Không nên coi thường khi trẻ có dấu hiệu viêm thanh quản trong mùa lạnh

12:29 | 04/12/2024;
Viêm thanh quản là bệnh lý xảy ra do sự viêm nhiễm tại thanh quản. Dưới điều kiện thời tiết lạnh, ngoài người già thì viêm thanh quản ở trẻ em cũng gia tăng.

Viêm thanh quản ở trẻ có thể là viêm thanh quản mãn tính (kéo dài) hoặc viêm thanh quản cấp ở trẻ (thời gian ngắn), tùy vào từng tình trạng bệnh. Nhưng nhìn chung, vào mùa lạnh, hệ miễn dịch vốn non yếu và chưa hoàn thiện của trẻ dễ bị tổn thương hơn, tạo điều kiện cho virus và vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp và gây bệnh, dẫn tới viêm thanh quản, gây kích ứng, ho, đau, khó chịu cho trẻ.

Mặc dù không có vaccine để ngăn ngừa viêm thanh quản ở trẻ nhưng các biện pháp phòng ngừa bệnh như vệ sinh, tiêm phòng,... có thể giúp ngăn ngừa việc trẻ bị nhiễm virus hay vi khuẩn gây bệnh. Để chăm sóc sức khỏe mùa lạnh và phòng các bệnh do virus, vi khuẩn cho trẻ, cha mẹ cần chú ý:

- Giúp và hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

- Hạn chế cho trẻ ra ngoài khi thời tiết chuyển rét đậm, rét hại.

- Tránh những nơi có khói thuốc hay ô nhiễm không khí.

- Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ với các bệnh lây nhiễm đã có vaccine.

- Tắm cho trẻ vào mùa lạnh cần tắm nước ấm vừa phải, phòng tắm kín gió.

- Cho trẻ tránh xa các nguồn có nguy cơ lây nhiễm như người lớn bị bệnh hô hấp, trẻ ở trường học đang bị ho, sổ mũi,..

- Bảo vệ đường hô hấp của trẻ (bao gồm mũi, miệng, họng, ngực) khi ra ngoài bằng mũ, khẩu trang, khăn ấm;...

Đặc biệt là cần chú ý tới các triệu chứng hô hấp, triệu chứng vùng hầu họng bất thường của trẻ để nhanh chóng thăm khám bác sĩ khi cần thiết. Các nhiễm trùng đường do virus có thể tự khỏi nhưng nếu nhiễm trùng do vi khuẩn thì cần được điều trị bằng kháng sinh kịp thời.

1. Dấu hiệu viêm thanh quản ở trẻ là gì?

Viêm thanh quản được hiểu là tình trạng thanh quản bị viêm do các tác nhân như virus, vi khuẩn dẫn tới kích ứng. Viêm thanh quản ở trẻ do virus thường chỉ là tạm thời và ít nghiêm trọng; trong khi đó viêm thanh quản do vi khuẩn cần phải điều trị bằng thuốc kháng sinh để loại bỏ nhiễm trùng và ngăn ngừa tái phát. Tuy nhiên, tình trạng khàn giọng, mất tiếng kéo dài đôi khi có thể cảnh báo một tình trạng vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng hơn.

Không nên coi thường khi trẻ có dấu hiệu viêm thanh quản trong mùa lạnh- Ảnh 1.

Trẻ nhỏ thường dễ bị viêm thanh quản. Ảnh: ST

Trẻ nhỏ là nhóm dễ bị viêm thanh quản (phổ biến trong giai đoạn từ 6 tháng tới 5 tuổi), nhất là trẻ thường xuyên bị viêm mũi họng hoặc trẻ thường xuyên la hét dẫn tới phù nề dây thanh quản (còn gọi là tổn thương thanh quản do hoạt động quá mức).

Dấu hiệu viêm thanh quản ở trẻ bao gồm:

- Khàn giọng, giọng nói bị thay đổi (cảm giác như bị bóp nghẹt) là dấu hiệu viêm thanh quản phổ biến và dễ nhận thấy nhất. Đôi khi trẻ có thể bị mất giọng.

- Cảm thấy ngứa ở phía sau cổ họng, ho khan, ho dai dẳng kéo dài hoặc ho có đờm, có thể phát ra âm thanh khàn khàn khi ho, đây cũng là triệu chứng viêm thanh quản phổ biến ở trẻ. Cơn ho ở trẻ có thể trở nên dữ dội hơn vào ban đêm khi trẻ nằm xuống.

- Đau họng, khó chịu ở cổ họng khi nói chuyện, khi nhai nuốt thức ăn hay đồ uống; có cảm giác vướng ở họng và nhu cầu hắng giọng nhiều hơn.

- Khó nuốt dẫn tới chán ăn, mệt mỏi, quấy khóc và cáu kỉnh.

- Trong một vài trường hợp trẻ có thể bị sốt do viêm thanh quản, sốt có thể là sốt nhẹ (khoảng 38 độ C) hoặc sốt cao (trên 40 độ C) do nhiễm trùng dẫn tới viêm sốt.

- Khó thở, thở rút lõm lồng ngực, thở khò khè hay tiếng thở rít do đường thở bị sưng nề hoặc do ho tăng lên. Một khi luồng khí vào phổi bị hạn chế, trẻ có thể bị thiếu oxy và xuất hiện tình trạng tím tái, bao gồm tím tái ở các đầu chi như ngón tay, ngón chân; chóng mũi, môi lưỡi,...

Các triệu chứng viêm thanh quản ở trẻ thường tiến triển một cách từ từ và có thể bắt đầu bằng cách biểu hiện hô hấp dễ nhầm lẫn như chảy mũi, nghẹt mũi.

Không nên coi thường khi trẻ có dấu hiệu viêm thanh quản trong mùa lạnh- Ảnh 2.

Trẻ cảm thấy ngứa ở phía sau cổ họng, ho khan, ho dai dẳng kéo dài hoặc ho có đờm (Ảnh: ST)

2. Lưu ý khi chữa viêm thanh quản ở trẻ

Viêm thanh quản kéo dài bao lâu? Thông thường viêm thanh quản cấp ở trẻ thường kéo dài từ 5 - 7 ngày rồi tự khỏi mà không bị các biến chứng bội nhiễm. Đối với thời gian chính xác trẻ bị viêm thanh quản bao lâu thì khỏi thì cần phải dựa vào tình trạng của trẻ bao gồm sức đề kháng, mức độ nghiêm trọng và đáp ứng điều trị.

Các cách điều trị viêm thanh quản ở trẻ thông thường bao gồm điều trị triệu chứng bằng thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt, hạn chế nói nhiều/nói to, nghỉ ngơi, uống đủ nước. Đồng thời tuyệt đối tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc và môi trường ô nhiễm, bởi khói thuốc và các chất ô nhiễm có thể làm tình trạng viêm và cơn ho ở trẻ trở nên trầm trọng hơn.

Nhiều cha mẹ cũng quan tâm tới cách chữa viêm thanh quản bằng mật ong. Cách chữa viêm thanh quản bằng mật ong có thể kết hợp cùng chanh hoặc lá hẹ để giảm triệu chứng.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, mặc dù mật ong được cho là an toàn với hầu hết mọi người và tác dụng của mật ong chứa hydro peroxit có đặc tính kháng khuẩn mạnh mẽ cũng như làm dịu cổ họng, giảm kích ứng và giảm ho. Nhưng tuyệt đối không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi vì có thể khiến trẻ bị ngộ độc.

Viêm thanh quản ở trẻ có nguy hiểm không? Đối với người lớn thì viêm thanh quản dường như không quá nghiêm trọng nhưng trẻ em bị viêm thanh quản nếu không được theo dõi sát sao và kịp thời thì viêm thanh quản có thể gây ra nhiều biến chứng sức khỏe như hẹp đường thở, viêm phế quản phổi hay thậm chí là suy hô hấp nguy hiểm tới tính mạng. Không nên lạm dụng các biện pháp chữa viêm thanh quản bằng bài thuốc dân gian hay tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị viêm thanh quản ở trẻ mà không có chỉ định của bác sĩ.

Viêm thanh quản có lây không? Viêm thanh quản do virus hay vi khuẩn đều dễ lây nhiễm qua dịch tiết thông qua chất nhầy và giọt bắn đường hô hấp. Trong đó, trẻ em bị viêm thanh quản có thể lây nhiễm trong 3 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng hoặc cho đến khi hết sốt.

Do vậy nếu quan sát trẻ có các dấu hiệu viêm thanh quản ở trẻ như: Khó thở, thở gấp, thở khò khè hay khó nuốt, sốt trên 37,8 độ C ở trẻ dưới 3 tháng tuổi và trên 38,9 độ C với trẻ trên 3 tháng tuổi - nhất là khi trẻ không đáp ứng thuốc hạ sốt và sốt kéo dài, trẻ bị chảy nhiều dãi hơn hoặc khóc không phát ra tiếng, giọng nói như bị bóp nghẹt hoặc đau dữ dội và các triệu chứng không thuyên giảm sau 2 tuần thì cần nhanh chóng cho trẻ tới các cơ sở chuyên khoa để được thăm khám sớm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn