyên nhân là do khối u ung thư phát triển làm tăng sản xuất các chất gọi là cytokines. Ngoài ra, tế bào ung thư phát triển cũng có thể gây kích ứng hoặc làm tổn thương các mô, dẫn đến viêm và sốt.
Sốt ở bệnh nhân ung thư thường lên xuống trong ngày và đôi khi chạm đỉnh thân nhiệt ở cùng một thời điểm nhất định chẳng hạn như sốt về chiều hoặc sốt ban đêm và kéo dài ít nhất trong 3 tuần. Có một số bệnh ung thư thường gặp gây sốt nhẹ kéo dài mà bạn cần chú ý bao gồm:
- Bệnh bạch cầu: Bệnh bạch cầu là một loại ung thư máu, xảy ra do sự quá sản tế bào bất thường của tủy xương. Bạch cầu là các tế bào chức năng có nhiệm vụ chống lại những tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể và thực bào chúng, khử động, sản xuất kháng thể cũng như giải phóng những chất truyền tin hóa học.
Người mắc bệnh bạch cầu có tế bào bạch cầu trong máu và tủy xương sản xuất mất kiểm soát và không hoạt động bình thường, khiến hệ miễn dịch bị suy yếu và cơ thể phản ứng lại với các tác nhân gây nhiễm trùng mạnh mẽ hơn thông qua sốt. Sốt do bệnh bạch cầu có thể là bị sốt nhẹ kéo dài, sốt kèm theo ớn lạnh và run rẩy.
Các triệu chứng của bệnh bạch cầu khác bao gồm: Mệt mỏi kéo dài, tần suất mắc các bệnh nhiễm khuẩn tăng lên, giảm cân không rõ nguyên nhân, bị sưng hạch bạch huyết, thường xuyên bị bầm tím hoặc chảy máu cam, có các đốm xuất huyết dưới da (do lượng tiểu cầu giảm), đổ mồ hôi nhiều về đêm, cảm thấy xương yếu và đau nhức các khớp xương (do lượng bạch cầu sản sinh quá nhiều tại tủy xương gây chèn ép).
- U lympho: Là một loại ung thư máu do các tế bào hạch bạch huyết phát triển không kiểm soát. Bệnh nhân mắc bệnh U lympho thường bị sốt nhẹ kéo dài, thân nhiệt khoảng hơn 38 độ C tựa như lúc sốt lúc không. Điều này được giải thích là do tế bào u lympho sản xuất ra các chất hóa học làm tăng thân nhiệt cơ thể.
Các triệu chứng của bệnh u lympho khác ngoài sốt thường gặp như thường bị nổi u/sưng to hạch bạch huyết ở các vùng bao gồm cổ, nách, bẹn; mệt mỏi mãn tính thậm chí kiệt sức ngay cả khi chỉ hoạt động một chút và không cảm thấy đỡ mệt hơn sau khi nghỉ ngơi; vã mồ hôi đêm; sụt cân không rõ nguyên nhân và chán ăn.
- Ung thư thận: Bị sốt nhẹ kéo dài cũng có thể gặp ở bệnh nhân mắc ung thư thận. Theo Very Well Health, khoảng 20% người bị ung thư thận bị sốt kèm theo sụt cân không chủ ý, buồn nôn, nôn, cảm thấy rất no sau khi ăn, thiếu máu, đau thắt lưng, ngứa hoặc vàng da và vàng mắt. Đau bụng, sưng và nhiều dịch cũng có thể là triệu chứng của bệnh ung thư thận.
Ung thư thận có nguy cơ cao gặp ở người bị béo phì; người thường xuyên làm việc ở các môi trường công nghiệp hóa chất độc hại, môi trường kim loại nặng; người lạm dụng thuốc giảm đau kéo dài; người có tiền sử gia đình mắc ung thư thận; người có thói quen hút thuốc lá.
- Ung thư buồng trứng: Sau ung thư vú và ung thư cổ tử cung thì bệnh ung thư buồng trứng cũng là một loại ung thư thường gặp ở nữ giới. Xảy ra khi một hoặc cả hai bên buồng trứng tăng sinh các tế bào bất thường và phát triển thành các khối u ung thư ác tính, tấn công và phá hủy mô cơ lân cận.
Người mắc ung thư buồng trứng có thể bị sốt nhẹ kéo dài mà không rõ nguyên nhân - nhưng triệu chứng này lại không phải là đặc trưng của bệnh nên rất dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý khác chẳng hạn như cúm hoặc cảm lạnh.
Ngoài sốt, tế bào bất thường ở buồng trứng phát triển cũng dễ gây đầy bụng, đau bụng ở vùng chậu, chán ăn, giảm cân không rõ nguyên nhân, buồn nôn và nôn mửa, táo bón, ợ nóng, đau lưng, tần suất đi tiểu nhiều hơn, dễ mệt mỏi và cáu kỉnh, bị chảy máu âm đạo sau mãn kinh; bất thường của chu kỳ kinh nguyệt và cảm giác đau rát khi quan hệ.
Lưu ý rằng, bị sốt nhẹ kéo dài không phải lúc nào cũng là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư. Điều quan trọng là chú ý tới các triệu chứng đi kèm như đau đớn, giảm cân bất thường không rõ nguyên nhân, mệt mỏi dù đã nghỉ ngơi đầy đủ,... để thăm khám bác sĩ sớm và được hướng dẫn sàng lọc bệnh ung thư bằng các phương pháp tầm soát ung thư phù hợp.
Mặc dù bệnh cảm lạnh cũng gây ra các cơn sốt nhẹ (trên 37,7 độ C - 38,8 độ C) nhưng hầu hết các dấu hiệu cảm lạnh thường tự hết trong khoảng 7 - 10 ngày (đôi khi là 14 ngày nhưng chủ yếu là ho, mũi) kể từ khi các triệu chứng bệnh đầu tiên xuất hiện. Các dấu hiệu cảm lạnh có thể kể đến ngoài bị sốt nhẹ bao gồm: Nghẹt mũi, chảy nước mũi; ngứa rát cổ họng; chảy nước mắt; hắt hơi; ho khan nhẹ, viêm họng; đau mỏi người; ớn lạnh; mệt mỏi và chán ăn.
Tuy nhiên nếu mắc cảm lạnh và bị sốt cao trên 38,5 độ C từ 5 ngày trở lên (Sốt trên 38°C ở trẻ dưới 3 tháng tuổi lần đầu tiên hay sốt cao hoặc trẻ bị sốt nhẹ kéo dài hơn 2 ngày ở mọi lứa tuổi) hoặc đột ngột bị sốt sau một thời gian ngừng sốt, đặc biệt là khi kèm theo các hiện tượng sức khỏe bất thường như khó thở, thở rút lõm lồng ngực, thở khò khè, đau họng và đau đầu nghiêm trọng kéo dài thì cần thăm khám bác sĩ sớm đề phòng biến chứng đường hô hấp dưới.
Theo một nghiên cứu năm 2022 trên Lausanne thì sốt cao liên tục kéo dài có thể do cúm hoặc bệnh bạch cầu đơn nhân. Trong đó, virus Epstein-Barr (EBV) gây ra bệnh bạch cầu đơn nhân có thể gây sốt, đau nhức cơ thể và mệt mỏi nghiêm trọng.
Ngoài các nguyên nhân bị sốt nhẹ kéo dài do ung thư hoặc bệnh cảm lạnh kể trên thì sốt kéo dài là bệnh gì cũng có thể là do các nhiễm trùng đường hô hấp giống bệnh cúm, bệnh viêm phế quản, bệnh viêm phổi hoặc bệnh lao; nhiễm trùng đường tiết niệu; sốt do virus viêm dạ dày ruột; các rối loạn tự miễn gây viêm sốt như viêm khớp, lupus và bệnh đa xơ cứng; viêm tuyến giáp bán cấp hoặc sốt do tác dụng phụ khi uống thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamin, thuốc chống co giật hoặc sốt sau tiêm vaccine.
Lưu ý các tình trạng phổ biến như:
- Các đợt nhiễm trùng do virus liên tiếp phổ biến ở trẻ nhỏ cũng khiến trẻ bị sốt nhẹ kéo dài hơn một đợt nhiễm chỉ một loại virus bình thường. Điều trị nhiễm trùng do virus thường tập trung vào nghỉ ngơi và uống nhiều nước; uống thuốc hạ sốt nếu sốt cao. Do sốt là một phản ứng quan trọng giúp cơ thể chống lại một số nhiễm trùng nên đôi khi, tốt nhất là kiên nhẫn chờ đợi.
- Thuốc: Sốt nhẹ kéo dài có thể xảy ra sau khoảng 7 - 10 ngày sau khi bắt đầu dùng một loại thuốc mới. Lúc này bạn cần nó chuyện với bác sĩ để điều chỉnh liều lượng thuốc hoặc đổi thuốc. Cơn sốt sẽ biến mất sau đó.
- Sốt mọc răng: Mọc răng trong độ tuổi 4 - 7 tháng đôi khi có thể khiến trẻ bị sốt nhẹ kéo dài kèm cáu kỉnh, quấy khóc, chán ăn, chảy dãi nhiều hơn. Tuy nhiên nếu trẻ sốt trên 38,3 độ C thì khả năng trẻ bị sốt không do sốt mọc răng và cần được khám sớm.
- Stress: Căng thẳng mãn tính có thể gây sốt nhẹ kéo dài hay còn được gọi là psychogenic fever (tạm dịch: Sốt tâm lý). Theo Healthline, tình trạng này thường gặp nhất ở phụ nữ và người mắc bệnh lý thường bị trầm trọng hơn do căng thẳng, ví dụ như hội chứng mệt mỏi mãn tính và đau cơ xơ hóa. Lúc này, thuốc hạ sốt như acetaminophen thực ra không có tác dụng chống lại cơn sốt này mà thuốc chống lo âu sẽ được sử dụng.
- Bệnh lao: Bệnh lao gây sốt nhẹ dai dẳng về đêm kèm đổ mồ hôi đêm. Đây là bệnh truyền nhiễm cao do vi khuẩn tên là Mycobacterium tuberculosis (M. tuberculosis) gây ra. Ngoài sốt đêm vã mồ hôi thì người mắc bệnh lao có thể có các triệu chứng lao như ho ra máu hoặc ho có đờm, đau khi ho, mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
Điều quan trọng nhất là chú ý diễn biến của các triệu chứng kèm theo để thăm khám bác sĩ. Chuẩn bị các thông tin đi kèm như bạn bị sốt kéo dài bao lâu, bao lâu thì sốt một lần, sốt cao bao nhiêu độ, có bị sốt vào ban đêm không hay sốt vào ban ngày nhiều hơn, có đang dùng thuốc theo đơn không, có sẵn các bệnh nền nào không, có các tình trạng răng miệng như áp xe hay viêm nướu không,...
Tại sơ sở y tế, bác sĩ sẽ giúp bạn chẩn đoán bị sốt nhẹ kéo dài là bệnh gì bằng các kiểm tra trên lâm sàng và xét nghiệm hỗ trợ như xét nghiệm công thức máu toàn phần, xét nghiệm nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh hoặc sinh thiết nếu nghi ngờ bạn bị sốt nhẹ kéo dài do ung thư.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn